Tại Kế hoạch số 196/KH-UBND, TP. Hà Nội đặt ra 8 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn. Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản và thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân, TP. Hà Nội yêu cầu thanh toán dứt điểm các hợp đồng đang nợ đọng, chấm dứt tình trạng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

1280px UBND thành phố Hà Nội
Trụ sở Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội. Ảnh Wikipedia/ Linhcandng.

Ngày 24/07, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND nhằm triển khai Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân.

Kế hoạch đưa ra 8 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân, bao gồm: 1) Đổi mới tư duy, thống nhất về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khí thế phát triển kinh tế tư nhân; 2) Cải cách thể chế, bảo đảm quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; 3) Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực đất đai, vốn, nhân lực; 4) Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả bền vững trong kinh tế tư nhân; 5) Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp (tư nhân, nhà nước, FDI); 6) Hình thành và phát triển các doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa và lớn, tầm cỡ khu vực và toàn cầu; 7) Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; 8) Đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Kế hoạch được giao cho các Sở chủ trì, phối hợp theo chiều dọc (với các Bộ ngành), chiều ngang (giữa các đơn vị trực thuộc Hà Nội) với hạn báo cáo ngày 15 hàng tháng và ngày 1 tháng 12 hàng năm.

Đáng chú ý, tại nhóm giải pháp bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân, TP. Hà Nội giao cho Sở tài chính chủ trì, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện thanh toán dứt điểm các hợp đồng đang nợ đọng, chấm dứt tình trạng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; kịp thời bố trí vốn thanh toán nợ cho các nhà thầu thực hiện các dự án vốn ngân sách nhà nước sau khi quyết toán dự án hoàn thành.

Về giải pháp tăng cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân, Hà Nội đề nghị sửa đổi Nghị định 108/2024/NĐ-CP theo hướng bổ sung cơ chế miễn giảm chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương.

Trong nhóm giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân, Hà Nội đề xuất cơ chế thử nghiệm thành lập sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng để kết nối trực tiếp doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với cá nhân, tổ chức tài trợ vốn.

Trong kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tâm cỡ khu vực và toàn cầu. Trong nhóm giải pháp này, Hà Nội đề nghị rà soát pháp luật đấu thầu và sửa đổi theo hướng bổ sung các quy định đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, các chính sách ưu đãi khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm, nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, hạ tầng số, giao thông xanh, công nghiệp quốc phòng, an ninh,…).

Về pháp luật đầu tư, Hà Nội đề nghị sửa đổi theo hướng đa dạng hóa các hình thức hợp tác công tư, lãnh đạo công – quản trị tư, đầu tư công – quản lý tư, đầu tư tư – sử dụng công.

Nguyên Hương (t/h)