Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đối mặt nhu cầu giảm mạnh, tiêu chuẩn xanh
- Đức Minh
- •
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết ngành này đang trải qua thời kỳ khó khăn hơn cả giai đoạn COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán). Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn 5% so với 2021. Nhu cầu giảm và yêu cầu bắt buộc chuyển đổi các tiêu chuẩn năng lượng từ các thị trường lớn khiến đơn hàng của nhà sản xuất Việt Nam giảm mạnh.
Theo đó, tình trạng giảm nhu cầu diễn ra tại các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… đang khiến tổng giá trị xuất khẩu từ cuối tháng 12/2022 giảm mạnh.
Tính trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn 5% so với 2021.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết về tình hình ngành sợi, may năm 2023.
Từ quý cuối 2022 đến nay, các doanh nghiệp dệt may phần lớn chỉ nhận đơn hàng nhỏ lẻ. “Có những đơn vị hàng nghìn lao động chỉ nhận được đơn vài trăm hoặc nghìn chiếc áo, song vẫn phải làm để có việc. Điều này chưa từng xảy ra trước đây, ngay cả khi đỉnh dịch”, ông Hiếu cho hay, báo Vnexpress dẫn lời.
“Các doanh nghiệp phải giảm chi phí, thậm chí phải bán một phần tài sản để trang trải, duy trì hoạt động và không bị phá sản”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho hay.
Năm 2021, ngành dệt may Việt Nam đã vượt mặt Bangladesh và vươn lên vị trí xuất khẩu thứ 2 thế giới. Thế nhưng, vị trí này không giữ được lâu, từ 2022 đến nay Bangladesh đã vượt mặt và Việt Nam bị đẩy lùi trở lại xuống hạng 3, theo báo Thanh Niên.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết các doanh nghiệp , Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam,… đều thừa nhận chi phí sản xuất của Việt Nam đang tăng cao hơn.
Ngoài ra, các thị trường lớn đang mở rộng các loại tiêu chuẩn về năng lượng, bảo vệ môi trường như: ESG, LEED,…
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho hay Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa các tiêu chuẩn này vào luật Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Cơ chế này hiện chỉ mới áp dụng với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro; sau đó sẽ áp dụng mở rộng với các hàng hóa khác.
Đức Minh