Chế độ ăn Atkins (Low carb): Hiểu thế nào cho đúng?
- Hoàng Huy
- •
Mình có một niềm tin rằng chỉ có người giàu thì mới được dạy người khác làm giàu, và tương tự chỉ có những đứa béo thì mới được quyền chỉ cho người khác cách giảm béo. Với 80kg, có vẻ mình đang có cái quyền đó.
Hôm nay, gặp người chị, chị ấy khoe quá trời về chế độ ăn ATKINS. “Chị đang theo chế độ Atkins, hay lắm, hay lắm, theo đi!”
Mình thường phân vân, để giảm cân, thì phải nhịn ăn hoặc bớt ăn như thế sẽ đói, không đủ năng lượng để làm việc 10 tiếng/ngày, cứ đợi mãi đến khi nào có một kỳ nghỉ đủ dài để thực hiện một chế độ ăn giảm cân, thế nhưng chẳng bao giờ tới cái ngày đấy vì chẳng mấy khi hết bận cả.
Không đói – không mệt – không kiệt sức và vẫn làm việc tốt, đó là tất cả những gì mong muốn của mình ở một chế độ ăn giảm cân. Có cái chế độ nào như thế không nhỉ???
Chế độ Atkins có phải là chế độ mình muốn? Muốn theo thì mình phải thực sự tin, và để thực sự tin, theo thói quen mình luôn tự tìm hiểu kỹ từ các nguồn đáng tin cậy từ nguyên bản tiếng Anh, nhân tiện chia sẻ luôn cho mọi người.
Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy cô bạn ăn low-carb giảm cân đáng kể mà bản thân bạn thì chẳng có tiến triển gì thậm chí còn tăng cân. Điều này là do không phải cơ thể ai cũng phản ứng giống nhau với các phương pháp giảm cân. Điều then chốt nhất đó là phải tìm được sự hài hòa giữa phương pháp đó với cơ thể và cơ chế trao đổi chất của riêng bạn. Không có chế độ ăn nào là tốt nhất dành cho tất cả mọi người., chỉ có chế độ ăn phù hợp nhất.
Bác sỹ Robert C. Atkins, một chuyên gia về tim mạch nổi tiếng – cha đẻ của chế độ ăn kiêng này lần đầu tiên giới thiệu cho thế giới phương pháp này trong một cuốn sách bán rất chạy vào năm 1972, và từ đó tới nay hàng triệu người trên thế giới đã thực hành theo phương pháp này. Chìa khóa của phương pháp này rất đơn giản: giới hạn lượng tiêu thụ đường và carbohydrate; nhờ vậy mà nhiều bệnh nhân của ông đã giảm cân thành công và duy trì được, mặc dù trước đó họ đều đã thử những chế độ ăn ít năng lượng khác.
Động cơ ô tô chỉ có thể chạy được nếu đổ xăng hoặc dầu diesel; tương tự như vậy, nhiên liệu để cấp năng lượng cho cơ thể con người chỉ có thể từ hai nguồn chính: hoặc là đường (tinh bột vào cơ thể cũng nhanh chóng chuyển hóa thành đường) hoặc là chất béo. Đây chính là điểm khác biệt quan trọng. Chế độ ăn kiêng truyền thống (mình tự đặt tên nó là Trường phái ăn kiêng kham khổ) thường giảm tuyệt đối calories nhưng vẫn giữ lượng carbonhydrates cao (chính là đường); và thế là suốt ngày rơi vào cái vòng luẩn quẩn đường “cao” (đường thừa thường được trữ trong mỡ của cơ thể) hoặc đường “thấp” – mặt mũi xanh lớt, thiếu sức sống, dễ mệt mỏi, thậm chí là ngất xỉu, và khủng khiếp nhất là phải chịu đựng cơn đói triền miền, lúc nào cũng thèm tinh bột và đường. Mình là thuộc dạng này. Như thế, thì nên gọi là hành xác chứ khó có thể gọi là một chế độ giảm cân lành mạnh được.
Ông Atkins tư duy khác, khi mà giới hạn tiêu thụ carbohydrates (đường), thì buộc cơ thể phải đốt cháy mỡ trong chính cơ thể ta để làm nhiên liệu sống. Chế độ này giúp cho cơ thể vẫn được tiếp nhiên liệu đều đặn mà vẫn giảm được cân ngay cả khi bạn nạp nhiều calories hơn. Như thế bạn vẫn duy trì được năng lượng suốt cả ngày, ít cảm thấy đói cồn cào hơn. Ngay cả khi bạn ăn no bạn vẫn có thể giảm cân. Và có 80 nghiên cứu khoa học đã chứng minh cơ sở khoa học cho các nguyên tắc mà Atkins đưa ra.
