Ăn nhiều protein giúp cải thiện sức khỏe trao đổi chất ngay cả khi không giảm cân
- George Citroner
- •
Theo một nghiên cứu gần đây, việc thay thế carbohydrate bằng protein và chất béo có thể cải thiện các chỉ số sức khỏe.
Dựa trên 2 thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người áp dụng công thức ăn ít carbohydrate, nhiều protein đã cải thiện đáng kể kết quả lipid máu và giảm lượng mỡ gan mặc dù không giảm cân đáng kể.
Các chỉ số mỡ máu được cải thiện
Nghiên cứu được tiến hành tại Đan Mạch và công bố trên The American Journal of Clinical Nutrition (Tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ), sử dụng dữ liệu từ 2 thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên. Khoảng 100 người tham gia được phân ngẫu nhiên thành 2 nhóm: một nhóm áp dụng công thức ăn ít carbohydrate, nhiều protein và nhóm kia áp dụng công thức ăn kiêng thông thường cho bệnh tiểu đường (công thức CD) trong 6 tuần.
Những người tham gia thử nghiệm lần đầu không áp dụng công thức giảm calo để giảm cân, trong khi những người tham gia thử nghiệm lần 2 áp dụng công thức giảm calo.
Chế độ ăn ít carbohydrate bao gồm hạn chế carbohydrate, ăn chất béo lành mạnh và protein nạc, ăn các bữa chính và thức ăn nhẹ thường xuyên trong khi vẫn duy trì cân nặng cơ thể.
Chế độ ăn ít carbohydrate gồm 30% carbohydrate, 30% protein và 40% chất béo mang lại sự cải thiện đáng kể về mức mỡ máu so với chế độ ăn CD. Chế độ ăn CD có hàm lượng carbohydrate cao hơn 50%, với hơn 40% là chất xơ carbohydrate, cũng như lượng chất béo và protein thấp hơn.
Để so sánh, những người ăn theo chế độ CD sẽ dùng bữa sáng gồm bánh mì, phô mai, bơ, mứt, sữa và trái cây. Trong khi những người ăn theo chế độ ít carbohydrate sẽ không có trái cây, thay vào đó là sữa chua, trứng, bơ, dưa chuột và sốt mayonnaise cùng với bánh mì.
Những người áp dụng chế độ ăn nhiều protein không bị giảm calo đồng thời giảm 33% mỡ máu và giảm 16% hạt lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) nhỏ, một loại protein cholesterol có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Mức lipoprotein tỷ trọng cao (cholesterol “tốt”) của họ cũng tăng 10%, cho thấy có sự thay đổi theo hướng có bộ mỡ máu tốt hơn. Ngược lại, chế độ ăn CD không cho thấy có những cải thiện tương tự.
Trong số những người áp dụng cách ăn giảm calo, cả nhóm ăn nhiều protein và nhóm ăn thông thường đều giảm 6% trọng lượng cơ thể. Việc giảm cân này có liên quan đến việc kiểm soát đường máu tốt hơn.
Tuy nhiên, nhóm ăn nhiều protein cũng có mức giảm mỡ máu và LDL nhiều hơn.
Chế độ ăn nhiều protein cũng làm giảm mức mỡ gan. Tuy nhiên, những người không áp dụng chế độ giảm calo có mức giảm mỡ gan nhiều hơn 55% so với 26% ở nhóm giảm cân.
Việc giảm mỡ gan này góp phần cải thiện sức khỏe trao đổi chất tổng thể, vì mỡ gan tăng cao có liên quan đến tình trạng kháng insulin.
Trong cả 2 nghiên cứu, sự cải thiện về bộ mỡ máu ở nhóm ăn nhiều protein có liên quan đến việc giảm mỡ gan, cho thấy mối liên quan giữa chế độ ăn, sức khỏe gan và mỡ máu.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, sự cải thiện về trao đổi chất ở những người áp dụng chế độ ăn ít carbohydrate có liên quan đến mức insulin thấp hơn do lượng đường trong máu thấp hơn.
Với tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao trên toàn cầu, những phát hiện này có thể là những gợi ý cho các phương pháp giúp kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn.
Tiến sĩ Silvana Obici, Trưởng khoa Nội tiết tại Bệnh viện Stony Brook Medicine ở New York, người không tham gia vào nghiên cứu này, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của chất lượng thực phẩm hơn là thành phần chất dinh dưỡng đa lượng.
“Như Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ tuyên bố, ‘Mọi người ăn thực phẩm chứ không phải chất dinh dưỡng và các khuyến nghị về dinh dưỡng cần được áp dụng cho những gì mọi người ăn’”, Tiến sĩ Obici nói với The Epoch Times, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một “khái niệm rất quan trọng”, vì nhiều nghiên cứu tập trung vào 3 chất dinh dưỡng đa lượng chính (carbohydrate, protein và chất béo) mà không chú ý nhiều đến loại và chất lượng của chúng.
Theo chuyên gia, thực phẩm cùng loại có thể có tác dụng ‘rất khác nhau’
Carbohydrate bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau – từ các lựa chọn tinh chế như mì ống và bánh mì đến các lựa chọn giàu dinh dưỡng như đậu, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây. Tiến sĩ Obici cho biết, những thực phẩm này có tác dụng khác nhau rõ rệt đối với sức khỏe mặc dù được phân loại cùng nhau.
Đối với chất béo trong khẩu phần ăn, bà lưu ý rằng, chúng bao gồm chất béo động vật có nhiều axit béo bão hòa và cholesterol cho đến các lựa chọn lành mạnh hơn như cá, hạt, hạt giống, quả bơ và dầu ô liu. Bà cho biết, nghiên cứu không phân biệt giữa các loại carbohydrate và chất béo khác nhau.
Tiến sĩ Obici viết trong email gửi cho The Epoch Times, “Nghiên cứu ngắn hạn này không đề cập đến tầm quan trọng của loại carbohydrate hoặc loại chất béo. Theo tôi, dinh dưỡng lành mạnh nên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của loại và chất lượng của chất dinh dưỡng đa lượng; ưu tiên carbohydrate có trong đậu, rau củ có tinh bột, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây thay vì đường đơn, carbohydrate tinh chế”.
Bà lưu ý rằng, đối với chất béo trong khẩu phần ăn, thì nên tiêu thụ chất béo động vật ít hơn chất béo lành mạnh có trong cá, hạt và hạt giống.
Tiến sĩ Obici nhấn mạnh, việc giảm cân là rất quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Ngay cả nghiên cứu ngắn hạn này cũng chứng minh được những lợi ích đáng kể từ việc giảm cân, bất kể thành phần của khẩu phần ăn uống và duy trì cân nặng khỏe mạnh là chiến lược quan trọng lâu dài đối với sức khỏe bệnh tiểu đường loại 2.
Khánh Ngọc biên dịch
Theo The Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa cải thiện sức khỏe giảm cân protein