Mâu thuẫn trong chiến lược năng lượng của AIIB
- chân hồ
- •
Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) được khởi xướng và hoạt động với nguồn vốn chủ yếu của Trung Quốc đã kết thúc đợt tham vấn lần hai về chiến lược năng lượng của mình. Sự chú ý đặc biệt tập trung vào việc liệu ngân hàng này sẽ ưu tiên đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo ít carbon, hay là các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, với chi phí thấp và thuận lợi trong việc khai thác nhưng có tác động tiêu cực lâu dài đến môi trường.
Từ khi ngân hàng được thành lập vào tháng 1 năm 2016, chiến lược năng lượng luôn được coi là phép thử quan trọng nhất đối với cam kết của Chủ tịch AIIB, ông Jin Liqun, về việc sẽ thiết lập một ngân hàng xanh và sạch. Tuy nhiên, dự thảo chiến lược năng lượng của AIIB vẫn gây nhiều tranh cãi vì chưa hẳn đi theo hướng mà ngân hàng cam kết.
“Năng lượng hiện đại”
AIIB đã công bố hai bản dự thảo Chiến lược năng lượng và tổ chức tham vấn rộng rãi trong vòng hai tháng hồi cuối năm ngoái. Dự thảo chiến lược đầu tiên nhận định rằng có đến 2 tỷ người ở Châu Á vẫn phải phụ thuộc các nguồn năng lượng rắn như sinh khối và khoảng 460 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn điện. Do đó, ngân hàng phải tạm hoãn những vấn đề liên quan tới phát triển “xanh” lại để nhường chỗ cho những nhu cầu cấp thiết hơn của người dân.
Điều này cũng lý giải sự mơ hồ trong cách sử dụng cụm từ “năng lượng hiện đại” của Ngân hàng ở cả hai bản dự thảo chiến lược. Các nhà quan sát cho rằng “năng lượng hiện đại” không có nghĩa là sạch và tốt cho môi trường. Những khoản đầu tư của AIIB tính đến thời điểm này đã phản ánh điều đó. Ông Calvin Quek, Giám đốc Chương trình Tài chính Bền vững của Greenpeace Đông Á cho biết, trong số bốn dự án năng lượng đã được AIIB chấp thuận, phần lớn đều không liên quan gì đến năng lượng tái tạo như năng lượng gió hay mặt trời. Điều này có phần mâu thuẫn với các phát ngôn trước đây của ngân hàng này về chống biến đổi khí hậu. Những nguồn đầu tư thay vào đó lại tập trung vào việc điện khí hóa nông thôn, nâng cấp các nguồn năng lượng hóa thạch và xây dựng thủy điện “một cách có trách nhiệm”.
Hỗ trợ “có điều kiện” cho than đá và thủy điện
Với những lo ngại về những hậu quả đối với môi trường và sức khoẻ do sự thèm muốn của châu Á đối với năng lượng điện than, việc AIIB có nhận đầu tư cho điện than hay không đang trở thành mối quan tâm của quốc tế. Mặc dù ngân hàng này vẫn chưa chấp thuận các khoản đầu tư nào liên quan đến điện than, nhưng Dự thảo thứ hai đề cập đến việc cân nhắc vận hành các nhà máy sử dụng than, dầu sạch để thay thế cho những nhà máy cũ hoặc ở những khu vực không thể áp dụng các dạng năng lượng khác.
Yang Fuqiang, cố vấn cấp cao của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia (NRDC) đã nhấn mạnh rằng việc khai thác quá mức than đá ở Trung Quốc đã dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng, trong khi một lượng lớn năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang bị lãng phí.
Tương tự, có hay không nên đầu tư cho thủy điện cũng là vấn đề gây tranh cãi trong vòng tham vấn đầu tiên của dự thảo. Những người ủng hộ vẫn bảo vệ quan điểm thủy điện là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, không phát thải khí nhà kính, trong khi nhóm phản đối lại quan ngại về những tác động của việc xây đập thủy điện đến đa dạng sinh học và sinh kế ở địa phương. Tác động lâu dài của việc phát triển thủy điện tới hệ thống sông ngòi ở Châu Á là nguyên nhân gia tăng sự lo ngại của các nhà môi trường học và cộng đồng.
