Tập đoàn Trung Quốc muốn làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam
- Nguyễn Quân
- •
Đường sắt cao tốc Bắc – Nam; các dự án cao tốc phía nam và phía bắc, các dự án phát triển điện gió… là những dự án phía Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC) thuộc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) ngỏ ý muốn làm.
- Đường sắt cao tốc – “tê giác xám” của Trung Quốc
- Trung Quốc: Đường sắt cao tốc và nguy cơ chìm trong nợ
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường tại Trung Quốc, chiều 19/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam – ông Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với ông Bạch Ngọc Chiến, Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Cảng Trung Quốc (CHEC) kiêm đại diện Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC). Cùng dự buổi tiếp đón có đại diện Bộ Giao thông vận tải Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Chiến giới thiệu khái quát về CCCC và CHEC, tình hình đầu tư, kinh doanh của CCCC tại Việt Nam. Ông Chiến cho hay CCCC bắt đầu hoạt động Việt Nam từ năm 1996, đến nay đã thực hiện thành công hơn 20 dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; cảng Cái Mép – Thị Vải; Nhiệt điện Vĩnh Tân – Bình Thuận… và các dự án điện gió.
Ông Chiến bày tỏ trong thời gian tới, CCCC mong muốn được tham gia vào kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Đường sắt cao tốc Bắc – Nam được Bộ GTVT xác định là “chưa có tiền lệ”, là siêu dự án với tổng chiều dài tuyến 1.545 km, kéo dài từ Hà Nội đến TP.HCM, đi qua 20 tỉnh thành, với tổng mức đầu tư hơn 61,6 tỷ USD. Bộ Chính trị Việt Nam xác định đây là “trục xương sống” khi khai thác các tuyến đường sắt hiện có, kết nối các tuyến đường sắt đô thị, trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước và liên vận quốc tế.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà – nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT (từ thời Formosa 2016) – là Trưởng Ban Chỉ đạo đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia. Hiện dự án đang được Bộ GTVT hoàn thiện, dự kiến trình Bộ Chính trị vào giữa tháng 11/2023.
Ngoài dự án trên, phía CCCC muốn đầu tư, thi công các dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương mở rộng, TP.HCM – Mộc Bài, Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng); các dự án phát triển điện gió…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay Việt Nam khuyến khích các tập đoàn có năng lực về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý cao tham gia đấu thầu các dự án hạ tầng trọng điểm.
Ông Dũng hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của CCCC thời gian tới, đồng thời chỉ ra hạn chế trong một số dự án phát triển hạ tầng do các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam thời gian qua.
Phương châm mà đại diện phía Việt Nam đưa ra là “chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, cùng thắng”. Theo ông Dũng, với phương châm này, quan điểm của phía Việt Nam là CCCC không chỉ là nhà thầu lớn, mà còn là nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ để Việt Nam phát triển và quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng hiệu quả, bền vững. Theo đó, góp phần cụ thể hóa chủ trương hợp tác, kết nối phát triển hạ tầng mà lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã thống nhất.
Ông Chiến cảm ơn và cam kết CHEC sẽ nỗ lực để tham gia hiệu quả vào các dự án phát triển hạ tầng ở Việt Nam, để Tập đoàn CCCC thực sự trở thành một “cầu nối” hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam.
Hồi trung tuần tháng 9, trong chương trình công tác tại Quảng Tây (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC). Người đứng đầu CREC mong muốn tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
CREC là tổng thầu thi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh – Hà Đông (tổng giá trị hợp đồng EPC 640 triệu USD); dự án điện gió Đắk Nông (tổng giá trị hợp đồng 18,1 triệu USD); dự án nhà máy lốp tại Tiền Giang (tổng giá trị 5 triệu USD).
Từ khóa Dòng sự kiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tập đoàn Trung Quốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc