Tại sao Zelensky phải thỏa hiệp trong vụ luật tham nhũng? — Pravda
Chính sức ép từ các đối tác phương Tây mới là nhân tố then chốt khiến Zelensky phải thỏa hiệp, chứ không phải là “biểu tình bìa cứng” của hàng vạn người dân Ukraine diễn ra trên toàn quốc, đó là kết luận của một bài xã luận của Pravda.
Sân khấu chính trị Kiev tuần qua đã trình diễn cho thế giới xem một màn diễn ngoạn mục. Ngày 22/7 phe “Những Đầy tớ của Nhân dân” đã vội vã tìm cách thông qua đạo luật tước bỏ tính độc lập của cơ quan chống tham nhũng. Ngày 24/7, chỉ 2 hôm sau đó, Zelensky buộc phải thỏa hiệp với việc đưa ra một dự luật khác, dự luật mà ông tuyên bố sẽ khôi phục lại tính độc lập này.
Tại sao?
Trong nhiều năm nay “đã có một lệnh tạm dừng trên thực tế các chỉ trích nhắm vào Ukraine” trong giới chính khách phương Tây, theo bài xã luận, dẫn đến việc các đối tác phương Tây ấy thường xuyên im lặng và làm ngơ, về những vấn đề dân chủ của Kiev, điều đó đã khiến Zelensky táo bạo dần dần qua thời gian, và vào hôm 22/7, sau khi triển khai thủ đoạn lật tay thành mây úp tay thành mưa ở Quốc hội, ông ta đã ký luật xóa bỏ tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng.
Nhưng mà, khác với những lần trước khi phương Tây im lặng, thì lần này phương Tây, những người chèo chống cho chính quyền Kiev hơn một thập kỷ qua, đã lên tiếng.
Tại sao có sự khác biệt này?
Bởi vì các cơ quan chống tham nhũng đó cũng chính là do phương Tây xúc tiến thành lập, chúng nằm trong các cơ cấu ‘hậu Maidan’, để giám sát các khoản đầu tư của phương Tây, đồng thời cũng là phương thức cân bằng quyền lực với chính phủ (mà chính phủ cũng là phương Tây hậu thuẫn) để điều tiết nội chính của Ukraine.
“Democracy dies in darkness”
Tiêu đề của bài xã luận của Pravda — “Im lặng sẽ giết chết dân chủ” — dường như là lấy từ cảm hứng của khẩu hiệu “democracy dies in darkness” (dân chủ chết trong bóng tối/im lặng/thờ ơ) của một tờ báo cảnh tả của Mỹ. Pravda ghi rõ rằng bài xã luận này là bài của Ban Biên tập tòa báo, được viết ra bởi sự ủng hộ của tất cả nhà báo của cơ quan này.
Các cuộc “biểu tình bìa cứng” toàn quốc ở Ukraine đã lắng xuống (biểu tình mà trong đó người ta viết thông điệp trên bìa carton), và nay là lúc nhìn lại và đúc kết những gì bột phát ở Ukraine trong tuần qua. Theo Pravda Ukraine nhận định, thì chính tiếng nói của các chính khách và tổ chức Âu Mỹ, những người đang chèo chống Kiev bằng các khoản tiền bạc và súng đạn, mới là tiếng nói quyết định xoay chuyển tình thế.
“Đừng phóng đại ảnh hưởng từ đường phố,” bài xã luận cho rằng ảnh hưởng của hàng vạn người dân Ukraine biểu tình trên toàn quốc nhiều ngày qua kỳ thực không lớn như cảm nhận qua các video và hình ảnh trên mạng xã hội, mặc dù “có thể khẳng định chắc chắn rằng các cuộc biểu tình đó không phải là xuất phát từ [đấu đá] đảng phải, hay mang động cơ chính trị; mà là vì nhiều người dân Ukraine không thể chấp nhập được đe dọa từ đạo luật” lấy đi tính độc lập của một số cơ quan chống tham nhũng.
“Xét cho cùng, tổng thống đã ký luật đó, và không đếm xỉa đến thực tế rằng cuộc biểu tình đã bắt đầu,” tờ báo chỉ ra rằng ông Zelensky ký luật vào đêm 22/7, sau khi biểu tình đã bắt đầu từ tối 21/7 tại trung tâm thủ đô Kiev.
Theo xã luận, đây là một sự thật ít được nói ra công khai: “kể từ năm 2022, đã có một lệnh tạm dừng trên thực tế các chỉ trích nhắm vào Ukraine.” Chỉ có một số rất ít các chính khách phương Tây —bài xã luận nêu ví dụ điển hình là Thủ tướng Viktor Orban của Hungary— mới nhiều lúc chỉ ra những khuyết điểm của chính quyền Kiev. Nhưng mà “các nhà lãnh đạo chủ lưu là kiên trì tuân thủ điều lệnh bất thành văn đó.”
“Thậm chí, nhiều chính khách của Châu Âu cho rằng chỉ trích Kiev kể cả trong các bối cảnh không công khai như các cuộc họp hay đàm phán thì cũng là không phù hợp,” Pravda, tờ báo theo sát tình hình chính trị ở Kiev, viết trong bài xã luận.
“Bởi vì đây là thời gian chiến tranh. Bởi vì chúng ta không thể để lọt quân bài nào cho kẻ thủ của Ukraine. Bởi vì Kiev phải được hỗ trợ trong mọi điều kiện.”
- Chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine biến mất trên truyền thông phương Tây kể từ năm 2022. Trước đó, các kênh như BBC, CNN, v.v. đều có các báo cáo về vấn đề này, với phóng viên tới tận nơi phỏng vấn và báo cáo.
- Chính quyền Zelensky đàn áp Kitô giáo, nhưng chuyện này chưa từng được báo cáo nghiêm túc trên truyền thông phương Tây.
- Tệ nạn bắt lính chỉ được báo cáo hời hợt trên các kênh truyền thông phương Tây, mà cũng chỉ là sau khi các video và hình ảnh về chúng đã tràn ngập trên mạng xã hội.
- Các tiếng nói chỉ trích Ukraine thường xuyên bị chụp mũ là “bợ đít Nga”. Mà đã là “bợ đít Nga” thì cũng bị suy diễn ra là “bợ đít Trung Quốc cộng sản” v.v. Với một bộ luận điệu kiểu như không giúp Zelensky thì là ủng hộ Putin. Mà ủng hộ Putin thì là ủng hộ Tập Cận Bình. Điên đảo thị phi, đổi trắng thay đen.
Trong bài viết với tiêu đề “Giải thích: Việc Zelensky đàn áp các cơ quan chống tham nhũng có liên quan gì đến ảnh hưởng của Nga không?”, Kyiv Independent đã giải thích rõ ràng rằng đạo luật gây tranh cãi hôm 22/7 hoàn toàn không liên quan gì tới cái mà Zelensky tuyên bố là “ảnh hưởng của Nga” gì cả. Cái “ảnh hưởng của Nga” thuần túy là cái cớ của Zelensky mà thôi, là để biện minh cho hành động của ông ta.
Thủ đoạn ở Quốc hội của “Những Đầy tớ của Nhân dân” hôm 22/7 là chưa từng có
Kyiv Independent có bài giải thích rất minh bạch về màn diễn hôm 22/7.
Theo luật Ukraine, mỗi dự luật cần được thông qua thủ tục đệ trình lên Quốc hội. Nó sẽ được đọc 2 lần ở Quốc hội và cần phải được Quốc hội thông qua 2 lần đó. Sau đó sẽ được đưa lên tổng thống ký. Tổng thống sẽ ký thành luật hoặc dùng quyền phủ quyết (veto) trong vòng 30 ngày. Giữa 2 lần đọc trước quốc hội, phe đề xuất dự luật ấy có thể chỉnh sửa.
Đó là luật của Ukraine là vậy.
Dự luật này ban đầu là dự luật “Về những đặc điểm của cuộc điều tra trước khi xét xử các tội phạm hình sự liên quan đến sự mất tích của những người mất tích trong những trường hợp đặc biệt theo thiết quân luật.”
Tức là hoàn toàn không liên quan tới vấn đề chống tham nhũng. 100% hoàn toàn không liên quan.
Nó đã được thông qua sau lần đọc thứ nhất ở Quốc hội vào tháng 1 năm nay.
Đột nhiên, ngày 22/7, nhóm lập pháp làm ra dự luật này —thuộc đảng “Những Đầy tớ của Nhân dân” của Zelensky— đề xuất ra chỉnh sửa, trong đó có phần đặt các hoạt động của cơ quan chống tham nhũng như NABU và SAPO dưới quyền giám sát của Tổng công tố.
Đây hiển nhiên là một chỉnh sửa lớn, làm thay đổi toàn bộ diện mạo của dự luật. Thay đổi nền tảng tư pháp, thì riêng phần chỉnh sửa đó tách ra là có thể trở thành một dự luật mới.
Bản chỉnh sửa này được trình lên Quốc hội, được Quốc hội thông qua lần 2, sau đó được đưa lên tổng thống, và ông Zelensky ký nó trở thành luật vào đêm 22/7.
Luật mới có hiệu lực bắt đầu từ 23/7.
Theo tính toán của Kyiv Independent thì kể từ đọc lần 2 trước Quốc hội cho đến khi được ký trở thành luật, thì mới khoảng 12 giờ đồng hồ.
Chưa từng bao giờ có điều như vậy xảy ra ở Ukraine.
Theo Pravda báo cáo, hôm đó, 22/7, đã có những nghị viên Quốc hội quá bất mãn trước thủ đoạn trắng trợn này, và yêu cầu phế truất Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk.
Tại sao Zelensky lại vội vã ký luật như vậy hôm 22/7?
Pravda đã có bài viết với tựa đề “Đánh chúng ta vào ban đêm là người Nga. Đánh ban ngày là họ” để giải thích về việc tại sao Zelensky quyết định đập người chống tham nhũng thay vì đập người tham nhũng.
Theo Pravda lúc mới nhậm chức, ông Zelensky rất ủng hộ cơ quan chống tham nhũng, rất ủng hộ tính độc lập của họ.
“Chúng tôi, với tư cách là những người đại diện cho xã hội, tôi, với tư cách là tổng thống đắc cử, thực sự muốn các bạn biết rằng tay các bạn không bị trói buộc… Chúng tôi thực sự muốn tất cả các quan chức tham nhũng cấp cao phải nhận những bản án xứng đáng,” Zelensky nói khi tới thăm NABU vào ngày 28/10/2019.
Tại sao Zelensky “quay xe” như vậy? Và khi nào xảy ra điều đó?
Pravda tường thuật chi tiết về 3 vụ tham nhũng mà NABU thực hiện gần đây, mà đối tượng bị điều tra đều là thân tín nhiều năm của Zelensky: Oleksiy Chernyshov, Rostislav Shurma, và Timur Mindich.
Trong đó Mindich, người đồng sở hữu hãng phim Kvartal-95, là người rất thân với Zelensky.
Cách làm này của NABU đã đặt Zelensky vào lựa chọn: Chọn đứng về cơ quan chống tham nhũng, hay đứng về người tham nhũng.
Và việc Zelensky ký vào luật đêm 22/7 chính là câu trả lời.
Nhật Tân
Từ khóa Ukraine Dòng sự kiện Volodymyr Zelensky tham nhũng ở Ukraine Biểu tình tại Ukraine
