Hành vi bất thường của trẻ bắt nguồn từ chứng trầm cảm của người cha
- Khánh Ngọc
- •
Sức khỏe tinh thần của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi trạng thái trầm cảm của người cha. Nhưng may mắn thay, khi người cha hồi phục, đứa trẻ cũng có cơ hội hồi phục theo.

Trẻ em không cư xử bất thường mà không có lý do. Đôi khi, những hành vi ấy có thể là phản ánh từ cuộc đấu tranh với chứng trầm cảm của người cha.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, nếu người cha gặp vấn đề trầm cảm trong những học mẫu giáo của con – thì đến lớp 4, giáo viên thường thấy đứa trẻ có thể trở nên quậy phá hơn trong lớp, khó tập trung hoặc thu mình trong giao tiếp xã hội.
Những phát hiện này nhấn mạnh rằng, sức khỏe tâm thần của người cha có thể tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của trẻ trong nhiều năm. Nếu không được can thiệp, tác động này có thể lan rộng trong gia đình qua nhiều thế hệ. May mắn thay, vẫn có những cách để nuôi dưỡng sức khỏe tâm thần cho cả cha và mẹ, qua đó tạo dựng một môi trường gia đình ổn định và đầy yêu thương.
Người cha trầm cảm, đứa trẻ rối loạn hành vi
Một nghiên cứu đăng trên Tập san Y học Dự phòng Hoa Kỳ (American Journal of Preventive Medicine) đã theo dõi 1.422 gia đình tại 20 thành phố lớn của Mỹ từ năm 1998 đến 2000 nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần của người cha và hành vi của trẻ em.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu thu thập dữ liệu từ thời điểm trẻ chào đời và tiếp tục theo dõi đến năm 22 tuổi, qua các mốc quan trọng như 1, 3, 5, 9 và 15 tuổi. Nghiên cứu đặc biệt tập trung vào mối quan hệ giữa cha và con, đồng thời tính đến các yếu tố như hoàn cảnh gia đình, việc người cha có sống cùng con hay không, chất lượng quan hệ cha mẹ và tình trạng trầm cảm ở người mẹ.
Đến khi trẻ lên 5 tuổi, gần 75% số người cha trong nghiên cứu chỉ sống cùng con dưới một nửa thời gian, và khoảng 9% có kết quả sàng lọc dương tính với trầm cảm. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi các biểu hiện hành vi tiêu cực ở trẻ như tăng động, khó tập trung, hành vi chống đối, cũng như đánh giá khả năng hòa nhập xã hội và các vấn đề cảm xúc.
Trẻ có cha bị trầm cảm có nguy cơ gặp các vấn đề hành vi và cảm xúc cao hơn rõ rệt so với trẻ khác. Cụ thể:
- Hành vi tiêu cực như cãi lại, không tuân thủ quy tắc và bồn chồn xuất hiện với tỷ lệ cao hơn khoảng 1/3.
- Biểu hiện của ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) nhiều hơn khoảng 1/4.
- Kỹ năng xã hội kém hơn, bao gồm khả năng hợp tác và tự kiểm soát.
- Nguy cơ rối loạn hành vi nghiêm trọng cao gấp đôi so với trẻ cùng lứa không có cha bị trầm cảm.
Trưởng Nhóm nghiên cứu, bà Kristine Schmitz, cho biết trong một thông cáo báo chí về các cơ chế có thể đứng sau những phát hiện này. Bà giải thích rằng trầm cảm có thể ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái do làm giảm khả năng hỗ trợ về mặt cảm xúc đồng thời làm gia tăng căng thẳng hoặc xung đột trong gia đình – những yếu tố có thể dẫn đến các vấn đề hành vi ở trẻ.
Trầm cảm ở cha mẹ cũng có thể dẫn đến cách nuôi dạy con nghiêm khắc quá mức, can thiệp quá mức vào đời sống của trẻ, hoặc thậm chí là sự vắng mặt của cha mẹ trong gia đình. Dù nghiên cứu không trực tiếp kiểm tra các cơ chế này nhưng các nhà khoa học cho rằng, việc hiểu rõ chúng sẽ giúp phát triển các phương pháp can thiệp phù hợp.
Nhiều nghiên cứu trước đó cũng cho thấy rằng trầm cảm ở cả cha và mẹ đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Kết quả nghiên cứu này cho thấy việc bỏ qua tình trạng cảm xúc của người cha – vốn thường bị xem nhẹ do định kiến giới – có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi và sự phát triển của trẻ trong nhiều năm sau đó.
Hiệu ứng lan tỏa vượt ra ngoài phạm vi gia đình
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò trong sự phát triển của chứng trầm cảm vốn thường mang tính chất gia đình. Những người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng có khả năng sẽ bị nặng hơn gấp 2 đến 3 lần người bình thường nếu có người thân trực hệ – chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột – cũng từng bị trầm cảm.
Không có sự tồn tại của một “gen trầm cảm” duy nhất. Thay vào đó, trầm cảm dường như là kết quả của sự kết hợp giữa nhiều yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Việc di truyền qua các thế hệ cũng không chỉ giới hạn trong sinh học. Con cái của những bậc cha mẹ trầm cảm có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt hỗ trợ về mặt cảm xúc, mức độ căng thẳng cao hơn hoặc môi trường gia đình thiếu ổn định. Những yếu tố này cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ.
Sự kết hợp giữa xu hướng di truyền và trải nghiệm sống giúp lý giải vì sao trầm cảm có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trong một gia đình.
Phá vỡ chu kỳ: Tầm quan trọng của can thiệp kịp thời
Bà Schmitz nhấn mạnh: “Chúng ta cần chú ý đến chứng trầm cảm ở cả cha lẫn mẹ, chứ không chỉ tập trung vào người mẹ. Trầm cảm có thể điều trị được và để hỗ trợ toàn diện cho gia đình, các bác sĩ nhi khoa cần bắt đầu trò chuyện với người cha về tình trạng này, đồng thời xây dựng các phương pháp can thiệp chuyên biệt cho cha, phù hợp với nhu cầu của họ”.
Bác sĩ Nivingita Nayak, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần lâm sàng, đề xuất áp dụng phương pháp nuôi dạy con cái một cách chánh niệm nhằm đối phó với trầm cảm ở người cha và tác động của nó đến con trẻ.
Bà chia sẻ về một trường hợp điều trị: Người cha bị trầm cảm không được điều trị, biểu hiện thông qua sự cáu kỉnh và giận dữ, đã không được công nhận trong nhiều năm và thường bị nhầm là có cách nuôi con thiếu kiên nhẫn. Khi đứa con trai lớn lên, cậu bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu đau khổ về mặt cảm xúc, chống đối và gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội.
Chỉ đến khi người cha quyết định trị liệu tâm lý, ông mới thay đổi cách nuôi dạy con, chuyển sang phong cách làm cha có ý thức và gắn kết về mặt cảm xúc.
Bà Nayak chia sẻ:
“Nuôi dạy con một cách chánh niệm có nghĩa là người cha hiện diện hoàn toàn trong thời gian ở bên con, cùng con chơi đùa, đọc sách hoặc đơn giản chỉ là trò chuyện cởi mở”.
Sự thay đổi này đã củng cố mối quan hệ cha – con, cải thiện hành vi và sự phát triển cảm xúc của cậu bé, đồng thời mang lại sức khỏe tinh thần tốt hơn cho người cha.
Bên cạnh đó, việc phát hiện và chẩn đoán sớm cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa những vấn đề tâm lý kéo dài. Bà Estefana Johnson – nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép và là chuyên gia trị liệu chấn thương tâm lý cho biết nam giới có xu hướng tìm kiếm hỗ trợ tâm lý ít hơn một nửa so với phụ nữ, chủ yếu do kỳ thị, định kiến văn hoá về nam tính và sự hiểu lầm về cách trầm cảm biểu hiện ở nam giới. Các triệu chứng trầm cảm ở đàn ông “thường xuất hiện dưới dạng tức giận, thu mình hoặc dễ cáu thay vì buồn bã”.
Nhà trị liệu Rebecka Parker cũng kêu gọi tiến hành kiểm tra sức khỏe tâm thần định kỳ cho các ông bố. Bà nói rằng người cha nên được đưa vào các buổi khám nhi khoa hoặc khám tiền sản để kịp thời phát hiện các dấu hiệu trầm cảm một cách dễ dàng hơn.
Các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cả gia đình và chế độ nghỉ thai sản có lương dành cho cha không chỉ giúp người cha có thời gian gắn bó với con cái mà còn giảm căng thẳng và phòng ngừa các rối loạn tâm lý trước khi chúng trở nên trầm trọng.
Với mỗi gia đình, việc hỗ trợ cả cha mẹ lẫn con cái sẽ góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh hơn và giúp phá vỡ vòng lặp của các vấn đề sức khỏe tâm thần truyền qua nhiều thế hệ.
Từ khóa trầm cảm
