Theo Bộ Công thương, có 24 dự án với tổng công suất 1.773 MW muốn tham gia thí điểm việc mua bán trực tiếp giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo với khách hàng dùng điện lớn (DDPA), không qua Tập đoàn Điện lực (EVN) như trước.

Diện mặt trời mái nhà EVN diện mặt trời năng lượng mặt trời cmsc.gov .vn
Đến cuối năm 2021, tổng nguồn điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam (gió, mặt trời) chiếm tỷ lệ 27% trong cơ cấu điện, tương đương 20.670 MW (Ảnh: csmc.gov.vn)

Thông tin này được Bộ Công thương cho biết tại báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cơ quan này cho hay, trong 106 dự án có công suất đặt 30 MW trở lên (gồm 41 dự án điện mặt trời, điện gió) thuộc Quy hoạch VII điều chỉnh, Bộ gửi phiếu khảo sát về việc tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DDPA), Vnexpress đưa tin.

Trong số doanh nghiệp phản hồi, có 24 dự án (công suất 1.773 MW) muốn tham gia thí điểm cơ chế này. 17 dự án với công suất 2.836 MW cho biết đang cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng. Trong khi 26 dự án khác nói không muốn tham gia DDPA.

Về phía khách hàng sử dụng điện, 24 đơn vị cho biết muốn tham gia thí điểm cơ chế này, với tổng nhu cầu khoảng 1.125 MW.

Bộ Công thương cho biết hiện đủ cơ sở pháp lý để triển khai mua bán điện qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp, tức không qua lưới điện quốc gia. Trường hợp này khi triển khai, bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết các đơn vị thực hiện.

Ngược lại, trường hợp mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia được Bộ Công thương đánh giá “vẫn khá rắc rối, nên kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo”. Do đó, cơ quan này đề xuất hai phương án để thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp tại Việt Nam.

Một là, quy định về cơ chế DPPA vào Luật Điện lực và việc triển khai cơ chế này phụ thuộc thời điểm sửa, ban hành Luật Điện lực sửa đổi, dự kiến năm 2025-2026.

Hai là, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện cơ chế DPPA, theo Điều 70 Luật Điện lực.

Trước đó, vì hơn 2 năm không được hòa lưới điện dẫn tới thua lỗ và lãng phí, do đó nhiều doanh nghiệp điện tái tạo đã đồng ý giá tạm thời bán cho EVN với mức 50% khung giá mà Bộ Công thương ban hành.

Theo khung giá này, giá mua điện các dự án chuyển tiếp dao động 1.508-1.816 đồng một kWh, giá tạm tính (50%) của các dự án trên khoảng 754 – 908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Đức Minh