Mỹ và Nhật Bản công bố đạt được một thỏa thuận thương mại mới, trong đó Nhật cam kết đầu tư vào Mỹ và mở cửa thị trường nông sản vốn được bảo hộ lâu nay, để đổi lấy việc Mỹ giảm thuế quan.

r shutterstock 2586171747
Ảnh minh họa. Tổng thống Donald Trump tổ chức cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru trong Phòng phía đông của Nhà Trắng, ngày 7/2/2025. (Nguồn: Joshua Sukoff / Shutterstock)

Thỏa thuận với nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này là một trong những thỏa thuận thương mại quan trọng nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được cho đến nay.

Đồng thời, điều này cũng tạo ra áp lực lớn hơn đối với các quốc gia châu Á lân cận như Trung Quốc – những nước đang đối mặt với hạn chót vào tháng 8.

Chuyên gia kinh tế cấp cao về Hàn Quốc và Nhật Bản của Tập đoàn ING, bà Kang Min Joo, viết trong một báo cáo hôm thứ Tư: “Thỏa thuận Mỹ – Nhật sẽ gây thêm áp lực lên các nước xuất khẩu lớn khác ở châu Á, buộc họ phải ký các thỏa thuận có lợi hơn với Mỹ… Dự kiến trước ngày 1/8, Mỹ có lẽ sẽ đạt được các thỏa thuận với các quốc gia xuất khẩu châu Á khác.”

Vào tháng Tư năm nay, ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng, áp mức thuế 24% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, sau đó bắt đầu đàm phán và giảm thuế xuống 10%. Nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8, Mỹ sẽ tăng thuế lên 25% đối với hàng hóa Nhật.

Ông Trump yêu cầu các nước mở cửa thị trường để Mỹ giảm thuế

Ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm thứ Tư rằng: “Chỉ khi các quốc gia khác đồng ý mở cửa thị trường, tôi mới giảm thuế. Nếu không, thuế sẽ tăng mạnh! Thị trường Nhật hiện đã mở cửa – đây là lần đầu tiên trong lịch sử! Các doanh nghiệp Mỹ sẽ phát triển mạnh mẽ!”

Trong một bài đăng khác, Tổng thống viết: “Nếu có thể khiến các nước lớn mở cửa thị trường với Mỹ, tôi sẵn sàng từ bỏ thuế quan. Thuế quan là một công cụ mạnh mẽ. Không có thuế quan thì không nước nào chịu mở cửa thị trường!!! Mãi mãi áp thuế 0% đối với Mỹ!!!”

Ngay cả đồng minh cũng không ngoại lệ, Trump phiên bản 2.0 hoàn toàn khác

Theo khuôn khổ thỏa thuận thương mại Mỹ – Nhật, Mỹ sẽ áp mức thuế 15% với hàng nhập khẩu từ Nhật, để đổi lấy cam kết đầu tư 550 tỷ USD từ Tokyo. Ngoài ra, Nhật sẽ mở rộng thị trường cho các sản phẩm thương mại khác, bao gồm xe tải, gạo và một số mặt hàng nông sản khác.

Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu hôm thứ Tư sau khi công bố khuôn khổ thỏa thuận rằng Nhật sẽ nhập khẩu thêm gạo Mỹ trong hạn ngạch miễn thuế hiện có và nhấn mạnh rằng Nhật Bản “hoàn toàn không hy sinh gì trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Ngoài ra, Mỹ cũng đồng ý áp thuế 15% đối với ô tô Nhật Bản.

Chuyên gia tư vấn về các vấn đề Trung Quốc cho các tập đoàn phương Tây, ông Alfredo Montufar-Helu, nói với tờ South China Morning Post rằng: “Ngay cả những đồng minh chủ chốt của Mỹ như Anh và Nhật cũng không thể khiến Mỹ giảm thuế hoàn toàn, điều này đánh dấu một sự thay đổi căn bản trong cục diện thương mại toàn cầu – khác xa với chính sách được kỳ vọng ở phiên bản Trump 2.0.”

Ông cho rằng sự thay đổi này có thể dẫn đến tái cấu trúc quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng, vì các doanh nghiệp sẽ tìm cách giảm chi phí và phân tán rủi ro.

Mức thuế chuẩn của Mỹ dự kiến sẽ dao động từ 10% đến 15%

Ông Derek Halpenny, Giám đốc nghiên cứu tại London của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial (MUFG), nói với Reuters rằng theo phân tích của ông, mức thuế cơ bản mà Mỹ áp dụng đối với các nền kinh tế lớn sẽ từ 10% đến 15%, trong khi đối với các nền kinh tế nhỏ hơn, thuế sẽ cao hơn.

Một số nhà kinh tế cho rằng mặc dù mức thuế 15% mà Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa Nhật là khá cao, nhưng vẫn có thể kiểm soát được và gây thiệt hại ít hơn sự bất ổn do thiếu rõ ràng gây ra. Bất ổn khiến các doanh nghiệp gần như không thể lập kế hoạch đầu tư.

Cho đến nay, Mỹ đã đạt được các thỏa thuận thương mại với Việt Nam, Indonesia và Philippines. Hiện tại, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn chưa công bố bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ, nhưng có tin cho rằng hai bên đang đàm phán ráo riết trước hạn chót vào tuần sau.

Ông Jim Reid của Ngân hàng Deutsche Bank lưu ý rằng nguy cơ Mỹ tăng mạnh thuế với nhiều nền kinh tế lớn vẫn hiện hữu, bao gồm việc áp 30% thuế lên EU, 35% với Canada và 50% với Brazil.

“Dựa trên kinh nghiệm, có thể phải chờ đến vài giờ trước hạn chót mới biết kết quả đàm phán,” ông nói.

Vòng đàm phán Mỹ – Trung lần thứ ba sẽ diễn ra vào tuần sau

Là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, Bắc Kinh đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn. Hai bên hiện đã đạt được thỏa thuận đình chiến tạm thời và đang tiếp tục đàm phán. Mỹ trước đó đã đặt hạn chót tăng thuế là ngày 12/8. Nếu không đạt được thỏa thuận hoặc không gia hạn, thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tăng vọt lên lần lượt 145% và 125%.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Benson cho biết sau các vòng đàm phán tại Geneva và London, vòng đàm phán cấp cao thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra vào tuần sau tại Thụy Điển. Ông nói thêm: “Hy vọng chúng tôi sẽ thấy Trung Quốc giảm bớt năng lực sản xuất dư thừa trong ngành công nghiệp.”

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong sẽ đến Thụy Điển từ ngày 27 đến 30/7 để đàm phán thương mại với Mỹ, dự kiến hai bên sẽ thảo luận về “các vấn đề kinh tế thương mại cùng quan tâm”.

Ông Montufar-Helu cho rằng, với ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, vòng đàm phán tiếp theo sẽ phức tạp không kém những vòng trước.

Theo Lâm Yến / Epoch Times