Các nghiên cứu đang dần hé lộ lý do vì sao lại có giấc mơ, những người nào có thể nhớ giấc mơ tốt nhất, và cách cải thiện khả năng ghi nhớ giấc mơ.

Du an moi 2024 10 28T054816.919
(Ảnh: Shutterstock)

Người bình thường dành khoảng một phần ba cuộc đời để ngủ. Trong suốt quãng thời gian đó, tâm trí chúng ta tạo ra những thế giới hoàn toàn mới – có những giấc mơ rực rỡ, không thể quên; trong khi một số lại tan biến ngay khi ta vừa tỉnh dậy. Sẽ ra sao nếu bạn có thể tận dụng quãng thời gian bị mất ấy bằng cách nhớ nhiều giấc mơ hơn?

Từ lâu, các nhà khoa học đã bị cuốn hút bởi câu hỏi vì sao có người nhớ rõ từng chi tiết giấc mơ, trong khi người khác thì gần như không nhớ gì. Những nghiên cứu mới về lý do tại sao chúng ta mơ, ai nhớ giấc mơ hơn, và cách cải thiện trí nhớ giấc mơ đang dần làm sáng tỏ hiện tượng đầy bí ẩn này.

Giấc mơ trong dòng chảy lịch sử

Con người đã bị cuốn hút bởi ý nghĩa của giấc mơ trong suốt hàng ngàn năm. Chẳng hạn, trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, giấc mơ được xem là thông điệp từ cõi tâm linh, mang theo những góc nhìn về tương lai.

Ở Ai Cập cổ, các thầy tế giữ những cuốn sách giấc mơ viết trên giấy cói, trong đó ghi chép và suy đoán về các biểu tượng xuất hiện trong giấc mơ.

Theo thời gian, truyền thống giải nghĩa giấc mơ dần phát triển thành nghiên cứu có hệ thống hơn. Năm 1893, bà Mary Calkins – một triết gia và nhà tâm lý học người Mỹ – đã thực hiện một thí nghiệm, trong đó bà đánh thức mọi người mỗi đêm bằng ánh nến, suốt 6 đến 8 tuần, để hỏi xem họ có đang mơ không.

“Đôi khi chỉ cần một cử động nhỏ như lấy giấy bút hoặc thắp nến cũng đủ làm ký ức giấc mơ tan biến, để lại cảm giác tiếc nuối rằng mình vừa trải qua một điều gì đó thú vị trong mơ nhưng lại chẳng thể nhớ nổi chút gì”, bà Calkins viết trong báo cáo của mình.

Tới giữa thế kỷ 20, nghiên cứu giấc mơ đã trở thành lĩnh vực chính thức trong khoa học thần kinh. Năm 1953, các nhà khoa học phát hiện ra giai đoạn REM – khi mắt chuyển động nhanh trong lúc ngủ – là lúc giấc mơ sống động nhất. Dù người ta từng cho rằng mơ chỉ xảy ra trong REM, sau này các nhà nghiên cứu phát hiện rằng giấc mơ diễn ra ở nhiều giai đoạn khác nhau của giấc ngủ – và đặc biệt thường gặp hơn ở một số nhóm người.

Tại sao chúng ta lại mơ?

Theo bà Jing Zhang – nhà nghiên cứu tại Trường Y Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, giấc mơ đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý cảm xúc. Nghiên cứu gần đây của bà, được đăng trên tạp chí Nature Scientific Reports, cho thấy giấc mơ giống như “liệu pháp tâm lý trong khi ngủ”.

Trong nghiên cứu này, bà Zhang và các cộng sự yêu cầu người tham gia xem những hình ảnh gây xáo động cảm xúc như cảnh bạo lực hoặc thảm họa, cùng với các hình ảnh trung tính như đồ vật sinh hoạt thường ngày. Vào ngày hôm sau, những người nhớ được giấc mơ của mình cho thấy một điều đặc biệt: họ vẫn nhớ rõ các hình ảnh gây xúc động, nhưng cảm thấy ít căng thẳng hơn khi xem lại chúng. Trong khi đó, ký ức về các hình ảnh trung tính dần mờ nhạt đi.

Việc ghi nhớ chọn lọc này cho thấy giấc mơ giúp não bộ ưu tiên và xử lý các trải nghiệm có tính cảm xúc. Nếu không có giấc mơ, bà Zhang cho rằng con người có thể “mắc kẹt trong các ký ức cảm xúc”, không thể vượt qua được những trải nghiệm khó khăn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng giấc mơ là cơ chế giúp chữa lành tâm lý. Bà Katja Valli – tiến sĩ tâm lý học và hiện là phó giáo sư ngành thần kinh học nhận thức tại Đại học Skövde – đưa ra một góc nhìn khác.

Bà Valli chia sẻ rằng dù giấc mơ phản ánh trạng thái cảm xúc và tâm lý của con người, nhưng chấn thương tâm lý có thể làm gián đoạn quá trình này, khiến các giấc mơ lặp đi lặp lại những ký ức đau buồn một cách dai dẳng, giữ cho ký ức ấy luôn “sống động và tươi mới” thay vì chữa lành.

Nghiên cứu của Valli ủng hộ “thuyết mô phỏng mối đe dọa” – cho rằng giấc mơ giúp con người chuẩn bị đối mặt với các nguy cơ tiềm tàng. Giống như việc phi công luyện tập trong buồng mô phỏng trước khi đối mặt với sự cố thực tế, não bộ chúng ta tạo ra các tình huống giả lập trong mơ để luyện tập đối mặt với nguy hiểm. Những cuộc diễn tập về đêm này có thể giúp chúng ta ứng phó tốt hơn khi gặp thử thách tương tự ngoài đời. Về cơ bản, não bộ đang thực hiện các cuộc diễn tập cứu hỏa trong khi ngủ.

Tại sao có người nhớ giấc mơ, còn người khác thì không?

Ai cũng mơ mỗi đêm, nhưng không phải ai cũng nhớ được giấc mơ của mình.

Một nghiên cứu năm 2025 của Trường Nghiên cứu Cao cấp IMT Lucca ở Ý cho thấy khả năng ghi nhớ giấc mơ phản ánh sự tương tác giữa các đặc điểm nhận thức, thái độ cá nhân và động lực giấc ngủ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một vài yếu tố, từ môi trường cho đến đặc điểm cá nhân, đều góp phần quyết định khả năng nhớ giấc mơ.

Kết luận của nghiên cứu cho thấy những người với tính cách mơ mộng, tâm trí hay “lang thang”, và có thái độ tích cực với giấc mơ thì có khả năng nhớ giấc mơ tốt hơn.

Bà Valli (người không tham gia nghiên cứu) bình luận: “Những đặc điểm tính cách như sự cởi mở với trải nghiệm, sáng tạo và ranh giới tâm lý mỏng… dự đoán khả năng nhớ giấc mơ cao hơn, trong khi chứng loạn thần kinh liên quan đến tần suất nhớ lại cơn ác mộng cao hơn”.

Những người trẻ và những người ngủ nông nhưng kéo dài có tỉ lệ nhớ giấc mơ cao hơn. Trong khi đó, người lớn tuổi thường tỉnh dậy với cảm giác hình như có giấc mơ nhưng lại không nhớ nổi nội dung — hiện tượng này được gọi là “giấc mơ trắng” (white dreaming).

Thậm chí cả mùa trong năm cũng ảnh hưởng. Người tham gia nhớ giấc mơ ít hơn vào mùa đông so với mùa xuân và mùa thu, điều mà các tác giả cho là có thể liên quan đến chu kỳ ngủ thay đổi, mức độ tiếp xúc ánh sáng hoặc tâm trạng.

Giấc mơ – Cánh cổng dẫn tới tương lai?

Nền văn minh Trung Hoa cổ đại không phải là nền văn hóa duy nhất tin rằng giấc mơ có thể dự đoán tương lai.

“Giấc mơ tiên tri là một phần rất phổ biến trong trải nghiệm của con người”, ông Eric Wargo – một nhà văn khoa học, đồng thời là tiến sĩ nhân học tại Đại học Emory chia sẻ. Ông cho biết, một phần ba đến một nửa số người được khảo sát từng trải qua giấc mơ tiên tri, và hầu như mọi nền văn hóa trên thế giới đều tin rằng những giấc mơ ấy chứa đựng sự thật.

Ông Wargo tin rằng việc có quá nhiều bằng chứng và lời kể cá nhân như vậy là đủ để chúng ta nên xem xét hiện tượng này một cách nghiêm túc.

