Đóng góp của Lê Văn Duyệt cho sự trù phú của vùng đất Nam bộ
- Trần Hưng
- •
Lê Văn Duyệt được coi là đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn, là người văn võ song toàn, uy nghi lẫm liệt, lại có đức độ cương trực của con nhà tướng. Ông đã có đóng góp rất lớn cho sự trù phú của vùng đất Nam bộ.
Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân 1764 tại Cù Lao Hổ, cạnh vàm Trà Lọt, nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang. Ông gặp Nguyễn Phúc Ánh trong một lần Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi. Bấy giờ cha Lê Văn Duyệt là ông Lê Văn Toại đã cưu mang khi Nguyễn Ánh đến Tiền Giang, sau đó lại cho Lê Văn Duyệt đi theo phụ tá.
Lê Văn Duyệt dần dần thể hiện tài cầm quân của mình, trở thành Tả tướng quân. Năm 1801, ông lập công lớn khi tham gia đánh bại quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại. Việc thủy quân hùng mạnh của nhà Tây Sơn sụp đổ đã dẫn đến thất bại của Tây Sơn sau này. Trận đầm Thị Nại được xem là “võ công đệ nhất” của nhà Nguyễn.
Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vua, hiệu là Gia Long. Lê Văn Duyệt nhờ lập nhiều công lao nên được xếp vào hàng đệ nhất công thần với nhiều đặc ân như “nhập triều bất bái” tức vào chầu Vua không phải lạy, “chém trước tấu sau”. Ông lãnh chức kinh lược Thanh Hóa, Nghệ An.
Năm 1812, ông làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ Cao Miên, được trao uy quyền như một vị phó Vương, cai quản cả vùng Gia Định.
Lúc này dải đất từ Bình Thuận đến Cà Mau chưa được khai phá hết, nhiều nơi đi lại còn khó khăn. Lê Văn Duyệt chiêu mộ dân chúng khai phá lập ấp, tạo nên những cánh đồng phì nhiêu, thôn ấp trù phú, dân cư đông đúc. Nhiều vùng đất ông cho rửa mặn và tiêu úng, trở thành những cánh đồng lúa tươi tốt.
Ông cũng tâu lên vua Gia Long cho đào kênh Vĩnh Tế. Trong 5 năm đào con Kênh này, ông đã huy động 90.000 dân (cả người Việt và người Cao Miên), giao cho Nguyễn Văn Thoại trực tiếp phụ trách.
Kênh Vĩnh Tế được đào xong giúp xác lập chủ quyền và phòng thủ biên giới phía tây; việc giao thương vận chuyển hàng hóa và đi lại vô cùng thuận lợi; giúp tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng.
Lê Văn Duyệt còn có các chính sách thu hút người nước người và phương Tây đến đây giao thương, cho phép người Hoa được nhập cư vào Gia Định nhằm phát triển thương mại, biến Chợ Lớn thành trung tâm thương mại sầm uất nhất lúc bấy giờ.
Tàu buôn của Trung Quốc, Mã Lai, các nước lân bang, cùng phương Tây thường đến Gia Định mua bán trao đổi hàng hóa. Chẳng mấy chốc Gia Định trở thành vùng đất trù phú, phát triển vượt bậc về thương nghiệp và nông nghiệp, là nơi giàu có nhất và là vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Năm 1821, Ấn Độ đang là thuộc địa của Anh, Toàn quyền Ấn Độ lúc đó là Lord Hastings đã cử Crawfurd đến Xiêm (nay là Thái Lan) và Việt Nam để tìm hiểu chính sách của các nước này đối với phương Tây.
Sau khi đến Xiêm, Crawfurd đã đến Việt Nam. Ông đánh giá người Việt thân thiện và dễ mến hơn. Ông mô tả lại chuyến đi của mình:
“Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng.”
“Dinh Tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được Tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây.”
“Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp.”
Phan Thanh Giản khi đến Gia Định cũng phải bất ngờ trầm trồ:
“Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến, dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt.”
Lê Văn Duyệt được ca ngợi là Tổng trấn tài năng và đức độ, giỏi trị quốc an dân. Ngoài việc chăm lo đời sống cho dân chúng, ông cũng trừng trị nặng các tham quan. Khi được lệnh đánh dẹp các cuộc nổi dậy, ông chủ trương dụ hàng, thu phục là chính. Được giao cho trông coi cả vùng đất Nam bộ, quyền uy của Lê Văn Duyệt rất lớn, lòng người kính phục và thường gọi ông là “Thượng công”.
Năm 1832, Lê Văn Duyệt mất, thọ 69 tuổi. Dân chúng góp công sức tiền của xây dựng khu mộ và đền thờ ông thật trang hoàng và rộng lớn, gọi là lăng Lê Văn Duyệt, Thượng Công miếu, hay Lăng Ông. Ngày nay Lăng Ông vẫn còn dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, rộng 18.501 m² nằm gần chợ Bà Chiểu.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Tả quân Lê Văn Duyệt trong hồi ký của John White và John Crawfurd
- Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu: Một tình bạn đẹp
Mời xem video:
Từ khóa Lê Văn Duyệt Nam Bộ nhà Nguyễn