Tài xế Grab bị ‘ép’ cung cấp dịch vụ dưới giá thành?
- Nguyễn Hương
- •
Theo Luật cạnh tranh mới thông qua, Grab đang chiếm vị trí thống lĩnh với 75% thị phần vận tải taxi. Tận dụng vị trí thống lĩnh, có hay không việc Grab ép các đối tác tài xế cung cấp dịch vụ dưới giá thành?
Sau khi Uber rút lui khỏi thị trường Việt Nam theo thoả thuận với Grab cấp khu vực Đông Nam Á, có thể nói Grab là lựa chọn duy nhất để các tài xế độc lập kết nối với thị trường vận tải taxi.
Mặc dù trong thời gian qua nhiều ứng dụng kết nối xe ra đời như Aber, Tnet, Xelo… nhưng chưa một ứng dụng nào tập trung được lượng khách nhiều như Grab. Thị phần của các ứng dụng Việt còn rất nhỏ, không đáng kể. Các tài xế cho biết họ hoàn toàn không có nhiều lựa chọn ngoài Grab.
Mức thưởng giảm, tài xế đành chịu lỗ
Với mức cước 9.000 đồng/km và 300 đồng/phút nhưng lại phải nộp phí sử dụng phần mềm cho Grab và thuế lên tới 28,6%, các tài xế Grabcar chỉ còn giữ lại cho mình khoảng 6.500 đồng/km.
Trong khi đó, chi phí cho mỗi lít xăng A95 vào khoảng gần 21.500 đồng/l, tính cả thời gian chạy xe rỗng đến điểm đón khách và dừng chờ, các tài xế mất hơn 3.500 đồng/km tiền xăng dầu, như vậy số tiền còn lại các tài xế có được chỉ còn 3.000 đồng/km.
Với khoản tiền ít ỏi này, các tài xế phải tự chi trả lệ phí đường bộ, kiểm định, chi phí hợp tác xã, chi phí GPS, chi phí điện thoại, chi phí 3G, chi phí sửa chữa, khấu hao xe… và cả sinh hoạt phí.
Các tài xế Grab cho biết kể từ khi Uber rút khỏi thị trường thì cũng là lúc chính sách hỗ trợ tài xế của Grab ngày càng xuống dốc. Mức độ đạt thưởng càng ngày càng khó và số tiền thưởng cũng eo hẹp lại. Điều này trái ngược hẳn với những quảng cáo thu nhập từ 35 – 40 triệu đồng/tháng cho các tài xế mà hãng này đưa ra ban đầu.
Anh Đ.Q. Hiếu, một tài xế Grab tại TP.HCM cho biết thu nhập từ công việc này chỉ đủ cho anh nuôi mình và xăng xe, chi phí khấu hao xe hoàn toàn chưa thể lấy lại được.
Các tài xế cho biết giai đoạn từ năm 2016 đến giữa năm 2017, Grab liên tục đưa ra những chính sách thưởng hấp dẫn và đây chính là khoản tiền tài xế tính đến để thu hồi vốn đầu tư của mình.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2017 đến nay, khi số lượng xe tăng lên, đặc biệt sau khi không còn sự hiện diện của Uber thì các khoản thưởng ngày càng khó đạt được và với tần suất rất ít ỏi. Chẳng hạn, chính sách thưởng đối tác mới đây của Grab yêu cầu các lái xe phải hoàn thành tối thiểu 390 cuốc xe/tháng trong 2 tháng liên tục thì mới nhận được mức thưởng tối đa 6% doanh thu, tương đương với 540 đồng/km.
Trước áp lực trả nợ ngân hàng, nhiều tài xế đã tính chịu lỗ, bán xe, bỏ nghề. Nhiều tài xế tính toán sau 2 năm chạy xe Grab, họ lỗ từ 100 – 200 triệu đồng.
Luật Cạnh tranh mới ban hành có bảo vệ tài xế Grab?
Tính đến hết tháng 12/2017, chỉ riêng tại TP.HCM, Grab có trên 34.000 xe ôtô chính thức tham gia mạng lưới chạy xe Grab, nhiều gấp 3 lần tổng số taxi lưu hành tại thành phố này. Xét tổng thể thị trường dịch vụ vận tải bằng ôtô dưới 9 chỗ, Grab đang chiếm đến hơn 75% thị phần tại TP.HCM.
Mới đây, Quốc hội khoá 14 tại kỳ họp thứ 5 vừa bỏ phiếu thông qua Luật Cạnh tranh với hơn 95% số phiếu tán thành. Điểm đáng chú ý, tại khoản 6 điều 45 Luật cạnh tranh quy định “cấm hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ”. Còn tại khoản 1 điều 27, “cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh.”
Với khoản lỗ liên tục từ khi gia nhập thị trường vận tải (năm 2014-2016, Grab báo lỗ 938 tỷ đồng, năm 2017 tiếp tục báo lỗ 788 tỷ đồng), kèm với việc ấn định cước phí thấp cho đối tác tài xế, có thể là cơ sở khiến Grab sẽ phải đối mặt với cáo buộc vi phạm Luật Cạnh tranh?
Mâu thuẫn trong triết lý kinh doanh của Grab Chia sẻ với báo chí vào tháng 3/2018, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Grab Việt Nam cho biết Grab hoạt động dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ. Hãng này cũng không khuyến khích các tài xế đầu tư xe mà chỉ nên sử dụng xe cá nhân và thời gian nhàn rỗi của mình. Có như vậy thì kỳ vọng của các tài xế về khoản phân chia sẽ không cao do không có áp lực thu hồi vốn đầu tư xe. Tuy nhiên, triết lý kinh doanh này có vẻ ngược với hành động của Grab. Một mặt Grab yêu cầu các xe gia nhập mạng lưới phải có niên hạn dưới 8 năm, mặt khác lại tạo điều kiện cho các xe mới được nhận nhiều cuốc xe hơn. Hơn nữa, để đạt được thưởng, các tài xế phải không được để trôi cuốc xe mà phải chạy liên tục trong các khung giờ làm việc. Do đó, nếu không trở thành lái xe chuyên nghiệp, các tài xế khó có thể trụ được trong mô hình kinh doanh này. Theo khảo sát, có đến 97% các tài xế lái xe Grab là lái xe chuyên nghiệp với thời gian chạy xe trên 10h/ngày, 30 ngày/tháng. |
Nguyễn Hương
Xem thêm:
Từ khóa Grab GrabCar tài xế Uber tài xế Grab