Trung Quốc ngừng nhập, phế liệu ầm ầm đổ về Việt Nam 4 triệu tấn
- Tú Mỹ
- •
Từ đầu năm đến nay, lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục gia tăng đột biến. Tính đến cuối tháng 6/2018, có tổng cộng hơn 4 triệu tấn phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy… với tổng giá trị 1,2 tỷ USD đã được nhập về.
Tính bình quân, mỗi tháng Việt Nam chi khoảng 200 triệu USD để nhập khẩu phế liệu.
Trong đó, nhựa phế liệu nhập khẩu trong 6 tháng qua là 277.700 tấn, cao hơn số lượng nhập của cả năm 2016 (245.800 tấn) và cao gấp 3 lần so với cả năm 2017.
Số lượng phế liệu vào Việt Nam tiếp tục gia tăng một cách đột biến, nếu như 5 tháng đầu năm 2018, lượng phế liệu nhựa nhập về khoảng gần 180.000 tấn, thì chỉ một tháng sau, con số đó đã lên 277.700 tấn, tức tăng 97.700 tấn/tháng.
Như vậy, riêng lượng phế liệu nhựa nhập về trong một tháng 6 nói trên đã cao hơn lượng nhập của cả năm 2017 chỉ có 90.000 tấn (mà đây cũng đã cao hơn gấp 5 lần so với 18.000 tấn của năm 2016).
Năm 2017, Việt Nam cũng nhập khẩu đến 5,2 triệu tấn sắt thép phế liệu, cao gấp đôi so với năm 2016 (2,7 triệu tấn); phế liệu giấy tăng gần gấp bốn lần từ 338 ngàn tấn lên 1,3 triệu tấn…
Có thể thấy lượng phế liệu đang chảy vào Việt Nam một cách rất ồ ạt và không thể kiểm soát.
Chưa dừng lại ở đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện có đến 5.824 container phế liệu nhập khẩu vẫn đang còn tồn đọng tại các cảng ở Sài Gòn cảng Hải Phòng.
Bên cạnh đó, hiện có đến 500.000 container phế liệu đang tìm bến đỗ trên các vùng biển Đông Nam Á. Do đó, nếu Việt Nam không có các rào chắn kiểm soát chặt chẽ thì rất có thể trở thành trung tâm bến đỗ của phế liệu thế giới, Bộ TN&MT cảnh báo.
Ngày 30/7, tại buổi họp về công tác quản lý hải quan với phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến kể từ sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu từ cuối năm 2017.
Trả lời về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc để xảy ra tình trạng phế liệu tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng cơ quan này chỉ là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm soát thông quan, trong khi việc cấp phép nhập khẩu phế liệu là thẩm quyền của Bộ TN&MT.
Ông Thành cho biết thêm hải quan sẽ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu trong thời gian tới, còn các container phế liệu nhập khẩu trái phép sẽ bị yêu cầu phải tái xuất.
Tú Mỹ
Xem thêm:
Từ khóa Nhập khẩu phế liệu nhập khẩu phê liệu Ô nhiễm môi trường