Ngành nhựa “kêu trời” vì không được nhập phế liệu
- Tú Mỹ
- •
Các doanh nghiệp ngành nhựa cho rằng việc Nhà nước siết chặt nhập khẩu phế liệu nhựa cũng đồng dạng như “bức tử” doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhựa.
Trong khi các doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu để sản xuất thì tại các cảng biển, có đến hàng ngàn container phế liệu nhựa đang bị ứ tắc, tồn đọng, không ai nhận dẫn đến nhiều hệ lụy.
Lựa chọn giữa việc bảo vệ môi trường hay tăng trưởng ngành nhựa trở thành vấn đề trọng tâm tại cuộc họp ngành nhựa diễn ra vào ngày 14/8.
Các doanh nghiệp cho biết họ đang rơi vào tình cảnh điêu đứng, thậm chí có thể phá sản do không có đủ nguyên liệu để sản xuất, chi phí lưu container tại cảng gia tăng hàng ngày.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), hiện có khoảng 4.480 container nhựa phế liệu của các doanh nghiệp đang tồn đọng tại cảng, không có doanh nghiệp đến lấy.
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên, theo phản ánh của các doanh nghiệp thành viên VPA, là sự thay đổi trong quản lý cấp phép nhập khẩu phế liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quy định têu chuẩn nhựa phế liệu nhập khẩu quá khó thực hiện. Đặc biệt là hai tiêu chí nhựa phế liệu phải sạch và tạp chất không quá 2% mang tính đánh đố, làm khó doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những công văn được ban hành mới đây của Tổng cục Hải quan đã siết chặt kiểm soát hàng phế liệu, đột ngột chuyển nhiều loại nhựa phế thải thành chất thải, không cho doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh mà lập tức loại bỏ khai báo hải quan đối với các mặt hàng trên khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng.
Thêm vào đó, chi phí lưu container phải trả cho các công ty vận chuyển thông thường từ 50 – 100 USD/ngày, hàng ách tắc từ 2 – 3 tháng nay ngoài cảng khiến chi phí lưu cảng đã vượt quá giá trị tiền hàng, doanh nghiệp đành phải bỏ hàng không lấy.
“Mỗi container hàng giá trị có 200 triệu đồng mà phải nằm cảng 3 tháng nay, phí lưu lại đến 150 triệu đồng thì ai dám lấy nữa”, một thành viên VPA cho hay.
Ông Hoàng Đức Vượng, thành viên Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng các quy định tại Việt Nam đang có mâu thuẫn trong định nghĩa phế liệu khi cho rằng phế liệu là chất thải thải ra từ sản xuất. Theo công ước quốc tế, chất thải là chất phải tiêu hủy. Trong khi đó, nhựa phế liệu lại không hoàn toàn là chất thải vì có thể tái chế, bị đánh đồng là chất thải phế liệu nên siết, cấm nhập khẩu, gây khó cho doanh nghiệp.
“Chính việc hiểu lầm này khiến doanh nghiệp điêu đứng, hoang mang dư luận. Tôi khẳng định nhựa phế liệu không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Sử dụng nguyên liệu tái chế là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên có đánh giá đúng đắn, thay đổi phương pháp quản lý để “tạo đường sống” cho các doanh nghiệp ngành nhựa”, ông Vượng nói.
Từ thực tế trên, Hiệp hội VPA kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có chính sách quản lý phù hợp và rõ ràng hơn, tập trung vào việc cấp phép nhập khẩu nhựa phế liệu cho các doanh nghiệp đầu tư tái chế đúng quy chuẩn, đồng thời làm rõ và xử lý nghiêm đối với những container phế liệu nhập sai quy định.
Tú Mỹ
Xem thêm:
Từ khóa nguyên liệu nhập khẩu phế liệu rác thải nhựa nhập khẩu phê liệu