Tuy nhiên, AIIB vẫn khẳng định rằng việc tiếp tục phát triển thủy điện ở châu Á là không thể tránh được vì có đến 2/3 nguồn thủy năng tiềm tàng của khu vực vẫn chưa được khai thác. Đồng thời cũng phải kể đến ưu điểm giá thành rẻ của việc xây đắp đập thuận tiện cho việc phát triển.
Ông Yu Xiaogang, tổ chức phi chính phủ Green Watershed, cho rằng bản dự thảo chiến lược đã không đưa ra những đánh giá cẩn trọng và toàn diện về nguồn thủy năng. “Họ mô tả các lợi ích công nghệ và kinh tế của thủy điện, nhưng không đề cập đến những tác động bất lợi về môi trường và xã hội của nó.” – Ông Yu nói.
AIIB hiện tại đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư cho việc mở rộng đập Tarbela ở Pakistan và đang cân nhắc tham gia dự án đầu tư nâng cấp nhà máy thủy điện Nurek ở Tajikistan. Ông Yu lo ngại rằng các khoản đầu tư vào thủy điện quy mô lớn của AIIB sẽ khiến nhiều hộ dân phải di dời chổ ở và phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác.
Năng lượng hạt nhân
Cũng có nhiều bất đồng về việc liệu có nên đầu tư vào các dự án điện hạt nhân hay không. Chủ tịch AIIB phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2016 rằng năng lượng hạt nhân có lợi thế là một nguồn năng lượng sạch và với bài học từ thảm họa Fukushima chúng sẽ có thể được kiểm soát để điện hạt nhân trở nên an toàn hơn.
Dự thảo chiến lược đầu tiên của AIIB không hề đề cập đến việc đầu tư cho năng lượng hạt nhân, tuy nhiên vẫn để ngõ cơ hội và nếu được quốc tế chấp thuận thì dự án sẽ được cân nhắc ở một số khu vực nhất định.
Tuy nhiên quan điểm của Dự thảo chiến lược thứ hai lại cứng rắn hơn khi cho rằng sẽ chỉ cho phép tài trợ nâng cấp an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành trong vài trường hợp đặc biệt. Ông Yang Fuqiang cho rằng AIIB có thể muốn tránh các khoản đầu tư cho năng lượng hạt nhân vì e ngại không đủ nguồn lực và nhiều quốc gia châu Á cũng không đủ khả năng để phát triển nguồn năng lượng này.
Xu hướng chuyển giao năng lượng sạch
Bình luận về chiến lược năng lượng của AIIB, ông Li Junfeng, người đứng đầu Trung tâm Chiến lược Biến đổi Khí hậu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc cho rằng, AIIB nên hội nhập vào xu hướng toàn cầu về năng lượng sạch và ưu tiên đầu tư cho năng lượng tái tạo thay vì năng lượng hoá thạch. Ông lập luận rằng AIIB chỉ nên xem xét “thích hợp” cho các khoản đầu tư than đá sử dụng công nghệ “sạch”.
Trong khi đó, ông Yang thì cho rằng giá cả cũng là yếu tố cần được cân nhắc, các nguồn năng lượng tái tạo thường có giá đắt hơn so với các nguồn năng lượng hóa thạch, và chỉ phục vụ được nhu cầu trong nước và một số ngành công nghiệp nhỏ – chứ không phải tất cả các ngành công nghiệp của châu Á. Ngay cả ở Trung Quốc, các nguồn năng lượng phi hóa thạch sẽ chỉ chiếm khoảng 20% nguồn năng lượng chính vào năm 2020. Ngoài ra, Ngân hàng cần hỗ trợ cho quá trình chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo.
Theo China Dialogue,
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa năng lượng năng lượng gió năng lượng mặt trời AIIB