Phương pháp mới có thể điều trị sau khi bị đột quỵ đến 24 giờ
- Thạch Dũng
- •
Các nhà nghiên cứu tại Úc đã có bước đột phá mới trong việc cấp cứu tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Đặc biệt cách này vẫn còn phát huy tác dụng trong vòng 24 giờ sau khi bệnh nhân mắc phải đột quỵ, thay vì chỉ 6 giờ như trước đây.
Sự nguy hiểm của đột quỵ
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ thường không có dấu hiệu báo trước, và có thể dẫn tới liệt hoặc tử vong.
Theo 9 News đưa tin, tại Úc mỗi năm có khoảng 55.000 ca đột quỵ, tương đương mỗi phút có 1 người bị. Trong đó có 80% là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, gây ra do cục máu đông trong não. Người lớn tuổi hoặc người trẻ đều có khả năng đối diện với vấn đề này. Khi một người không may bị đột quỵ, thời gian vàng để cấp cứu là vô cùng quan trọng, bởi trong khoảng thời gian này, các tế bào của não vẫn chưa bị hoại tử, cho nên tứ chi bị tê liệt vẫn có khả năng phục hồi lại. Máu lên não bị tắc nghẽn càng lâu, thì nguy hiểm càng cao, khả năng phục hồi càng thấp.
Mấu chốt điều trị nằm ở chỗ cần phải loại bỏ huyết khối hay khối gây xơ vữa động mạch trong não và khơi thông dòng chảy của máu trước khi các mô não bị chết.
- ‘Đột quỵ thầm lặng’: Dấu hiệu của đột quỵ thật sự trong tương lai
- Vì sao cơn đột quỵ hay tấn công vào buổi sáng?
Nghiên cứu mới mang đến hy vọng cho nhiều bệnh nhân
Theo GS. Peter Mitchell của BV Hoàng Gia Melbourne, 5 thử nghiệm lâm sàng tiến hành trong năm 2015 đã chứng minh, người bệnh sẽ có khả năng hồi phục gấp đôi nếu tiến hành các liệu pháp loại bỏ huyết khối trong vòng 6 giờ sau khi đột quỵ xảy ra. Trước đây, người ta vẫn cho rằng vượt qua cái mốc 6 giờ thì gần như không cứu được nữa.
Nhưng các nhà nghiên cứu của Úc đã phát hiện rằng, có một vài bệnh nhân khi scan chụp não, tế bào vẫn có khả năng phục hồi sau thời hạn 6 giờ. Ban đầu họ dự tính thử nghiệm trên 500 bệnh nhân, nhưng đến 206 người thì đã thấy rõ kết quả thành công, vì vậy, giờ đây cần nới rộng khung thời gian chữa trị, nếu không thì sẽ là phi đạo đức.
Gần 50% số bệnh nhân được chữa trị từ 6-24 giờ sau khi bị tai biến, khi về nhà vẫn có thể sinh hoạt độc lập. Ở những người không được chữa trị thì con số này chỉ là 13%.
Hiện nay, các bác sĩ tại Úc dùng một ống dẫn luồn vào động mạch chủ của bệnh nhân, thông thẳng đên chỗ mạch bị tắc nghẽn trên não bộ. Sau đó lại dùng một ống rất nhỏ luồn tiếp vào để đánh thông máu tụ. Cách này vẫn phát huy tác dụng trong vòng 24 giờ sau khi bệnh nhân mắc phải đột quỵ, đồng thời không cần động đến phẫu thuật, và có thể xuất viện khá nhanh.
Kết quả cho thấy đa số bệnh nhân sau khi tỉnh lại hoàn toàn không có bất cứ phản ứng phụ nào.
Nhóm nghiên cứu cho biết, kỹ thuật mới này hoàn toàn khác với phương pháp dùng thuốc để đánh tan máu đông trước đây. Đầu tiên rạch một vết nhỏ trên người bệnh nhân, rồi luồn một ống dẫn vào động mạch chủ thông thẳng tới chỗ bị tắc trên não bộ, sau đó luồn vào một ống nhỏ hơn nữa, trong ống nhỏ này có các sợi nhỏ, các sợi này có thể tự động đan thành hình lưới. Khi sợi hình lưới này xuyên qua máu đông, chúng sẽ làm cho huyết quản tắc nghẽn được thông, từ đó đạt được hiệu quả trị liệu.
Các bác sĩ trong nhóm nghiên cứu còn cho biết, khi sử dụng phương pháp này để cấp cứu, bệnh nhân không cần phải tiến hành phẫu thuật, hơn nữa thời gian phục hồi cũng rất nhanh, thậm chí trong thời gian 10 ngày hoặc ít hơn đã có thể xuất viện.
Theo một bệnh nhân kể lại, một hôm anh tỉnh dậy thì phát hiện mình đã bị đột quỵ và không cử động được nữa. Trước đây có lẽ bác sĩ sẽ từ chối điều trị vì không biết vấn đề đã xảy ra vào thời điểm nào. Vào thứ tư, anh được áp dụng phương pháp điều trị mới này, đến thứ sáu đã xuất viện, tình hình sức khỏe hồi phục rất nhanh, hiện anh đã trở lại vị trí làm việc của mình.
Thạch Dũng
Xem thêm:
Từ khóa đạo đức y khoa Tai biến mạch máu não Nghiên cứu khoa học đột quỵ