Theo ông, những bằng chứng thuyết phục nhất về giấc mơ tiên tri không đến từ phòng thí nghiệm tâm lý học, mà đến từ các nghiên cứu vật lý mới nổi – đặc biệt là về hiện tượng “nhân quả ngược” – ý tưởng cho rằng sự kiện trong tương lai có thể ảnh hưởng đến quá khứ. Thực tế, những đột phá gần đây trong máy tính lượng tử, sinh học lượng tử và vật lý lượng tử có thể đang hé lộ cơ chế tiềm năng cho việc thông tin di chuyển ngược thời gian.

Các quá trình lượng tử có thể lý giải cách não bộ xử lý thông tin trong khi ngủ. Khi chúng ta mơ trong giai đoạn ngủ REM, các nơron thần kinh kết nối lại với nhau để hình thành và củng cố ký ức. Quá trình này phụ thuộc vào các vi ống — những ống siêu nhỏ nằm bên trong tế bào não, mà một số nhà nghiên cứu tin rằng có thể hoạt động như máy tính lượng tử.

Ông Wargo cho biết, nếu vi ống thực sự là những máy tính lượng tử tí hon, chúng có thể truyền thông tin ngược về quá khứ, cho phép trải nghiệm trong tương lai tác động ngược lại. Điều này thể hiện qua giấc mơ, sự sáng tạo hoặc những dòng suy nghĩ vô thức.

Ông nói: “Tôi cho rằng khả năng tiên đoán có lẽ là một dạng của trí nhớ — kiểu ‘ghi nhớ về tương lai’. Giấc mơ có thể mã hóa theo trí nhớ cả những ‘ký ức đến từ tương lai’ lẫn các sự kiện xảy ra trong quá khứ”.

Làm sao để nhớ giấc mơ rõ hơn?

Vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc viết nhật ký giấc mơ giúp cải thiện trí nhớ giấc mơ, cũng như việc chủ động điều chỉnh thái độ cá nhân đối với việc nhớ lại giấc mơ.

Ngoài ra, cây ngải cứu được biết đến như một phương pháp truyền thống giúp tăng cường giấc mơ và khả năng nhớ lại giấc mơ.

Bà Zhang, Valli và ông Wargo đều khuyến nghị luyện tập đều đặn để cải thiện trí nhớ giấc mơ. Sau khi ghi chép lại giấc mơ một cách chi tiết vào nhật ký có ghi ngày tháng, Wargo cho biết bạn nên đọc lại những gì đã ghi vào buổi sáng hôm đó và những ngày gần nhất trước khi đi ngủ – một bước quan trọng mà nhiều người thường bỏ qua. Ông cũng khuyến khích bạn suy ngẫm về mối liên hệ giữa giấc mơ trong nhật ký và trải nghiệm trong cuộc sống thực.

Ông Wargo còn khuyên nên ngồi thiền mỗi ngày để rèn luyện sự khả năng chú ý và sự tập trung, thay vì để tâm trí trôi dạt trong dòng suy nghĩ miên man hoặc bị phân tâm. Việc tránh xa các thiết bị điện tử gây xao nhãng cũng giúp cải thiện khả năng tập trung này. Tương tự, bà Zhang gợi ý nên thức dậy một cách tự nhiên, không dùng báo thức, bởi tiếng chuông đột ngột làm tăng cortisol – loại hormone khiến ta quên giấc mơ ngay lập tức.

Dù là mơ thoáng qua hay sống động, dù bị lãng quên hay được ghi chép cẩn thận, giấc mơ đều ảnh hưởng đến tâm trí và cuộc sống của bạn theo những cách mà chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu. Giấc mơ giúp bạn xử lý cảm xúc, khai mở ý tưởng mới, phản ứng tốt hơn với nguy hiểm, và có thể nhìn thoáng qua tương lai. Với sự chú ý thích hợp, bạn có thể mở khóa nhiều hơn thế giới giấc mơ của riêng mình.

Tối nay, khi bạn chìm vào giấc ngủ, hãy tự hỏi: Tâm trí đang ngủ của bạn sẽ tiết lộ điều gì?

Theo Mari Otsu, The Epoch Times

Liên Hoa biên dịch