Nhưng nếu đã nhịn ăn đường (cơm, cháo, bún, bánh gì thì đều sẽ chuyển hóa thành đường hết) thì vấn đề là calories đấy đến từ nguồn nào? Câu trả lời là: Calories sẽ đến từ những chất béo tốt mà bạn ăn vào; tất nhiên là không phải dầu thực vật ép nóng thông thường, mà là dầu dừa và dầu olive- vua và hoàng hậu trong thế giới của các loại dầu; một lựa chọn không hoàn hảo lắm nhưng cũng ít tệ hại hơn, đó là mỡ động vật. Chúng đều thuộc nhóm chất béo bão hòa (saturated fat) và vô hại; trong không tệ hại như những gì nhóm lợi ích từ các tập đoàn dầu ăn dùng truyền thông đầu độc người tiêu dùng mấy chục năm nay.
Chế độ ăn kiêng Atkins là một chu trình gồm 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1 Làm quen (Induction): 2 tuần đầu tiên. Mỗi ngày tiêu thụ dưới 20 gram carb thôi. Ăn những loại thực phẩm giàu chất béo, giàu protein, và các loại rau low-carb như là các loại rau lá xanh. Thế là đã bắt đầu giảm cân rồi đấy.
Giai đoạn 2 Cân bằng (Balancing): Bổ sung thêm các loại hạt (trừ lạc – vì hạt lạc có mầm mống gây ra ung thư), các loại rau xanh, và một chút ít trái cây.
Giai đoạn 3 Tinh chỉnh (Fine-tuning): Khi gần đạt được đến cân nặng lý tưởng mà bạn mong muốn, thêm một ít tinh bột (carb) vào chế độ ăn hàng ngày để làm giảm tốc độ giảm cân lại.
Giai đoạn 4 Duy trì (Maintainance): Bạn có thể ăn nhiều hơn các loại carbs theo giới hạn chịu đựng của cơ thể mà không gây tăng cân.
Ăn cái gì và tránh ăn cái gì?
Theo Atkins, bạn nên tránh xa những thứ sau (đặc biệt trong giai đoạn làm quen):
– Đường: Nước ngọt, trái cây, bánh kẹo, kem…
– Ngũ cốc: Bột mỳ, gạo, yến mạch…
– Dầu thực vật: Dầu đậu này, dầu ngô, dầu canola, dầu hạt bông…
– Các loại chất béo chuyển hóa (trans-fats): thường có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn.
– Thức ăn có nhãn “ăn kiêng” “ít béo” thì lại thường nhiều đường.
– Các loại rau củ high-carb như:?: Cà rốt, củ cải (giai đoạn làm quen thôi).
– Các loại trái cây high-carb: Chuối, táo, cam, lê, nho (cũng chỉ giai đoạn làm quen thôi).
– Tinh bột: Khoai tây, khoai lang (cũng chỉ giai đoạn làm quen thôi)
– Các loại cây họ đậu.
Thế thì biết phải ăn cái gì??
– Rất nhiều thứ để bạn ăn:
– Các loại thịt: Bò, Cừu, Gà, Dê……tuy nhiên mình nghĩ không nên ăn thịt muối (bacon) và các loại thịt chế biến.
– Các loại cá và hải sản béo: Nhất là cá hồi (Salmon) và cá mòi, hoặc các loại cá da trơn như cá basa.
– Trứng là một nguồn bổ sung năng lượng quan trọng, rất giàu Omega-3.
– Rau low-carb: Rau cải, măng tây, súp lơ xanh, cải xoăn (kale)…
– Các chế phẩm từ sữa, nhưng là loại full-fat: Bơ, phó mát, kem (cream, chứ không phải ice cream nhé), sữa chua (tất nhiên là loại không đường) và cả Ghee nữa.
– Các loại hạt: Hạnh nhân, hạt mác ca, óc chó, hạt dưa, hạt bí…
– Các loại chất béo tốt: Dầu olive extra virgin, dầu dừa, trái bơ và dầu trái bơ.
Nói tóm lại, rất nhiều người Việt đang hiểu sai về Low Carb. Hãy cứ hình dung như thế này: Cơ thể bạn là một cái ô tô và nó cần phải chạy trên đường giống như bạn vẫn cần phải làm việc hàng ngày chứ không nằm nhà được, ô tô thì bạn chọn hoặc đổ xăng A95 hoặc dầu diesel (tùy vào “động cơ” – tức là cơ chế trao đổi chất (metabolism) của bạn thích hợp với loại nào, tương tự, bạn cần cùng cấp cho cơ thể: hoặc là đường – hoặc là chất béo để tạo ra năng lượng sống. Nếu bạn chọn cắt giảm đường, thì tức là bạn không còn cách lựa chọn nào khác ngoài cung ứng cho cơ thể đủ lượng chất béo tốt để “cái xe” có thể vẫn chạy đến cơ quan hàng ngày và làm việc, đi chơi, và làm đủ thứ việc khác… Nếu cắt giảm cả 2 nguồn nhiên liệu trên, thì đúng là bạn giảm cân nhanh thật, nhưng mà là giảm cân để chờ chết, vì chẳng một cơ thể nào chịu đựng được sự hành hạ tàn bạo quá lâu như thế cả.
Theo facebook Hoàng Huy
Xem thêm:
Từ khóa Ăn kiêng thực phẩm Mẹo giảm cân chế độ ăn kiêng Atkins