Bình quân mỗi chuyến buýt điện tại TP.HCM chở được 27,6 khách, tương ứng với doanh thu 154.000 đồng/chuyến. Trừ đi mức trợ giá 44,1%, mỗi chuyến xe vẫn lỗ khoảng 238.000 đồng.

buyt dien d4 tphcm
Một chuyến xe buýt điện chạy tuyến D4 trên đường phố TP.HCM, tháng 6/2022. (Ảnh: Duc Huy Nguyen/Shutterstock)

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP kiến nghị trợ giúp cho các tuyến xe buýt điện đang vận hành thí điểm tại thành phố.

Về tình trạng tài chính vận hành, Sở GTVT TP. cho biết tuyến buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến đầu tiên khai thác trong 5 tuyến buýt điện cỡ lớn được thí điểm, hoạt động từ tháng 3/2022.

Tuyến buýt điện được người dân quan tâm bởi xe được trang bị các tiện ích hiện đại như: sàn thấp và có thể nâng hạ phục vụ người khuyết tật, wifi, cổng sạc điện thoại, màn hình thông báo trạm dừng, ứng dụng trên điện thoại để cập nhật thông tin và tình hình chuyến,…

Kết quả khảo sát hài lòng của hành khách theo quý đều đạt trên 89 – 95 điểm (thang điểm 100). Còn số điểm đạt được theo tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP là 100/100 điểm.

Tuy nhiên, số người lựa chọn đi phương tiện công cộng có tăng nhưng chưa cao. Lượng khách bình quân khi tuyến buýt đi vào hoạt động (tháng 3/2022) là 14,1 khách/chuyến, hiện tăng lên 28,7 khách/chuyến (tháng 6/2023).

Doanh thu bán vé hiện đạt khoảng 154.000 đồng/chuyến. Sở GTVT cho hay con số này mới đạt chưa đến 21% so với chi phí hoạt động của xe.

Hiện, xe buýt D4 được trợ giá 44,1% trên tổng chi phí hoạt động, tương đương trợ giá 309.800 đồng trên tổng chi phí vận hành 702.496 đồng. Với 55,9% chi phí tự chịu, mỗi chuyến xe phải chở được 71 khách. Do vậy, với doanh thu bình quân 154.000 đồng, mỗi chuyến xe đang phải bù lỗ khoảng 238.000 đồng.

Theo biểu đồ chạy xe công bố trên hệ thống buýt TP.HCM, mỗi ngày tuyến buýt điện D4 chạy khoảng 100 chuyến, tương ứng với mức lỗ khoảng 22,8 triệu đồng.

Sở GTVT TP.HCM cho biết tỷ lệ trợ giá cho buýt điện được xây dựng dựa trên số liệu trợ giá trung bình 10 năm (2009-2019) của các tuyến buýt tại TP. Sở này cho hay tỷ lệ trợ giá trên đang thấp hơn so với bình quân của toàn hệ thống, trong khi buýt điện lại có chi phí đầu tư, vận hành cao hơn so với một loại xe khác.

Theo đó, Sở GTVT TP kiến nghị chính quyền thành phố cho phép tăng tỷ lệ trợ giá cho buýt điện từ 44,1% lên 64,8% trong năm 2023. Đồng thời, Sở đề xuất kéo dài việc thí điểm các tuyến buýt điện đến cuối năm 2025, thay vì chỉ trong 24 tháng kể từ khi xe bắt đầu vận hành.

Việc tăng trợ giá và kéo dài thời gian thí điểm được cho là để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị khai thác và khuyến khích đơn vị vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh.

5 tuyến xe buýt điện được cho hoạt động thí điểm tại TP.HCM từ quý 1/2022 gồm: D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn); VB01 (Vinhomes Grand Park – Trung tâm thuơng mại Emart); VB02 (Vinhomes Grand Park – sân bay Tân Sơn Nhất); VB03 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) và VB05 (Vinhomes Grand Park – Bến xe miền Đông mới – Khu đô thị Đại học Quốc gia), đều do Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus vận hành

Tuyến D4 được hoạt động từ tháng 3/2022. Bốn tuyến còn lại dự kiến vận hành cuối năm 2022, nhưng đơn vị vận hành tiếp tục xin lùi lại đến quý 4/2023.

Về lý do chưa vận hành các tuyến còn lại, theo Sở GTVT TP đánh giá là do mức trợ giá, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ, trạm nạp điện chưa kịp thời, bị kéo dài.

Hiện TP.HCM có 129 tuyến xe buýt, trong đó, 91 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá. Với tổng cộng 2.019 xe buýt hoạt động, số xe buýt được trợ giá là khoảng 1.840 xe, gồm 15 xe buýt điện, 496 xe CNG, 1.329 xe chạy dầu diesel.

Theo lộ trình chuyển đổi, năm 2030 thành phố sẽ có 20-25% xe buýt chạy bằng điện. Số còn lại được chuyển sang dùng nhiên liệu sạch như CNG, LNP… Để đạt mục tiêu trên, 750 trạm sạc công cộng sẽ được đầu tư, cùng những chính sách ưu đãi tài chính để thu hút doanh nghiệp vận tải tham gia, song song với việc triển khai hệ thống buýt mini để tiếp cận người dân ở các tuyến đường, hẻm nhỏ.

Hiện tại, bất kể nỗ lực trợ giá của chính quyền, số người lựa chọn đi xe buýt mỗi ngày không tăng nhanh do nhiều lộ trình không thuận tiện, mất nhiều thời gian di chuyển và chờ đợi, nhất là vào khung giờ cao điểm, đặc biệt là ở các tuyến đường hướng tâm, trục ra vào sân bay, cảng biển.

Minh Sơn