Louis Vuitton muốn tổ chức đoàn tàu cổ hạng sang tuyến Hà Nội – TP.HCM
- Khánh Vy
- •
Đại sứ Pháp Olivier Brochet cho hay Louis Vuitton muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội – TP.HCM. Chính phủ Pháp cũng quyết định viện trợ không hoàn lại 700.000 euro (khoảng hơn 18,6 tỷ đồng) để một doanh nghiệp nước này nghiên cứu dự án tôn tạo cầu Long Biên.
- Bộ GTVT duyệt chi hơn 3.100 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc – Nam
- Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được đề xuất có điểm đầu từ ga Hà Nội
Trong một buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ngày 23/11, Đại sứ Pháp Olivier Brochet cho hay một số hãng thời trang, thương hiệu nổi tiếng của Pháp trong đó có Louis Vuitton, mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội – TP.HCM phục vụ khách du lịch.
Tuyến đường sắt Bắc – Nam, với điểm đầu – cuối là Hà Nội và TP.HCM, dài 1.730 km, từng được Lonely Planet (trang cẩm nang du lịch lớn nhất thế giới) đánh giá là một trong những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới.
Đại sứ nói doanh nghiệp sẽ sửa chữa, cải tạo những toa tàu cổ, đã khai thác từ 30 năm trở lên rồi nhập khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, ông đề xuất Bộ cho phép có các ngoại lệ so với quy định hiện nay để các toa tàu có thể chạy trên đường sắt Việt Nam.
Phía Pháp cũng mong muốn hợp tác đầu tư các dự án đường sắt điện khí hoá như Thủ Thiêm – Long Thành, Hà Nội – Hải Phòng; phát triển đội tàu bay với các máy bay sản xuất tại Pháp như Airbus, ATR, sử dụng các công nghệ, thiết bị của Pháp tại sân bay Việt Nam.
Tiếp đó, Đại sứ cho biết Chính phủ Pháp cũng quyết định viện trợ không hoàn lại 700.000 euro (khoảng hơn 18,6 tỷ đồng) để một doanh nghiệp nước này khảo sát, nghiên cứu dự án tôn tạo cầu Long Biên.
Sau khi nghiên cứu xong, Cơ quan Phát triển Pháp sẵn sàng hỗ trợ một phần vốn cho việc tôn tạo. Ông đề nghị Bộ GTVT cùng TP. Hà Nội thực hiện các thủ tục để phía Pháp sớm triển khai dự án.
Với ý tưởng tổ chức chạy đoàn tàu cổ du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết rất ủng hộ. Tuy nhiên, phía Pháp cần nêu rõ các ngoại lệ gì khi sử dụng toa tàu cũ, để cùng trao đổi, xác định thẩm quyền các cơ quan liên quan. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ sẽ phải trình Thủ tướng.
Về vấn đề này, đại diện Cục Đường sắt cho biết theo quy định của pháp luật Việt Nam, để thực hiện kinh doanh vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia thì doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện.
Thứ nhất, về điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 21, Nghị định số 65/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có đủ các điều kiện sau:
- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn vận tải đường sắt;
- Có ít nhất 1 người phụ trách an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt;
- Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải phải có trình độ đại học và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.
Thứ hai, đoàn tàu phải đáp ứng niên hạn sử dụng và điều kiện nhập khẩu phương tiện giao thông đường sắt. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 18 của Nghị định số 65:
- Không quá 40 năm đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị;
- Không quá 45 năm đối với toa xe chở hàng chạy trên đường sắt chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng;
- Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng, chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.
Cũng theo Cục Đường sắt, dựa trên quy định của pháp luật Việt Nam, việc tổ chức vận hành khai thác các đoàn tàu trên đường sắt quốc gia phải được sự thống nhất của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa đường sắt Louis Vuitton đoàn tàu cổ hạng sang Hà Nội - TP.HCM