Hơn 80 ngàn shop online không phát sinh đơn hàng nào
Tốc độ tăng trưởng mạnh, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Hơn 80 ngàn shop online không phát sinh đơn hàng nào trong 6 tháng. Doanh thu tập trung vào các shop chính hãng, các shop bán hàng xuyên biên giới giá rẻ. Nếu không có chính sách điều tiết phù hợp, rất khó để hàng Việt giữ được vị thế ngay tại thị trường trong nước.
Tiktok Shop tăng trưởng dẫn đầu, chiếm lĩnh thị phần các đối thủ
Sáu tháng đầu năm nay, số liệu từ nền tảng dữ liệu Metric.vn cho thấy, doanh số thị trường thương mại điện tử (4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop) đạt hơn 200.000 tỷ đồng, tăng 41,52% so với cùng kỳ 2024.
TikTok Shop dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, với mức tăng doanh số lên tới 69%, kéo theo thị phần vọt từ 29% lên 39%.
Shopee vẫn chiếm miếng bánh thị phần lớn nhất (58%) nhưng mức tăng trưởng chỉ đạt 16%, giảm mạnh so với mốc 63% cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Lazada và Tiki tiếp tục gặp khó khăn với doanh số lần lượt giảm 48% và 63%, thị phần theo đó cũng bị thu hẹp rõ rệt.
Theo Metric, sự thay đổi về thị phần cho thấy những biến chuyển rõ rệt trong hành vi tiêu dùng, đồng thời là tín hiệu để các sàn điều chỉnh chiến lược, đặc biệt chú trọng vào trải nghiệm nội dung, bán hàng tương tác trực tiếp .
Shop chính hãng chiếm phần lớn doanh thu, các shop nhỏ trong đợt thanh lọc sống còn
Sự đào thải ngày càng khốc liệt trong thương mại điện tử, số lượng nhà bán hàng (shop) phát sinh đơn hàng tiếp tục giảm mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, nửa đầu năm nay, hơn 80.000 shop không bán được đơn hàng nào.
Diễn biến này cho thấy, thị trường thương mại điện tử đang bước vào giai đoạn sàng lọc khốc liệt, khi xu hướng dần nghiêng về phía các nhà bán hàng lớn, chính hãng (shop mall). Các shop mall dù chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng số nhà bán, nhưng lại đóng góp phần lớn doanh thu.
Đơn cử, trên hai nền tảng Shopee và TikTok Shop , các shop mall chỉ chiếm 3,4% trong tổng số nhà bán hàng, nhưng lại đóng góp tới gần 29% tổng doanh thu của hai sàn này.
“Có thể thấy, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh về các thương hiệu uy tín. Điều này phản ánh tâm lý tiêu dùng ngày càng khắt khe và đề cao sự an tâm khi mua sắm trong bối cảnh hàng hóa kém chất lượng tràn lan” – đại diện Metric.vn đánh giá.
Hàng nhập khẩu giá rẻ đang nổi lên mạnh mẽ, hàng nội địa khó trụ vững
Bên cạnh sự cạnh tranh giữa các shop trong nước, hàng nhập khẩu giá rẻ cũng đang nổi lên mạnh mẽ. Trên Shopee, nhóm hàng nhập khẩu ngày càng chiếm ưu thế ở phân khúc sản phẩm phổ thông.
6 tháng đầu năm nay, nhóm này ghi nhận doanh số tới 7.500 tỷ đồng, với hơn 164 triệu sản phẩm bán ra. Dù chỉ chiếm khoảng 6% thị phần, nhóm hàng nhập khẩu vẫn tiêu thụ tốt nhờ mức giá trung bình thấp, khoảng 45.625 đồng/sản phẩm.
Bà Nho Đinh, Giám đốc điều hành tại Metric nhận định, chính mức giá cực thấp này đang gây áp lực lớn lên các nhà bán nội địa – vốn phải chịu chi phí sản xuất, nhân công vì chưa đạt được lợi thế quy mô. Nếu không có chính sách điều tiết phù hợp, sẽ rất khó để hàng Việt giữ được vị thế ngay tại thị trường trong nước.
Từ ngày 1/7, các sàn thương mại điện tử phải thực hiện khấu trừ, nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) thay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đối với mỗi giao dịch phát sinh doanh thu ở trong nước thành công và chấp nhận thanh toán trên nền tảng thương mại điện tử.
Từ ngày 1/8, Cục Hải quan – Bộ Tài chính sẽ áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) tự động với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
“Để đạt được sự hài hòa giữa phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới và bảo vệ sản xuất trong nước, chính sách cần theo hướng hai chiều: khuyến khích đổi mới, nhưng đồng thời đảm bảo một sân chơi minh bạch và công bằng. Việc áp thuế với hàng giá trị thấp là khởi đầu đúng, nhưng cần các giải pháp mang tính hệ thống hơn”, bà Nho Đinh đề xuất.
Số liệu 6 tháng đầu năm của Cục Thuế – Bộ Tài chính ghi nhận thu thuế từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số khác đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2024. Có 63 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai, nộp 5.700 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2024. Ngoài ra, 143.500 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đã kê khai, nộp thuế với số tiền 1.960 tỷ đồng.
Từ khóa thương mại điện tử báo cáo metric.vn
