Erythritol – Chất thay thế đường phổ biến có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn
- Tú Liên
- •
Erythritol – một loại chất thay thế đường được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm không đường và ít calo như kẹo, kẹo cao su không đường, nước ngọt, nước súc miệng, kem, thanh protein, sản phẩm ăn kiêng keto v.v. có thể không vô hại như nhiều người vẫn nghĩ.
Theo tuyên bố của các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado, một lượng nhỏ erythritol – được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận từ năm 2001 – có thể gây hại cho các tế bào mạch máu não và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Erythritol là một loại rượu đường (sugar alcohol), chủ yếu được sản xuất bằng cách lên men ngô.
Trong tuyên bố ngày 14/7, các nhà nghiên cứu cho biết rằng sau khi được xử lý trong vòng 3 giờ với lượng erythritol tương đương “một ly nước ngọt không đường điển hình”, các tế bào lót bên trong mạch máu não của người đã bị ảnh hưởng theo nhiều cách.
Cụ thể, các tế bào này “giảm đáng kể việc sản xuất nitric oxide” – một chất có tác dụng làm giãn mạch máu – đồng thời tăng sản xuất một loại protein gây co mạch não. Ngoài ra, tế bào não được xử lý với erythritol cũng tăng tạo ra các gốc tự do, có thể gây phản ứng viêm và thúc đẩy lão hóa mô.
Giáo sư Christopher DeSouza, chuyên ngành sinh lý học tích hợp tại Đại học Colorado và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: Phát hiện này bổ sung vào nhiều bằng chứng ngày càng tăng cho thấy các chất tạo ngọt không calo, vốn được cho là an toàn, có thể không hoàn toàn vô hại về mặt sức khỏe.
Ông lưu ý rằng nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng sử dụng một lượng erythritol tương đương khẩu phần ăn thông thường. Điều đó có nghĩa là nếu một người tiêu thụ nhiều khẩu phần mỗi ngày, nguy cơ gặp tác dụng phụ có thể cao hơn. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu này chỉ mới được thực hiện trong phòng thí nghiệm trên tế bào, và cần có nghiên cứu quy mô lớn hơn trên người.
Giáo sư DeSouza khuyên người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm có chứa erythritol và kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm.
Vào năm 2023, FDA từng lưu ý rằng erythritol là “một thành phần thực phẩm tương đối mới”, xuất hiện tự nhiên trong một số thực phẩm như nấm. Chất này được sử dụng làm chất tạo ngọt từ năm 1990 và cũng đã được chấp thuận tại Nhật Bản, Úc, New Zealand, Canada, Brazil và Mexico.
Nghiên cứu từ Đại học Colorado không phải là nghiên cứu đầu tiên liên hệ erythritol với các vấn đề tim mạch.
Một bài báo do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) công bố vào tháng 3/2023 cho thấy: “Nồng độ erythritol trong máu cao hơn có liên quan đến nguy cơ đau tim và đột quỵ tăng lên”, tuy nhiên cũng lưu ý cần thêm nhiều nghiên cứu khác để xác nhận.
Một nghiên cứu khác của Cleveland Clinic vào tháng 8/ 2024 cũng cho thấy có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ erythritol và nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Erythritol khiến tiểu cầu hoạt động mạnh hơn, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Trong khi đó, đường glucose không có tác dụng này.
Từ khóa đột quỵ erythritol
