Xe điện Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Nepal, nhưng chất lượng và nguy cơ an toàn gây phản ứng. Việc Trung Quốc đại hạ giá xe điện toàn cầu gần đây cùng với động cơ kinh tế phía sau và tham vọng bành trướng chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục thu hút sự chú ý.

xe dien trung quoc
Ngày 10/1/2024, xe điện BYD đang chờ xếp hàng để xuất khẩu tại cảng ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. (Ảnh: STR/AFP)

Xe điện Trung Quốc ồ ạt tràn vào Nepal

Ngày 8/7 năm nay, lũ lụt xảy ra ở khu vực biên giới Trung Quốc – Nepal đã cuốn trôi hoàn toàn cây cầu xuyên biên giới Rasuwa-Gyirong (nối giữa huyện Gyirong, Tây Tạng và huyện Rasuwa, Nepal) do Trung Quốc viện trợ xây dựng, mới chỉ hoàn thành được 6 năm. Lúc đó, hàng trăm chiếc xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc đang đỗ ở khu vực biên giới. Việc cây cầu bị cuốn trôi đã khiến thương mại biên giới giữa hai nước bị gián đoạn.

Trận lũ này đã phơi bày thực trạng xe điện Trung Quốc ồ ạt đổ vào Nepal.

Trước đó, vào ngày 16/6, tờ Nhật Báo Trùng Khánh đưa tin tại hội thảo chuyên đề ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc – ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội đại lý ô tô Nepal (NADA), ông Karan Chaudhary cho biết: Xe điện Trung Quốc chiếm tới 95% thị phần tại Nepal.

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc vào cuối năm ngoái trích dẫn dữ liệu của Hải quan Nepal cho biết, trong năm tài chính 2023-2024, Nepal nhập khẩu khoảng 11.700 chiếc xe điện, trong đó khoảng 8.000 chiếc đến từ Trung Quốc, chiếm gần 70%.

Năm 2024, Công ty TNHH Thân xe ô tô Kim Long Hạ Môn của Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư 3 tỷ Rupee Nepal (gần 571 tỷ đồng) để xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện tại nước này, với công nghệ và thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc.

Truyền thông Nepal đã đưa tin từ cuối tháng 4/2022 rằng công ty Sundar Auto Engineering Pvt Ltd – công ty liên kết với Sundar Transport Pvt Ltd – đã bắt đầu sản xuất xe điện tại Nepal. 2 năm trước, Sundar Auto đã đầu tư khoảng 1 tỷ Rupee Nepal và liên doanh với Sichuan Guohong Auto (Trung Quốc) xây dựng nhà máy lắp ráp tại Khu công nghiệp Butwal, huyện Rupandehi. Phía Trung Quốc nắm giữ 80% vốn.

Trước đó vài năm, thị trường xe điện Nepal chủ yếu do các thương hiệu Hàn Quốc như Hyundai và Kia thống trị. Trong giai đoạn 2020 – 2022, hãng Tata Motor – nhà sản xuất xe điện lớn nhất Ấn Độ – đã thay đổi cục diện thị trường với mẫu SUV nhỏ gọn Tata Nexon, vượt qua các thương hiệu Hàn Quốc để chiếm vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở đi, các thương hiệu Trung Quốc như BYD và MG đã chiếm lĩnh thị trường xe điện nhập khẩu tại Nepal nhờ giá rẻ và mẫu mã phong phú.

Ông Đới Chí Ngôn, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa, cho biết, phần lớn các hãng xe Trung Quốc không có năng lực xây dựng nhà máy ở nước ngoài, mà chỉ có thể phát triển hệ thống đại lý địa phương. Các đại lý này có thể do các công ty có vốn Trung Quốc hậu thuẫn, mượn danh người bản địa để hoạt động. Cũng có những công ty Nepal có cổ phần lớn bị doanh nghiệp Trung Quốc mua lại. Chính quyền địa phương thì coi đây là thành tích thu hút đầu tư.

Người dân Nepal phản ứng; chuyên gia vạch rõ sự khác biệt về tiêu chuẩn chất lượng xe điện Trung Quốc

Tháng 10/2024, trang tin địa phương của Nepal fiscalnepal.com đăng bài viết phê bình với tiêu đề: “Nepal trở thành nơi tiêu thụ xe điện Trung Quốc kém chất lượng: Rủi ro cháy nổ và tiêu chuẩn không đạt gây sốc”. Bài viết cho biết, Nepal đang trở thành “bãi thử” cho xe điện Trung Quốc, nhưng các tiêu chuẩn lại thấp, cơ sở hạ tầng sạc điện không đáng tin cậy, nguy cơ mất an toàn thường xuyên xảy ra, gây lo ngại nghiêm trọng về an toàn công cộng.

Bài viết dẫn chứng: Một chiếc xe điện Seres 3 (thuộc hãng Seres Automobile / DFSK Motor), mang biển số Bagmati Province 01-029 Cha 5950, đã bốc cháy tại khu vực Sitapaila ở Kathmandu trong tháng đó. Trước đó, một chiếc xe điện khác sản xuất tại Trung Quốc cũng bị cháy tương tự tại thành phố Budhanilkantha. Một chiếc MG ZS EV – xe điện sản xuất bởi hãng MG (Trung Quốc) – cũng bốc cháy khi đang sạc điện.

Bài viết cho rằng khi các vụ cháy xe điện Trung Quốc liên tiếp xảy ra, cả chuyên gia và người tiêu dùng đều bắt đầu nghi ngờ về độ bền và an toàn lâu dài của chúng. Chính phủ Nepal cần có hành động nhanh chóng để tránh biến quốc gia này thành nơi bãi thải xe điện lỗi, nguy hiểm từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, bài viết đã nhanh chóng bị gỡ bỏ.

Một bài khác trên fiscalnepal.com đưa tin chi tiết về vụ cháy xe điện MG ZS EV vào cuối năm 2023 ở Budhanilkantha. Báo cáo cho rằng chiếc xe có thể đã sử dụng pin và hệ thống mạch điện không đạt tiêu chuẩn, dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng. (liên kết)

Tháng Tư năm nay, trang tin South Asia Network dẫn lời tờ Republica cho biết: Nhiều bên kêu gọi đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng cho xe điện nhập khẩu vào Nepal. Tại sự kiện đối thoại ô tô do NADA tổ chức, các đại biểu bày tỏ lo ngại việc nhập khẩu xe điện không kiểm soát sẽ khiến Nepal trở thành nơi tiêu thụ hàng giá rẻ. Tuy nhiên, các báo cáo không trực tiếp nêu tên Trung Quốc.

Ông Đới Chí Ngôn nhận định, những nghi ngờ và phê phán từ truyền thông hay người dân Nepal có thể đã bị Chính phủ Nepal hoặc phía Trung Quốc gây sức ép. Nhưng vì Nepal không có ngành công nghiệp ô tô đáng kể, nếu không có nhóm hoặc doanh nghiệp nào dám lên tiếng về những thiệt hại do Trung Quốc gây ra, thì các phản ứng đó cũng khó phát huy hiệu quả.

Xe điện Trung Quốc đã “đổ bộ” khắp nơi trong những năm gần đây. Tờ Nhật báo Trùng Khánh đưa tin hôm 16/6 rằng NIO đã giao hơn 730.000 xe thuần điện đến một số quốc gia và khu vực ở Trung Đông. Năm 2024, doanh số xe năng lượng mới mang thương hiệu Trung Quốc tại Brazil đã vượt quá 110.000 xe, chiếm 65% thị phần. Tại Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và các nơi khác, các công ty ô tô Trung Quốc đã thiết lập cơ sở sản xuất tại địa phương và thậm chí xây dựng nhà máy.

Ông Đới Chí Ngôn cho biết, các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất hiện nay có thể đang áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng khác nhau cho các thị trường khác nhau. Để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn va chạm cao của châu Âu, trong những năm gần đây, các sản phẩm này đã có kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra an toàn va chạm. Tuy nhiên, khi xuất sang các thị trường ở các nước đang phát triển, họ có thể áp dụng một tiêu chuẩn chất lượng khác.

Ông nói thêm rằng nguyên nhân chính là do chi phí khác nhau. Ở các quốc gia Nam Á như Nepal, thậm chí không có quy định về các bài kiểm tra va chạm cơ bản. Trong khi đó, ở Mỹ, châu Âu, và thậm chí cả Trung Quốc, bạn phải vượt qua các bài kiểm tra va chạm để được phép đưa sản phẩm ra thị trường.

