“Vấn đề kháng kháng sinh gây ra mối đe dọa nền tảng nghiêm trọng cho sức khỏe con người, sự phát triển và an ninh xã hội” – Tiến sĩ Margaret Chan, Chủ tịch WHO cho biết.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: Wiki)
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (Ảnh: Wiki)

Theo CNN đưa tin, phiên họp lần thứ 71 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã diễn ra vào ngày 21/9 vừa qua tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ. Lãnh đạo từ 193 quốc gia thành viên đã tụ họp để giải quyết các vấn đề cấp bách, trong đó báo động một mức độ nghiêm trọng chưa từng có việc lây lan của các bệnh lý nhiễm trùng có khả năng kháng thuốc kháng sinh.

Sau các cuộc thảo luận về HIV, bệnh không truyền nhiễm và Ebola thì đây là lần thứ tư trong lịch sử Liên Hiệp Quốc có một vấn đề sức khỏe được thảo luận tại Đại hội.

Mục tiêu chính của cuộc họp là để triệu hồi và duy trì sự cam kết chính trị, quốc gia, khu vực và quốc tế mạnh mẽ trong việc giải quyết kháng kháng sinh một cách toàn diện, đa ngành và tăng cường nhận thức về kháng kháng sinh.

Hội nghị nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm quan trọng của chính phủ, cũng như các tổ chức liên chính phủ có liên quan, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Xem thêm: Video thí nghiệm: Vi khuẩn phát triển thành siêu vi khuẩn chỉ trong 11 ngày

(ảnh: Shutterstock)
(ảnh: Shutterstock)

Các quốc gia cam kết sẽ:

  • Tăng cường quy chế sử dụng kháng sinh, nâng cao kiến thức và nhận thức, thúc đẩy thực hành và nghiên cứu sử dụng thuốc thay thế cho thuốc kháng sinh, chẩn đoán và tìm ra vaccine.
  • Kêu gọi sử dụng tốt hơn các công cụ hiện có, chi phí-hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm trùng ở người và động vật, bao gồm tiêm chủng, nước sạch và vệ sinh môi trường và vệ sinh tốt trong các bệnh viện và chăn nuôi.
  • Đưa vào hệ thống để đảm bảo sử dụng hợp lý hơn các loại thuốc kháng sinh cũ và mới
  • Nhấn mạnh việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới, hiệu quả và giá cả phải chăng, xét nghiệm chẩn đoán nhanh chóng, và các liệu pháp quan trọng khác để thay thế cho những loại kháng sinh đã không còn tác dụng.

WHO, FAO và OIE sẽ phối hợp với các ngân hàng phát triển như Ngân hàng Thế giới các bên liên quan để lập kế hoạch, hành động và báo cáo lại cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tháng 9/2018.

Kháng kháng sinh – cơn đại dịch của tương lai

Kháng sinh là các thuốc giết hoặc ngăn chặn sự tăng trưởng của vi sinh vật sống bao gồm vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng. Kháng sinh đã trở thành một nền tảng rất quan trọng của y học lâm sàng kể từ nửa sau thế kỷ 20. Tuy nhiên, trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 nền Y học hiện đại đã chứng kiến sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của những dòng vi khuẩn kháng kháng sinh.

Sự kháng thuốc (AMR) đang là một mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với nền sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu, bởi vì những loại vi trùng kháng thuốc có khả năng lây lan rất mạnh. Cụ thể là việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi lợn tại Trung Quốc đã sinh ra siêu vi kháng thuốc rất mạnh tại Hoa Kỳ và châu Âu.

Xem thêm: Cựu nhân viên bệnh viện tường thuật chi tiết mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc

(ảnh: afamily.com)
(ảnh: afamily.com)

Jim O’Neil – Chủ tịch hội nghiên cứu vi khuẩn kháng thuốc của Anh đã ước tính: có khoảng 700.000 người chết mỗi năm từ nhiễm trùng kháng thuốc. Tại Hoa Kỳ, khoảng 2 triệu người nhiễm vi khuẩn kháng thuốc mỗi năm và ít nhất 23.000 ca chết vì những bệnh nhiễm trùng này.

Nếu không có kháng sinh có hiệu quả để phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng, các thủ thuật y khoa như: ghép tạng, hóa trị liệu ung thư, bệnh tiểu đường và phẫu thuật lớn (ví dụ, mổ lấy thai hoặc thay khớp háng) trở nên rủi ro rất cao. Kháng kháng sinh làm cho những bệnh có thể điều trị, chẳng hạn như viêm phổi, lao phổi, sốt rét hoặc nhiễm trùng nhẹ, cũng có thể trở nên rất khó chữa, chi phí điều trị cũng tăng cao.

Hiện nay, các siêu khuẩn (vi khuẩn kháng đa kháng sinh) ước tính gây ra 700.000 ca tử vong mỗi năm. Nếu không có hành động thay đổi hiệu quả, những con số này dự kiến sẽ tăng lên đến 10 triệu người chết mỗi năm vào năm 2050 – tương đương với việc cứ mỗi 3 giây sẽ có một người chết vì nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.

Tổ chức y tế thế giới – WHO ước tính rằng, trong năm 2014 có khoảng 480.000 trường hợp mắc mới bệnh lao đa kháng thuốc ( MDR – TB)  – một dạng bệnh lao mà vi trùng lao có khả năng kháng lại 2 loại thuốc chống lao mạnh mẽ nhất. Trên toàn cầu, chỉ có phân nửa số bệnh nhân nhiễm lao đa kháng thuốc đã được điều trị thành công trong năm 2014.

Viên Minh