Chính thức điều tra vụ Grab thâu tóm Uber
- Tú Mỹ
- •
Cơ quan của Bộ Công thương chính thức điều tra trong 180 ngày tới, Grab có thể phải chịu mức phạt lên đến 10% tổng doanh thu năm 2017 nếu bị xác định có vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa ban hành quyết định chính thức điều tra vụ tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.
Theo Quyết định số 46, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiến hành điều tra các dấu hiệu vi phạm về Luật Cạnh tranh của thương vụ trong vòng 180 ngày, bắt đầu từ ngày 18/5.
Sau khi kết thúc điều tra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc lên Hội đồng cạnh tranh tiếp tục xử lý theo quy định.
Trước đó, theo kết quả điều tra sơ bộ trong 30 ngày về việc Grab mua lại thị trường của Uber tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng có việc tập trung kinh tế giữa 2 doanh nghiệp này với thị phần vượt quá ngưỡng 50%.
Theo quy định tại Mục 3 về tập trung kinh tế của Luật Cạnh tranh 2004, các trường hợp tập trung kinh tế mà thị phần kết hợp giữa 2 doanh nghiệp vượt quá 50% có khả năng bị cấm thực hiện, trừ trường hợp một trong hai bên đang lâm nguy cơ bị giải thể hoặc phá sản.
Cũng tại Điều 20 của Mục 3 quy định trường hợp thị phần kết hợp của các bên tiến hành tập trung kinh tế chiếm từ 30% – 50% trên thị trường liên quan thì phải thông báo cho cơ quan Quản lý Cạnh tranh trước khi thực hiện.
>> Lạ: Uber rút, Grab lại vắng khách
Trong khi đó, văn bản giải trình của GrabTaxi gửi Cục Cạnh tranh lại cho rằng thị trường kết hợp của Grab và Uber tại Việt Nam là thấp hơn 30%, nên Grab hiểu rằng “không cần phải thông báo cho cơ quan Quản lý Cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất thương vụ mua lại”.
Mặc dù vậy, Grab không đưa ra được đầy đủ các căn cứ xác thực để chứng minh cho thị phần của hai bên là không vượt quá 30%.
Trước đó vào cuối tháng 3/2018, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại mảng thị trường tại Đông Nam Á của Uber, trong đó có Việt Nam. Đổi lại, Uber sẽ nắm giữ 27,5% cổ phần của Grab tại thị trường này.
Đến ngày 8/4, Uber đóng cửa văn phòng giao dịch tại Việt Nam, đánh dấu thương vụ tập trung kinh tế giữa Grab và Uber chính thức hoàn tất. Hiện ứng dụng Uber Việt Nam cũng đã dừng hoạt động.
Không riêng Việt Nam, sau khi Grab hoàn tất thương vụ, các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia… cũng đồng loạt yêu cầu Grab gửi báo cáo chi tiết vụ việc mua bán và tiến hành các biện pháp điều tra đối với thương vụ thâu tóm của hãng taxi công nghệ này.
Theo quy định về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh tại Điều 118, Mục 8 – Luật Cạnh tranh 2004, doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt tiền tối đa đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Được biết, doanh thu năm 2016 của Grab là 192 tỷ đồng, báo lỗ 443 tỷ đồng. Tổng cộng trong 3 năm kinh doanh tại Việt Nam (từ tháng 2/2014 – 6/2017) doanh thu của Grab đạt khoảng 1.755 tỷ đồng. |
Tú Mỹ
Từ khóa Grab Grabtaxi Grab mua lại Uber Luật cạnh tranh