Ông cho biết, ông đã xem một số tài liệu nội bộ của ngành công nghiệp Trung Quốc và phát hiện một số mối lo ngại về việc cắt giảm vật liệu ở các hãng xe mới nổi. Ví dụ, thanh chống va chạm phía trước của xe, ở một số thương hiệu Trung Quốc, chỉ là một tấm sắt mỏng với hình dạng nhất định. Nếu xảy ra va chạm thực sự, điều này sẽ rất nguy hiểm.

Xe điện Trung Quốc liên tục gặp sự cố trong và ngoài nước

Trong những năm gần đây, Chính phủ ĐCSTQ đã thúc đẩy phát triển ngành xe điện nội địa thông qua các khoản trợ cấp lớn, mạnh mẽ tấn công thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ nhanh chóng của chuỗi cung ứng xe điện Trung Quốc, các sự cố nghiêm trọng như cháy nổ, cửa xe bị khóa chặt và gây tử vong đã liên tục xảy ra tại Trung Quốc. Các vấn đề liên quan đến cái gọi là “lái xe thông minh” cũng ngày càng gia tăng. Chính quyền và các hãng xe Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn tiếng nói chỉ trích trong nước, thậm chí sử dụng lực lượng công an để duy trì ổn định.

Vào tối ngày 29/3 năm nay, một chiếc xe Xiaomi SU7 đã va chạm vào trụ bê tông trên đường cao tốc ở Đồng Lăng, tỉnh An Huy, sau đó bốc cháy. Cả 3 nữ sinh viên trên xe đều thiệt mạng.

Vào ngày 4/4, tại Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, một chiếc xe buýt điện BYD bất ngờ bốc khói mù mịt bên trong. Các học sinh trên xe hoảng loạn bỏ chạy và hét lên “Chạy mau, chạy mau”, hiện trường hỗn loạn. Một đoạn video do người dùng mạng quay lại cho biết: “Quá đáng sợ, chiếc BYD vừa bốc cháy.”

Cũng có hình ảnh video cho thấy một chiếc xe hơi BYD đỗ giữa đường, phần đầu xe đã bị ngọn lửa nuốt chửng, khói bốc lên nghi ngút.

Khi các xe điện sản xuất trong nước của Trung Quốc được xuất khẩu ra nước ngoài, vấn đề an toàn của chúng đã ảnh hưởng đến quốc tế.

Ngày 1/6 năm nay, truyền thông địa phương Malaysia đưa tin (liên kết), do một chiếc xe điện đột nhiên tắt máy mà không có cảnh báo trước, suýt gây tai nạn, chủ xe Izwan Hassan tuyên bố đã bán lại chiếc xe điện SUV BYD Atto 3 của mình cho BYD với giá trị đầy đủ. Izwan đăng trên Facebook rằng sau khi cân nhắc đến an toàn của gia đình, anh quyết định từ bỏ chiếc xe điện mua chưa đầy một năm, mặc dù phải chịu một số tổn thất do đã trả góp trong nhiều tháng.

Theo nhiều hãng truyền thông nước ngoài đưa tin (liên kết), một con tàu treo cờ Liberia, khởi hành từ cảng Yên Đài đến bờ biển phía Tây Mexico, mang tên Morning Midas, đã bốc cháy gần đảo Adak, Alaska vào ngày 3/6. Thủy thủ đoàn không thể dập lửa và buộc phải bỏ tàu. Con tàu chở 3.000 chiếc xe sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có khoảng 800 xe điện. Hiện đã xác định các xe trên tàu đến từ nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như Chery Automobile, Great Wall Motors, nhưng vẫn chưa rõ thương hiệu xe điện nào gây ra vụ cháy.

ĐCSTQ bị cáo buộc dùng xe điện để thách thức Ấn Độ tại Nepal

Giữa Bắc Kinh và New Delhi từ lâu đã tồn tại sự cạnh tranh ngoại giao để giành ảnh hưởng chính trị tại Nepal. Ấn Độ từ chối bay đến hai sân bay quốc tế mới xây dựng tại Nepal là Bhairahawa và Pokhara, với lý do Nepal đã vay vốn từ Trung Quốc. Ấn Độ cũng tuyên bố rõ ràng sẽ không mua điện từ các dự án thủy điện Nepal do Trung Quốc xây dựng.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng tại Nepal. Sân bay quốc tế Pokhara là một trong những dự án chủ lực của sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ, đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2023. Sân bay này được xây dựng nhờ khoản vay 216 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Chính phủ Nepal vào tháng 8/2024 đã đề xuất chuyển khoản vay này thành tài trợ để giảm gánh nặng nợ. Ngoài ra, vào tháng 4/2025, dự án này bị phanh phui vì các vấn đề liên quan đến việc sử dụng vật liệu kém chất lượng, gây tranh cãi.

