Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV vào chiều ngày 11/1, truyền thông trong nước đưa tin Quốc hội Việt Nam đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 347.000 tỷ đồng, đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%…

shutterstock 1907283430
Đại dịch COVID bùng phát năm 2021 ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của người lao động và doanh nghiệp (Ảnh: Dong Nhat Huy/Shutterstock)

Theo thông tin từ cuộc họp trên, gói hỗ trợ kích thích kinh tế có tổng giá trị gần 347.000 tỷ đồng (khoảng 15,4 tỷ USD), thực hiện từ tháng 1/2022 đến 31/12/2023. Cụ thể, có 5 giải pháp chủ yếu được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội với số tiền phân bổ tương ứng như sau:

  • Đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh: 60.000 tỷ đồng.
  • Đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm: 53.150 tỷ đồng.
  • Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp: 110.000 tỷ đồng.
  • Xây dựng kết cấu hạ tầng: 113.550 tỷ đồng.
  • Giải pháp khác: 10.000 tỷ đồng.

Trong các giải pháp của chính sách tài khóa, đáng chú ý là hỗ trợ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…). Giải pháp này được cho là triển khai nhanh, đơn giản và có tác dụng kích cầu.

Với việc đưa ra gói kích thích kinh tế, Chính phủ Việt Nam kỳ vọng mức tăng trưởng GDP trong năm 2022-2023 là từ 6,5-7%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra mức kỳ vọng GDP năm 2022 của Việt Nam tăng trưởng là 5,5%. Còn Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 6,7%.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đã đưa ra các ý kiến để triển khai hiệu quả gói kích thích giúp nền kinh tế phục hồi trong năm nay. Theo PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Chúng ta phải lưu ý khi tăng trưởng tín dụng vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2009, chúng ta để cho tăng trưởng tín dụng vọt lên 37% và cuối cùng dẫn đến lạm phát. Bên cạnh đó phải tránh doanh nghiệp lợi dụng chính sách, vay rẻ chỗ này và gửi tiền chỗ khác hay đổ tiền vào những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản”, báo VTC dẫn lời.

Vẫn theo báo này, PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ quan điểm: “Theo tôi nên tập trung vào các đầu tàu kinh tế là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội…Với lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tôi cho rằng nên tập trung vào du lịch, hàng không và vận tải. Bởi nếu các địa phương, ngành này phục hồi thì sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp, công ty vệ tinh, địa phương khác bật dậy, sống lại và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động”.

Tuy nhiên, ông Daniel Lacalle – Tiến sĩ, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis tại Mỹ cho biết một số Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (trong đó có Mỹ) sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế trong giai đoạn chuẩn bị mở cửa trở lại nền kinh tế đã gây ra một số hệ lụy như: lạm phát tăng làm xói mòn tiền lương thực tế; chi tiêu nhiều khiến áp lực nợ công tăng; một số lĩnh vực không hấp thụ được dòng vốn trong thời gian ngắn dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, thất nghiệp tăng, v.v… Điều này ngược lại cản trở nền kinh tế phục hồi, các nhà lãnh đạo có xu hướng hiếm khi nhận sai và sẽ tiếp tục kích cầu kém hiệu quả, theo The Epoch Times.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm: