Riêng quý 2/2023, hơn 217.800 lao động Việt Nam mất việc làm
- Tuấn Minh
- •
Tình trạng thiếu đơn hàng và chậm nâng cao quy trình kỹ thuật đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm đơn hàng kéo dài từ quý 4/2022 đến nay. Riêng quý 2/2023, đã có 217.800 người lao động mất việc, trong đó Bình Dương và TP.HCM có số người mất việc nhiều nhất cả nước.
Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết tình trạng doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn bị cắt giảm đơn hàng kéo dài từ quý 4/2022 đến nay. Điều này đã dẫn đến hơn 217.800 người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm.
Số lao động này đa số thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc lĩnh vực da giày, dệt may,… Nếu xét theo địa phương, nhóm này tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa,… trong đó Bình Dương và TP.HCM có số người mất việc nhiều nhất cả nước.
Tính chung, cơ quan thống kê cho biết thất nghiệp trong quý 2/2023 tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ. Trong đó, số người thất nhiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,07 triệu người, tăng 25.400 người so với quý trước và tăng 1.900 người so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng 2023 ước đạt 316,6 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước (giảm tương ứng 56,55 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu giảm 12,1% (giảm 22,75 tỷ USD); nhập khẩu giảm 18,2% (giảm tương ứng 33,8 tỷ USD). Đồng nghĩa, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong cả năm 2023 khó khăn hơn.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết ngành này đang trải qua thời kỳ khó khăn hơn cả giai đoạn COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán). Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn 5% so với 2021.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam,… đều thừa nhận chi phí sản xuất của Việt Nam đang tăng cao hơn.
Ngoài ra, các thị trường lớn đang mở rộng các loại tiêu chuẩn về năng lượng, bảo vệ môi trường như: ESG, LEED,…
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho hay Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa các tiêu chuẩn này vào luật Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Cơ chế này hiện chỉ mới áp dụng với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro; sau đó sẽ áp dụng mở rộng với các hàng hóa khác.
Tuấn Minh
Từ khóa xuất nhập khẩu thất nghiệp Dòng sự kiện