Ông Đới Chí Ngôn cho biết, nhiều quốc gia tham gia “Vành đai và Con đường” đều có tranh chấp nợ với ĐCSTQ, và cuối cùng, các cơ sở hạ tầng quan trọng của những quốc gia này rơi vào tay các công ty Trung Quốc. “Vành đai và Con đường” rõ ràng không đạt được cái gọi là “cùng thắng”, mà giống như sự bành trướng ra bên ngoài của Bắc Kinh. Nhưng chất lượng xây dựng của các doanh nghiệp Trung Quốc là đáng lo ngại. Ví dụ, vấn đề tại sân bay Nepal, hay như trong trận động đất ở Myanmar đã khiến tòa nhà của Cơ quan Kiểm toán Thái Lan do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng đã sụp đổ.

Ngày 9/7 năm nay, tờ Nikkei đăng bài bình luận của Brahim Karki, cho rằng khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vượt qua các thương hiệu Ấn Độ để trở thành nhà bán xe lớn nhất tại Nepal, vị thế thống trị lâu dài của Ấn Độ trên thị trường ô tô Nepal đã biến mất. Việc thúc đẩy xe điện Trung Quốc là một phần trong các động thái địa chính trị của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng tại Nam Á, thách thức vị thế truyền thống của Ấn Độ tại các quốc gia Himalaya.

Ông Đới Chí Ngôn cho rằng ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Ấn Độ cũng rất mạnh, nhưng thiếu hệ thống nhà máy sản xuất xe hoàn chỉnh và chuỗi cung ứng linh kiện như Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề. Do chính quyền không tôn trọng quy luật thị trường, liên tục can thiệp bằng sức mạnh nhà nước, đưa ra các chính sách trợ cấp và khuyến khích đa dạng, dẫn đến việc phân bổ nguồn lực sai lệch.

“Mặc dù (Trung Quốc) hiện là một cường quốc trong ngành công nghiệp ô tô, nhưng bên trong ngành này rất hỗn loạn. Khi cuộc chiến giá cả nổ ra, nó kéo dài 2-3 năm mà không ai muốn dừng lại,” ông nói.

Ông cho rằng trong thể chế như Trung Quốc, việc xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm giá rẻ ra thị trường nước ngoài là một hiện tượng tất yếu. “Họ sản xuất rất nhiều xe, nhưng khi xem báo cáo thường niên và tài chính của các công ty này, bạn sẽ thấy nhiều công ty đang bán lỗ, thực chất là vấn đề phân bổ nguồn lực sai lệch.”

Xe điện Trung Quốc xuất khẩu trở thành mối đe dọa an toàn toàn cầu

Kể từ năm ngoái, Mỹ và EU đều áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với xe điện Trung Quốc.

Bình luận viên thời sự Lý Lâm Nhất nói với tờ Epoch Times rằng mặc dù có tình trạng dư thừa sản xuất, nhưng quyết định xuất khẩu phá giá ra nước ngoài cũng là một phần trong chiến lược mở rộng ra bên ngoài của chính quyền Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các quốc gia Âu Mỹ đã nhận ra rằng xe điện có chức năng AI tiềm ẩn nguy cơ thu thập thông tin khách hàng và truyền về Trung Quốc, đồng thời các nhà máy của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài cũng có khả năng phục vụ mục đích gián điệp.

Nhà phân tích chính trị và nhà báo kỳ cựu Thạch Sơn trước đó nói với Epoch Times rằng các nước Âu Mỹ thường bỏ qua một điểm mấu chốt: chính quyền ĐCSTQ là một ngoại lệ, tư duy kinh tế chính trị của nó vẫn kế thừa mô hình Liên Xô cũ cho đến nay. Hệ thống kinh tế chính trị của họ thực chất là một “hệ thống kinh tế chiến tranh”. “ĐCSTQ cho rằng khả năng chiến tranh và khả năng sản xuất có mối liên hệ chặt chẽ”.