Hôm thứ Sáu (29/11), các nhà lập pháp Anh đã bỏ phiếu hợp pháp hóa bước đầu cho Dự luật Trợ tử (assisted suicide bill) mà phe phản đối gọi là “trợ giúp tự tử”. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (Đảng Cộng hòa) gọi đây là ngày đáng buồn và xấu hổ cho thế giới nói tiếng Anh.

Tro tu
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Sau cuộc tranh luận sôi nổi, Hạ viện Anh đã thông qua Dự luật Trợ tử với số phiếu 330 thuận và 275 chống, cho phép trợ tử cho những người ở Anh và xứ Wales được chẩn đoán mắc bệnh nan y và chỉ còn sống được 6 tháng hoặc ít hơn.

Phương pháp này hiện sẽ được gửi đến các ủy ban quốc hội để tiếp tục tranh luận và xem xét, trước khi có thể quay trở lại Hạ viện để bỏ phiếu lần nữa. Có thể sẽ mất nhiều tháng trước khi dự luật trở thành luật.

Dự luật Trợ tử của Anh yêu cầu sự chấp thuận của hai bác sĩ, rằng bệnh nhân phải được coi là có đủ năng lực tinh thần để đưa ra lựa chọn, và sự chấp thuận của một thẩm phán để được bác sĩ trợ tử.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Tư (4/12), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Johnson nói:

“Một sự thật lâu đời là y học luôn phải chữa lành và không bao giờ gây hại, nhưng Vương quốc Anh vừa tham gia cùng Canada trong việc bóp méo định nghĩa về y học, và đưa ngôn ngữ của Orwell về việc trợ tử trở thành luật.”

“Bất kỳ xã hội nào từ chối sự thật về cuộc sống như một món quà từ Đấng Sáng thế và chấp nhận một nền văn hóa chết chóc là một xã hội đang trong quá trình sụp đổ”, ông Johnson nói. “Cái gọi là trợ tử gây nguy hiểm cho những người yếu đuối và yếu thế trong xã hội, phá hoại nền y học và làm xói mòn nghĩa vụ của chúng ta đối với gia đình. Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng người dân Vương quốc Anh sẽ hành động thông qua các biện pháp dân chủ và đảo ngược luật đó.”

Trợ tử, hay hỗ trợ y tế cho chết, là hợp pháp dưới nhiều hình thức khác nhau tại một số bang ở Hoa Kỳ. Theo tổ chức phi lợi nhuận Compassion & Choices, tổ chức ủng hộ trợ tử, việc hỗ trợ y tế cho chết có sẵn tại 10 tiểu bang và tại Quận Columbia.

Ông Johnson không cam kết hoặc loại trừ hành động của liên bang về vấn đề này.

“Tôi đoán chúng ta sẽ có những cuộc thảo luận về vấn đề đó”, ông nói, nhưng nói thêm rằng “chúng ta không có bất kỳ luật nào được lên kế hoạch vào lúc này”.

“Nhưng nó sẽ phải là một phần của cuộc đối thoại trong tương lai, bởi vì khi xu hướng đó tiếp tục, tôi nghĩ chúng ta cần phải đứng lên vì tôn trọng đối với sự sống,” Johnson nói.

Cụm từ “ngôn ngữ của Orwell” mà ông Johnson dùng ở trên, xuất xứ từ việc Orwell – tác giả của cuốn 1984 nổi tiếng – từng nói: “Ngôn ngữ chính trị… được thiết kế để khiến lời nói dối nghe có vẻ chân thực và kẻ giết người trở nên đáng kính, và để tạo vẻ ngoài vững chắc cho cơn gió thuần túy”. Nói cách khác, một số ngôn ngữ chính trị (tuyên truyền) sử dụng từ ngữ và cụm từ để che giấu sự thật xấu xí. Orwell đã thấy trước cách các chính trị gia nói dối và lừa gạt để duy trì quyền lực, sử dụng từ ngữ để bóp méo nhiều hơn là để đưa thông tin, không phải để truyền đạt ý nghĩa mà là để làm lệch lạc nó.

Ông Trevor Stammers – cựu Phó Giáo sư về Đạo đức sinh học và Giám đốc Trung tâm Đạo đức sinh học và Công nghệ mới nổi tại Đại học St Mary, Vương quốc Anh, từng làm bác sĩ lâm sàng trong hơn 30 năm – cũng nhắc đến câu nói này của Orwell.

