Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 31.540 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 7.500 tỷ đồng
- Đức Minh
- •
Dù doanh thu quý 3 có sự phục hồi do nhu cầu đi lại tăng, tuy vậy hãng Hàng không Vietnam Airlines vẫn lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30/9/2022, Vietnam Airlines ghi nhận âm vốn chủ sở hữu tới 7.500 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ cao bị hủy niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
- Trái ngược Vietnam Airlines, Vietjet Air báo lãi hơn 426 tỷ đồng trong 6 tháng
- Vietnam Airlines: “Nợ như núi”, Kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Theo báo cáo quý 3/2022, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần hơn 21.000 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2021 (thời gian Việt Nam còn phòng dịch COVID-19 và hạn chế đi lại).
Tuy vậy, các khoản chi phí tăng mạnh hơn đã tạo gánh nặng cho Vietnam Airlines như: chi phí tài chính gấp 3 lần (gần 1.500 tỷ đồng), chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá; các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng mạnh.
Kết thúc quý 3, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 2.600 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 11 lỗ liên tiếp của hãng hàng không này.
Tính chung 9 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 51.000 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ và tổng lỗ sau thuế gần 7.800 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 11.800 tỷ đồng.
Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, hãng hàng không của Việt Nam cho biết thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng.
Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022.
Tại thời điểm ngày 30/9/2022, Vietnam Airlines lỗ lũy kế tới 31.547 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,26 tỷ USD, với tỷ giá khoảng 24.900 đồng/USD.
Vốn chủ sở hữu âm 7.500 tỷ đồng và nguy cơ huỷ niêm yết
Theo báo cáo, Vietnam Airlines đang chịu áp lực thanh khoản rất lớn trong ngắn hạn. Cuối tháng 9/2022, Vietnam Airlines nắm giữ gần 3.800 tỷ đồng tiền mặt và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản phải thu tăng lên 4.500 tỷ đồng, còn hàng tồn kho ở mức hơn 3.500 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn lên hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 14.500 tỷ đồng. Cuối quý 3, Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 7.500 tỷ đồng.
Điều này có nghĩa hãng hàng không quốc gia đang đối mặt với nguy cơ huỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đã lưu ý đến khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.
Theo quy định tại Nghị định 155, một doanh nghiệp chỉ cần rơi vào một trong ba trường hợp dưới đây đều sẽ bị xem xét hủy niêm yết:
– Kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ trong 3 năm liền.
– Tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.
– Vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Do đó, HoSE lưu ý Vietnam Airlines khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.
Ngày 15/9, Vietnam Airlines và China Southern Airlines (Trung Quốc) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện có hiệu lực từ tháng 9 năm nay.
Cụ thể, hai hãng sẽ tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực bao gồm thương mại, dịch vụ, kỹ thuật,… góp phần nâng cao trải nghiệm bay.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng ký kết hợp tác toàn diện với China Southern Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhất tại Trung Quốc”, báo Quân Đội Nhân Dân đưa tin.
Liên quan đến tình hình tài chính của Vietnam Airlines, Kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và cho biết hãng bay này sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Trong đó bao gồm cả việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
Để đối phó, Vietnam Airlines cho biết hãng đã ký hợp đồng vay và được giải ngân 4.000 tỷ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024. Bên cạnh đó, hãng hàng không này nhiều lần đưa ra kế hoạch bán bớt máy bay và thoái vốn khỏi các công ty liên doanh và công ty con.
Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã từng triển khai gói “giải cứu” 12.000 tỷ đồng (Nghị quyết 194) dành cho Vietnam Airlines. Trong đó, bao gồm 4.000 tỷ đồng là Vietnam Airlines được vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại; 8.000 tỷ đồng từ việc phát hành 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua lượng cổ phiếu của Vietnam Airlines trong đợt này với giá trị khoảng 6.880 tỷ đồng. Sau phương án giải cứu trên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, chiếm 55,2% vốn; tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần, Tập đoàn Hàng không ANA (Nhật Bản) chiếm 5,62% và một số cổ đông nhỏ khác chiếm 8,04% còn lại. |
Đức Minh
Từ khóa Dòng sự kiện Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines