Với mức 26%, thị trường giao đồ ăn Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2024.

viet nam dan dau khu vuc dong nam a ve tang truong dich vu giao do an2
Dịch vụ giao đồ ăn qua ứng dụng. Xe máy “GRAB FOOD” trên phố, Sài Gòn, Việt Nam, khoảng tháng 11 năm 2018. (Ảnh: StreetVJ/ShutterStock)

Thị trường Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất nhưng quy mô nhỏ nhất

Theo báo cáo Nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á do tổ chức Momentum Works (Singapore) công bố mới đây, năm 2024, thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á tăng trưởng 13% so với năm 2023, đạt quy mô 19,3 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng vượt trội sau hai năm liên tiếp (2022/2023) tăng trưởng chỉ ở mức 5%.

Việt Nam và Indonesia dẫn đầu và là động lực tăng trưởng cho khu vực với mức tăng trưởng lần lượt là 26% và 18%, trong khi nhiều thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.

Tại Việt Nam, theo Momentum Works, quy mô thị trường giao đồ ăn đã mở rộng từ 1,4 tỷ USD năm 2023 lên 1,8 tỷ USD vào năm 2024.

GrabFood và ShopeeFood hình thành thế song mã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, với lần lượt 48% và 47% thị phần. Trong khi đó, beFood giữ 4% và GoFood của Gojek chiếm 1% trước khi rút khỏi thị trường Việt Nam vào tháng 9/2024.

Tuy dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn nhỏ nhất xét về quy mô trong 6 nước Đông Nam Á được thống kê là: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Singapore và Malaysia. Trong đó, Indonesia là thị trường có quy mô lớn nhất khu vực với 5,4 tỷ USD.

viet nam dan dau khu vuc dong nam a ve tang truong dich vu giao do an
Tổng giá trị giao dịch trong ngành giao đồ ăn của các nước trong khu vực – (Nguồn biểu đồ: MOMENTUM WORKS)

TikTok tham gia có thể gây xáo trộn thị trường

GrabFood và ShopeeFood tăng trưởng nhanh nhất nhờ yếu tố phân khúc khách hàng, lĩnh vực dịch vụ được mở rộng và phối hợp với các mảng kinh doanh khác của nền tảng.

GrabFood tiếp tục thống trị thị trường khu vực, chiếm tới 53,9% thị phần. Chiến lược của GrabFood là thu hút nhiều thương nhân hơn để quảng cáo và khuyến khích chi tiêu cao hơn. Ví dụ, Grab báo cáo mức tăng trưởng 56% so với cùng kỳ năm trước về số lượng nhà quảng cáo đang hoạt động và mức chi tiêu trung bình tăng 26% bằng cách nâng cao nền tảng quảng cáo tự phục vụ của họ để đơn giản hóa quy trình cho thương nhân.

GrabFood phát triển thêm các tính năng như đặt món theo nhóm và duy trì tung mã giảm giá kết hợp với nhà hàng và các bên thanh toán. Việc giao hàng theo một đợt để tối ưu hóa các tuyến đường và giảm số chuyến đi, giảm chi phí thanh toán tổng thể cho chuyến đi. Điều này có thể được hỗ trợ thêm bằng những cải tiến trong hoạt động của người giao hàng.

Trong khi đó, ShopeeFood đã vượt qua Gojek để trở thành ông lớn thứ 3 ở Đông Nam Á nhờ chiến lược tận dụng nền tảng để tổ chức các lễ hội mua sắm thường xuyên, kết hợp mua sắm với giải trí.

4 nền tảng giao đồ ăn lớn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay là Grab, FoodPanda, ShopeeFood và Gojek. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ bị xáo trộn khi có sự tham gia của TikTok.

Hiện nền tảng này đã tham gia dịch vụ, bắt đầu bằng việc bán phiếu mua hàng cho những người kinh doanh F&B ở Indonesia và Thái Lan. Mặc dù vẫn đang ở giai đoạn đầu, theo Momentum Works, sự xuất hiện của TikTok có thể gây ra sự phân chia lại thị phần trên thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á.

Phan Vũ (t/h)