Ông cho rằng những người mà thúc đẩy chương trình nghị sự, hay nói thẳng ra là muốn Vương quốc Anh hợp pháp hóa việc các bác sĩ có thể kê đơn thuốc gây tử vong để giúp bệnh nhân tự tử, có lịch sử ‘biến hình’ ngôn ngữ của họ.

Việc chuyển đổi vào năm 2006 từ ‘Hiệp hội An tử Tự nguyện’ sang ‘Phẩm giá trong Cái chết’ là một động thái thông minh, nếu không muốn nói là không thể bàn cãi của những người này.

Ông nói dần dần, họ chuyển những thuật ngữ tranh luận mà từ đó, các câu hỏi được đặt ra trong các cuộc khảo sát công khai, ví như từ “trợ giúp tự tử” tới “trợ tử” là một nước cờ khôn ngoan khác.

Ví như thay vì họ hỏi “Bạn có nghĩ các bác sĩ nên có quyền giúp bệnh nhân tự tử hay không?”, thì họ hỏi là “Bạn có ủng hộ việc trợ tử không?”

Ngoài ra, việc lập lờ số liệu ủng hộ dự luật cũng là một chiêu trò nổi tiếng khác của họ.

Ông Trevor Stammers đưa ra số liệu rằng có khoảng 192 quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ có 24 khu vực pháp lý ở 12 quốc gia hợp pháp hóa việc hỗ trợ tự tử (hoặc ít nhất là phi hình sự hóa nó). Chỉ có 7 nơi này (Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Tây Ban Nha, Canada, Colombia và Tây Úc) hợp pháp hóa an tử hay còn gọi là hỗ trợ tự tử.

Ông cho biết thêm, có vẻ như không có danh sách cập nhật nào về các khu vực pháp lý đã thông qua luật trợ giúp tự tử hoặc an tử. Con số này được ông trích từ bài viết trên trang AME và các nguồn internet khác.

Vậy nên, chỉ có khoảng 10% quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc hỗ trợ tự tử, mặc dù số người đã chết vì nó tại những quốc gia đó gần đây được ước tính là 200 triệu người, chiếm khoảng 2,5% dân số thế giới.

Trên ‘Bản đồ Luật Trợ tử trên toàn Thế giới’ của Humanists UK, một tổ chức ủng hộ luật này ở Anh, cho thấy trợ tử hay một hình thức của an tử là hợp pháp tại 67 quốc gia – nghe có vẻ như hơn 1/3 quốc gia trên thế giới cho phép trợ tử hoặc an tử.

Tro tu
‘Bản đồ Luật Trợ tử trên toàn Thế giới’ của Humanists UK

Làm thế nào có sự chênh lệch thống kê lớn đến thế?

Đó là vì bản đồ này đã bao gồm các quốc gia cho phép cái gọi là “an tử thụ động tự nguyện”. Họ giải thích đó là việc ngừng điều trị hoặc từ chối điều trị y tế để duy trì sự sống, cuối cùng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, có bao nhiêu người hiểu được là chết kiểu như thế không có gì gọi là ‘an tử’ cả? Vì ‘trợ tử’ nghĩa là các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc làm chết người, chứ không phải bệnh nhân từ chối điều trị để được chết một cách tự nhiên.

Do vậy, khi những người ủng hộ Dự luật Trợ tử thống kê thêm cả cái gọi là “an tử thụ động tự nguyện” này vào, thì con số các quốc gia hợp pháp hóa Luật Trợ tử mới tăng vọt lên thành hơn 1/3 quốc gia trên thế giới, từ đó che khuất bức tranh thực sự.

Họ thậm chí còn nhầm lẫn khi đưa cả Trinidad, Tobago và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất vào cả 2 danh sách: Vừa thuộc các quốc gia mà “trợ tử là bất hợp pháp”, vừa thuộc các quốc gia cho phép “một dạng của an tử thụ động tự nguyện”.

Ông Stammers nói, tổ chức Humanists UK khoe khoang rằng họ tìm kiếm “hiểu thế giới bằng logic, lý trí, và bằng chứng” – tựu chung là bằng ‘sự thật’. Nhưng thực tế là không có nhiều sự thật lắm trong cách mà họ quảng bá cho việc trợ tử, thật giống như nhận định của Orwell.

Tuyết Mai (t/h)