Trong văn bản kiến nghị tháo gỡ cho đầu tư – kinh doanh bất động sản (BĐS), Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết thị trường hiện nay xuất hiện nhiều bất ổn như: lệch pha cung – cầu, thiếu hụt nguồn cung, siết tín dụng dẫn đến tắc nghẽn vốn, v.v… Trong đó, giá nhà dưới 2 tỷ đồng/căn tại TP.HCM gần như không còn.

thị trường bất dộng sản HoREA căn hộ TP.HCM Bất dộng sản nhà ở TP.HCM 95677375 1
Tại TP.HCM, năm 2020 giá nhà vừa túi tiền dưới 2 tỷ đồng chỉ chiếm 1% nhưng đến nay gần như đã không còn nữa. (Ảnh minh họa: Meister Photos/Shutterstock)

Theo HoREA, thị trường BĐS tồn tại 5 dấu hiệu bất ổn: (1) lệch pha cung – cầu, thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở; (2) lệch pha phân khúc thị trường khi nguồn cung nhà ở vừa túi tiền (dưới 2 tỷ đồng/căn) và nhà ở xã hội rất hiếm; (3) thiếu sản phẩm nhà ở dẫn đến giá cả liên tục tăng trong 5 năm gần đây; (4) hàng nghìn căn hộ, biệt thự du lịch có nhiều điểm bất cập về pháp lý và (5) giao dịch BĐS trầm lắng do khó tiếp cận vốn vay.

Trong đó, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết tại TP.HCM loại hình nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 chỉ chiếm 1% vào năm 2020. Từ năm 2021 đến nay không còn nhà ở vừa túi tiền, trong khi đó nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, còn lại nhà ở trung cấp chiếm 26%. Hiện nay, nhà liền thổ đã có nơi lên đến 500 tỷ đồng hoặc căn hộ cao cấp hạng sang có giá trên 100 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, nguồn vốn chảy vào thị trường BĐS bị thu hẹp dẫn đến khó huy động cả kênh trái phiếu và qua ngân hàng, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS giảm 79% trong quý 2/2022.

HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát và “nắn” dòng vốn tín dụng chứ không nên “siết” tín dụng. Đồng thời, NHNN nên ra chỉ thị các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với các chủ đầu tư có uy tín, dự án có tính khả thi và cho các cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở, để xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Hiệp hội cũng kiến nghị tại thời điểm hiện nay, chưa nên quy định “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn (50 năm, 70 năm)” để phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được “sở hữu căn hộ nhà chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài” vì đây là tài sản có giá trị lớn muốn để lại cho con cháu, để không gây biến động trên thị trường BĐS và trong xã hội.

Thị trường BĐS Trung Quốc: Hơn 100 dự án xây dựng dở dang bị bên mua “cưỡng chế dừng cho vay”

Từ đầu năm nay, nhiều tòa nhà tại Trung Quốc đã dừng xây dựng, nhiều dự án chưa hoàn thành ở nhiều vùng khác nhau ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các chủ sở hữu tập thể tòa nhà (người mua vay thế chấp) dở dang quyết định ngừng trả nợ, nhiều người cùng làm theo. Tính đến ngày 13/7, chủ sở hữu của hơn 100 dự án trên toàn Trung Quốc đã thông báo tạm dừng cho vay, cơn bão này tiếp tục mở rộng.

Ngày 13/7, theo giờ Bắc Kinh, NetEase, Sina và các cổng thông tin Đại Lục khác đã chuyển tiếp dữ liệu của “Bất động sản Phoenix.com”, cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, chủ sở hữu của 101 dự án xây dựng dở dang tại 47 thành phố thuộc 18 tỉnh thành tại Trung Quốc đã liên kết với nhau để “cưỡng chế dừng cho vay”.

Trong đó, 32 dự án BĐS tập trung ở tỉnh Hà Nam, 14 dự án ở tỉnh Hồ Bắc, và 13 dự án ở tỉnh Hồ Nam; chỉ riêng dự án cưỡng chế dừng cho vay của thành phố Trịnh Châu 1 đã chiếm 23,7%.

Kể từ khi báo cáo này được công bố, bài viết đã bị xóa khỏi toàn bộ mạng lưới Internet ở Trung Quốc Đại Lục.

Theo báo “Hoa Hạ Trung Quốc”, sau khi các chủ sở hữu của dự án Evergrande Lung Đình ra thông báo tạm dừng cho vay, ngày 7/7, chủ dự án đã ra công bố về việc chậm bàn giao tòa nhà, tất cả chủ sở hữu của Evergrande Times New City Vũ Hán cũng ra thông báo về việc cưỡng chế dừng cho vay.

Tòa nhà này đã quá hạn giao nhà vài tháng, hơn nữa vẫn tiếp tục dừng thi công hoàn toàn. Chủ đầu tư (bên mua) yêu cầu bên dự án phải khôi phục thi công trước ngày 1/8/2022, nếu không khoản vay sẽ buộc phải tạm dừng.

Phong trào “cưỡng chế dừng cho vay” đã càn quét thị trường bất động sản, các chủ sở hữu bất động sản dở dang ở nhiều nơi đã thông báo tạm dừng cho vay.

Kiến Minh