Việt Nam kiểm soát COVID-19 khá tốt, tại sao nền kinh tế lại kém lành mạnh?
Tờ SCMP hôm 31/8 đã có bài phân tích về triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám và hiện trạng thất nghiệp đáng báo động của Việt Nam khi hàng loạt doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bất chấp thực tế rằng Việt Nam là một trong số những quốc gia kiểm soát dịch khá tốt cho tới thời điểm hiện tại.
Thời kỳ trước đại dịch, Việt Nam đã chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng ở mức ấn tượng 7,02% vào năm ngoái. Việc nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng của họ khỏi Trung Quốc do thương chiến Mỹ – Trung đã tìm tới Việt Nam; cùng với tầng lớp trung lưu trong nước đang phát triển chiếm khoảng 13% dân số vào năm 2018 (theo Ngân hàng Thế giới), là những động lực mới cho nước này.
Sự tăng trưởng ổn định của Việt Nam trong những năm qua khiến nhiều người di cư từ quê ra thành phố hiếm khi gặp khó khăn để tìm việc làm.
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam đang chuẩn bị đối mặt với mức tăng trưởng chậm nhất trong 20 năm, dự kiến chỉ ở mức 2,4%. Mặc dù là nước duy nhất trong ASEAN được dự báo sẽ không rơi vào suy thoái trong năm nay, nhưng không có nghĩa là Việt Nam có thể dễ dàng đương đầu với điều này, bài báo nhận định, bất chấp việc Việt Nam được coi là tương đối thành công trong việc ngăn chặn dịch corona, với chỉ 1.040 trường hợp được xác nhận và 32 trường hợp tử vong trong số dân số hơn 95 triệu người tính đến ngày 30/8.
Theo SCMP, Việt Nam đang phải chịu đựng những mặt trái của việc bị ràng buộc mạnh vào nền kinh tế toàn cầu, ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm chỉ 0,36% trong Quý II. Với quy mô GDP danh nghĩa gần tương đương kim ngạch xuất khẩu, nhiều công ty xuất khẩu Việt Nam đang chứng kiến lượng đặt hàng sụt giảm, nhất là trong lĩnh vực may mặc. Nhiều lĩnh vực khác cũng rơi vào cảnh tương tự khi đơn hàng ngày một ít đi, khiến lực lượng lao động phi chính thức, vốn chiếm khoảng 30% lực lượng lao động và đã giúp giữ cho nền kinh tế ổn định trong thời kỳ tốt đẹp, bị bỏ rơi, mất việc làm và lay lắt sống tạm bợ qua ngày.
SCMP trích dẫn câu chuyện của bà Hiền, 58 tuổi, người Phú Yên lên TP HCM làm việc và hiện đã thất nghiệp được 4 tháng. Bà đã “lang thang khắp nơi để xin việc, nhưng không có ai tuyển dụng,” sống dựa vào phần cơm từ thiện của một ngôi chùa địa phương và đi phụ việc cho các quán ăn để nhận được tiền công khoảng 100.000 đồng mỗi ngày. Với khoản tiền ít ỏi đó, bà trích mỗi tối 20.000 đồng trả cho một quán cà phê võng để có chỗ tắm rửa và ngả lưng buổi tối.
Những người khác như bà Đỗ Thị Lập, 48 tuổi đến từ tỉnh Thái Bình, người đã từng coi TP HCM là quê hương thứ hai, cũng đang rơi vào tình cảnh lấp lửng chờ việc. Trước đây, bà là trợ lý trong căng tin tại một nhà sản xuất giày, nhưng đã bị thôi việc hai tuần trước với lời hứa rằng “có thể có việc vào giữa tháng 9”.
“Tôi đã tìm kiếm công việc khác nhưng không thể tìm thấy bất kỳ công việc nào,” bà nói với phóng viên SCMP. “Nếu tôi không tìm thấy bất kỳ công việc nào, tôi có thể sẽ về quê.”
Từ tháng Ba đến tháng Bảy, khoảng 382.000 công nhân đã trở thành người thất nghiệp tại TP HCM, nơi chiếm gần 1/4 GDP của Việt Nam, theo tờ báo.
Sẽ có thêm 120.000 nhân viên của khoảng 4.000 công ty, chủ yếu trong các lĩnh vực du lịch, vận tải, xây dựng, dệt may và da giày, dự kiến sẽ mất việc làm trong tháng tới hoặc thời gian gần.
Một cuộc khảo sát công bố vào đầu tháng 7 của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy 30,8 triệu người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch: mất việc làm, bị cắt lương hoặc bị giảm giờ làm. Điều này đã cho thấy rõ những khó khăn trong tương lai nền kinh tế định hướng xuất khẩu phải đối mặt.
Vào tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh 14% so với một năm trước đó, tiếp theo là giảm 12,4% vào tháng 5 khi thương mại toàn cầu đi vào bế tắc, theo Cục Hải quan Việt Nam. Trong 7 tháng tính đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu chỉ tăng 1,5%, so với 8% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ngành du lịch, chiếm khoảng 9% nền kinh tế, đã chứng kiến doanh thu giảm 55,4% trong 7 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Đại học Quốc gia Việt Nam, cho biết nhiều nhà quan sát có xu hướng nhấn mạnh thực tế rằng Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc vào thương mại, với tỷ lệ thương mại trên GDP cao thứ hai ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường 100 triệu dân và còn rất nhiều dư địa để phát triển, miễn là đại dịch được quản lý tốt trong nước.
Ông Giang cho rằng cách duy nhất tiến về phía trước là giúp các doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân – vượt qua khủng hoảng và tiếp tục hoạt động của mình.
Tiến sĩ Phùng Đức Tùng, chuyên gia kinh tế và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong của Việt Nam, cũng chỉ ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ mà chính phủ đã triển khai vào tháng 4, với một gói hỗ trợ khác sẽ sớm dành cho những người lao động bị sa thải như các biện pháp cấp cứu tạm thời cho nền kinh tế Việt Nam.
“Tuy nhiên, các tiêu chí để xác định những người trong khu vực phi chính thức vẫn chưa rõ ràng,” ông nói. Trong khi đó, ông Tùng cho biết tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng cho đến ít nhất là cuối năm nay, tuỳ thuộc vào sự phục hồi kinh tế của các quốc gia khác và các chính sách thúc đẩy nền kinh tế của chính phủ.
Xuân Lan (Theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa đại dịch viêm phổi Vũ Hán Nạn thất nghiệp Kinh tế Việt Nam Dòng sự kiện