Giá cả tăng cao, sao CPI vẫn dậm chân tại chỗ?
- Tường An
- •
Thịt lợn tăng gấp đôi so với mức đầu năm, các hoá đơn tiền điện tăng 30 – 50% từ ngày 1/4, 1900 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá từ 20/8 v.v. Tuy nhiên, Báo cáo kinh tế xã hội do Tổng cục Thống kê lại nhận định Lạm phát năm 2019 được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm. Vậy chỉ số CPI giai đoạn năm 2015 – 2020 đang được tính như thế nào?
CPI được tính như thế nào?
Tổng cục Thống kê cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu thống kê phản ánh xu hướng và mức độ biến động về giá cả theo thời gian của các loại hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân.
Để tính CPI, Tổng cục Thống kê xác định Danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân (còn được gọi là “rổ” hàng hóa) và thực hiện thu thập giá hàng tháng đối với các loại hàng hóa và dịch vụ này; đồng thời xác định Quyền số cố định (tỷ trọng mức tiêu dùng) tương ứng với các nhóm trong Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện. Hiện nay, Việt Nam sử dụng công thức Laspeyres bình quân để tính chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2015 – 2020.
Quyền số phục vụ tính chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2015 – 2020 được thu thập từ cuộc “Khảo sát mức sống dân cư và Điều tra quyền số chỉ số giá tiêu dùng năm 2014” với dàn mẫu là 62.655 hộ dân cư tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng được tổng hợp cho cấp tỉnh, cấp vùng, toàn quốc, khu vực thành thị và nông thôn của 11 nhóm hàng chính. Theo đó, quyền số nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống được xác định là 36,12%; nhà ở điện nước chất đốt là 15,73%; giao thông là 9,37%; may mặc, giầy dép, mũ nón là 6,37%; giáo dục là 5,99%; y tế là 5,04%;….
Từ tháng 1/2016, Tổng cục Thống kê thực hiện công bố chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của cả nước, 6 vùng kinh tế, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thời kỳ 2015 – 2020, bao gồm Chỉ số giá chung, chỉ số giá 11 nhóm cấp I và 3 nhóm cấp II (lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình) và chia theo khu vực thành thị, khu vực nông thôn.
Cách tính CPI có phản ánh đúng đời sống người dân?
Nhìn lại một năm qua, giá cả đa số mặt hàng tiêu dùng cơ bản đã biến động rất mạnh.
Đáng kể nhất phải để tới mặt hàng thịt lợn, món ăn chiếm tới 65% thực phẩm từ thịt của người dân Việt Nam. Theo báo cáo của USDA, Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới về tiêu thụ thịt lợn. Năm 2018, tiêu thụ 2.796.000 tấn, năm 2019 ước tính 2.435.000 tấn. Trung bình mỗi người dân tiêu thụ 29 kg thịt lợn/năm.
Từ giữa năm 2019, dịch tả lợn châu Phi liên tục hoành hành, khiến nguồn cung thịt lợn trở nên khan hiếm, kéo giá thịt lợn tăng cao. Tính đến 25/12/2019, giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng lên tới mức 90.000 đồng/kg so với mức 49.000 đồng/kg hồi đầu năm.
Trong bảng Quyền số các nhóm hàng được công bố, Tổng cục Thống kê không chỉ ra chi tiết thịt lợn chiếm tỷ trọng như thế nào trong cách tính CPI, tuy nhiên, tác động ảnh hưởng đáng kể của mặt hàng thịt lợn chắc chắn không nhỏ. Trong thời kỳ giảm giá thịt lợn năm 2017, Báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho biết tác động của cơn lốc giảm giá thịt lợn đã khiến chỉ số CPI thực phẩm giảm 1,74%, làm cho CPI chung giảm 0,39%. Tại thời điểm đó, giá thịt lợn hơi đã giảm khoảng 30% từ 37.000 đồng/kg xuống 25.000 đồng/kg.
> Thịt lợn có thể thiếu 600.000 tấn, tăng gấp 3 lần dự báo trước đó
Tuy nhiên, cùng mặt hàng thịt lợn, mặc dù giá cả trong năm 2019 đã tăng gấp đôi nhưng dường như không tác động mấy tới CPI chung. Điều đáng nói,năm 2019 không chỉ diễn ra sự tăng vọt của giá thịt lợn, mà các mặt hàng thực phẩm khác cũng trên đà tăng mạnh. Gà lông tăng từ 29.000 đồng/kg lên 36.000 đồng/kg. Thịt bò, tôm, cá, … đều có mức điều chỉnh tăng từ 10-20% so với đầu năm.
Để phản ánh tình hình biến động của thực phẩm, ngay trên website của Tổng cục Thống kê cũng có một biểu đồ Chỉ số giá tiêu dùng chi tiết các nhóm mặt hàng. Theo đó, song song với chỉ số giá tiêu dùng chung màu xanh có đường dốc nhẹ thì Chỉ số giá thực phẩm màu đỏ lại thẳng đứng trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá thực phẩm cho thấy mức tăng dao động xấp xỉ 15% so với năm 2018, gấp hơn 5 lần mức lạm phát cơ bản được công bố.
Tương tự các nhóm hàng điện nước, dịch vụ y tế, mặc dù tăng cao đột biến nhưng do Quyền số được xác định quá nhỏ trong rổ hàng nên dường như cũng chẳng mấy tác động tới CPI chung. Cụ thể nhóm dịch vụ y tế chỉ có quyền số 3,87%, còn điện lại bị hoà lẫn trong nhóm điện nước, xây dựng, nhà ở nên việc tăng giá của các dịch vụ này không làm suy chuyển con số CPI chung. Đây có thể là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI công bố dường như không song hành với xu hướng tiêu dùng, đời sống thực sự của người dân.
Tường An
Xem thêm:
Từ khóa giá thịt lợn CPI năm 2019