Mỹ ‘trao thưởng’ cho TSMC 6,6 tỷ USD để sản xuất chip
- Lý Ngôn
- •
Bộ Thương mại Mỹ thông báo vào thứ Sáu (15/11) rằng họ đã xác định sẽ cung cấp khoản tiền thưởng chính phủ trị giá 6,6 tỷ USD cho công ty con của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) ở Phoenix – Arizona (Mỹ) để hoạt động sản xuất chất bán dẫn.
Bộ Thương mại cho biết trong một tuyên bố rằng để tiếp tục thực hiện thỏa thuận sơ bộ đạt được vào tháng 4, hợp đồng ràng buộc này là khoản tiền thưởng lớn đầu tiên được hoàn thành trong chương trình hỗ trợ tài chính trực tiếp trị giá 527 tỷ USD theo Đạo luật Chip và Khoa học (Chips and Science Act) ban hành năm 2022.
Vào tháng Tư, TSMC đã đồng ý mở rộng khoản đầu tư theo kế hoạch 25 tỷ USD tăng lên 65 tỷ USD, đồng thời có kế hoạch trước năm 2030 bổ sung nhà máy sản xuất tấm bán dẫn thứ ba ở Arizona.
Công ty Đài Loan sẽ sản xuất chip 2 nanomet (nm) tiên tiến nhất thế giới tại nhà máy thứ hai ở Arizona, dự kiến việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2028. TSMC thậm chí đã quyết định nhà máy tại Arizona sẽ dùng công nghệ sản xuất chip A16 tiên tiến nhất.
Theo Reuters, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Khi chúng tôi bắt đầu kế hoạch này, có rất nhiều người phản đối cho biết TSMC có thể chỉ sản xuất chip 5 hoặc 6 nm ở Mỹ, nhưng thực tế họ đang sản xuất ở Mỹ những con chip tiên tiến nhất”.
Các ưu đãi dành cho TSMC cũng bao gồm khoản vay ưu đãi từ Chính phủ Mỹ lên tới 5 tỷ USD – đây là một phần của khoản vay 75 tỷ USD dựa theo Đạo luật Khoa học và Chip. Một quan chức cấp cao nói với các phóng viên rằng Bộ Thương mại dự kiến vào cuối năm nay sẽ giải ngân ít nhất 1 tỷ USD cho TSMC.
TSMC đã đồng ý từ bỏ việc mua lại cổ phiếu trong 5 năm (trừ các trường hợp ngoại lệ), đồng thời chia sẻ lợi nhuận vượt mức với chính phủ Mỹ theo “thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận”. Chủ tịch C.C. Wei của TSMC cho biết trong một tuyên bố rằng giao dịch này sẽ “giúp chúng tôi đẩy nhanh phát triển công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất ở Mỹ”.
Quốc hội Mỹ năm 2022 thông qua “Đạo luật khoa học và chip” để tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước, điều mà Bộ trưởng Thương mại Raimondo cho là rất quan trọng để thu hút TSMC cùng các khoản đầu tư khác vào chip.
“Điều này không xảy ra một cách tự nhiên… Chúng tôi phải thuyết phục TSMC để họ mở rộng”, bà Raimondo còn cho biết vì thị trường không tính đến an ninh quốc gia nên cũng phải thuyết phục các công ty Mỹ mua chip do Mỹ sản xuất.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng các công ty bán dẫn và điện tử đã công bố đầu tư tư nhân hơn 450 tỷ USD kể từ khi chính quyền Biden-Harris nhậm chức, phần lớn trong số đó là do đầu tư công. Đạo luật Khoa học và Chip là một phần trong kế hoạch đầu tư vào Mỹ của Chính quyền Biden-Harris, thúc đẩy đầu tư vào khu vực tư nhân, tạo việc làm được trả lương cao, tạo thêm thu nhập ở Mỹ và khôi phục nền kinh tế của các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ.
Theo Đạo luật Khoa học và Chip, Bộ Thương mại đã phân bổ 36 tỷ USD cho các dự án chip, bao gồm 6,4 tỷ USD cho Samsung có trụ sở tại Texas, 8,5 tỷ USD cho Intel và 6,1 tỷ USD cho Micron Technology; đang nỗ lực hoàn tất các thỏa thuận này trước khi Tổng thống Biden rời nhiệm sở vào ngày 20/1 năm sau.
Reuters ngày 9/11 đưa tin, Bộ này đã lệnh cho TSMC ngừng cung cấp chip tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc. Bà Raimondo không xác nhận Bộ đã ban hành chỉ thị cho TSMC, nhưng nói rằng Mỹ cần sử dụng cả tấn công và phòng thủ trong chiến lược đối trọng Trung Quốc. Raimondo nói thêm rằng bà không nói TSMC có vi phạm nào: “Đầu tư mở rộng của TSMC là chiến lược tấn công, còn phòng thủ là đảm bảo rằng TSMC hoặc các công ty khác không bán công nghệ tiên tiến nhất của chúng tôi cho Trung Quốc (ĐCSTQ), vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi… Chúng tôi rất coi trọng an ninh quốc gia và chúng tôi điều tra mọi vấn đề tiềm ẩn, cho dù đó có phải là công ty mà chúng tôi trợ cấp hay không”.
Từ khóa TSMC