Hôm qua ra phố, lần đầu tiên nhìn thấy bảng hiệu có dòng chữ “Phường Sài Gòn” ở một cơ quan công quyền. Cảm giác của tôi là hờ hững, dửng dưng, không buồn, không vui. Tôi có một Sài Gòn riêng, với cả thế giới tuổi thơ, thời đi học, thời biến động, biết bao thế thái nhân tình,… Sài Gòn đó không có chữ “phường”. Vô cảm như đọc tin tham nhũng mà báo chí giựt tít câu view. Với tôi, chỉ có người lộ và chưa bị lộ. Cảm xúc làm gì!

Nhưng khi Phú Yên, Bình Định mất thân phận, tôi tiếc. Buột miệng: “Chết mẹ, Nẫu của tôi rồi!”.

Tôi không phải dân Nẫu, nhưng thích giọng Nẫu, nhất là nghe mấy bà Nẫu càm ràm chồng, cái giọng đều đều, trơn tru, nửa cải lương, nửa tuồng cổ. Nghe thấy đã lỗ tai, dù chẳng hiểu con… mẹ gì hết.

Giọng Nẫu Phú Yên dễ nghe, ra tới Bình Định thì khác. Nẫu Quy Nhơn cũng tương đối dễ nghe vì dân nơi đây xa cạ khắp chốn. Càng đi ngược lên phía Bắc, ráp giới Quảng Ngãi, giọng Nẫu rất khó nghe, có khi tôi phải nhờ tới… thông dịch.

Nẫu là tiếng dân dã để chỉ người dân ở hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Bây giờ cả hai phải đổi sang họ mẹ, sống thời mẫu hệ cho có nhơn quyền phái tính hơn, cho bọn DEI ở Mỹ biết sợ.

Nẫu, kẻ đổi họ Daklak, người đổi họ Gia Lai. Đổi gì tôi cũng mặc kệ, nhưng tôi nhất định không gọi là giọng Nẫu Daklak hay giọng Nẫu Gia Lai. Với tôi, chỉ có giọng Nẫu Phú Yên và giọng Nẫu Bình Định.

Đi đâu cũng giữ cho được giọng Nẫu. Bài hát nào tôi không nhớ, có câu: “…Bậu đi xứ khác Qua rầu lắm nghen!”

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời bạn đọc tìm mua các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành:

Xem thêm:

Mời xem video: