Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn thế giới hiện có 348 trường hợp “viêm gan siêu vi ở trẻ em chưa rõ nguyên nhân”. Các chuyên gia đang điều tra yếu tố lây nhiễm liên quan đến virus adeno, nhưng cũng không loại trừ khả năng dịch COVID-19 là một trong những nhân tố có thể làm bùng phát bệnh viêm gan ở trẻ nhỏ.

p3149161a544721086
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Theo Bloomberg đưa tin, Indonesia đã báo cáo 4 trường hợp tử vong mới do viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em vào ngày 13/5, nâng tổng số trường hợp tử vong tại nước này cho đến nay lên 7 trường hợp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vào ngày 6/5 cho biết, 109 trường hợp viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em đã được xác định ở Mỹ, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Ngày 10/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tổng số 348 trường hợp viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em đã được báo cáo ở 20 quốc gia trên thế giới, ngoài ra có 70 trường hợp có thể là mắc bệnh này và đang được điều tra ở 13 quốc gia khác; giai đoạn hiện tại chỉ có 6 quốc gia đã báo cáo có từ 5 ca bệnh trở lên, nhưng chỉ riêng riêng Vương quốc Anh đã báo cáo 176 trường hợp, cao hơn đáng kể so với con số trung bình.

Theo kết quả điều tra hiện nay, 70% trẻ em bị nhiễm viêm gan chưa rõ nguyên nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus adeno và 18% với virus corona mới.

Bà Philippa Easterbrook, người đứng đầu Chương trình Viêm gan Toàn cầu của WHO, cho biết giả thuyết chính hiện nay vẫn là liên quan đến virus adeno, “nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét tác động của bệnh viêm phổi virus corona mới, cho dù đó là đồng nhiễm hay đã bị lây nhiễm trong quá khứ.”

Cục An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết, “Hầu hết tất cả các ca bệnh đều xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, hầu hết trong số đó là khoảng 3 đến 5 tuổi, trong đó đa số những trẻ bị bệnh không có bất cứ nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn nào.” UKHSA chỉ ra, sau khi nới lỏng các hạn chế trong phòng và kiểm soát dịch (COVID-19), số ca nhiễm trùng ở trẻ em đã thực sự tăng lên, và các cuộc điều tra sẽ tiếp tục được thực hiện trên các dữ liệu liên quan.

Đến nay, Anh là quốc gia có nhiều trẻ em mắc bệnh này nhất. UKHSA đã đưa ra 5 giả thuyết, một trong số đó là do virus adeno gây ra bệnh viêm gan. Tuy nhiên, kết luận này đã bị thách thức bởi các nhà virus học và bác sĩ. Hai trong số những nghi ngờ vẫn cần chờ lời giải: thứ nhất, tại sao không tìm thấy thể bao hàm virus adeno trong sinh thiết gan của trẻ em bị mắc bệnh ở Anh; thứ hai, tại sao tải lượng virus adeno của trẻ quá thấp đến mức các mẫu virus không đủ cho kiểm tra phát hiện toàn bộ bộ gen của virus adeno.

Liên quan đến thông tin hiện được tiết lộ ở Anh, bà Isabella Eckerle, người đứng đầu Trung tâm các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ cho biết, virus adeno không được phát hiện trong mẫu sinh thiết gan của trẻ em bị viêm gan cấp tính. Nếu nó được gây ra bởi virus adeno, gan sẽ thể hiện ra các bệnh lý liên quan đến virus adeno.

Bà Deepti Gurdasani, một nhà dịch tễ học tại Đại học Queen Mary, London, cũng cho biết rằng vẫn chưa có kết quả sinh thiết gan ở Anh cho thấy sự hiện diện của các thể bao hàm virus adeno. Cái gọi là thể bao hàm là thể nhỏ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi ánh sáng được hình thành trong tế bào vật chủ sau khi nhiễm virus.

Theo CDC Mỹ, đã có 109 trường hợp ở 25 tiểu bang trên khắp nước Mỹ, với 5 trẻ nhỏ tử vong vì triệu chứng nặng. Thống kê cho thấy độ tuổi trung bình của trẻ mắc bệnh là 3 tuổi. Các chuyên gia đã phát hiện, những đứa trẻ bị nhiễm bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân đều được xác nhận là mắc bệnh viêm phổi virus corona mới, nhưng mối quan hệ giữa hai căn bệnh này vẫn còn phải được làm rõ.

Theo CNN, Baelyn Schwab, một bé gái 2 tuổi ở Mỹ, vốn dĩ rất hoạt bát và năng động, nhưng đến ngày 29/4 thì xuất hiện sự bất thường.

Bà Kelsea Schwab, mẹ của bé gái bị viêm gan nói: “Sau khi cháu tỉnh dậy thì phát ban khắp người, chúng tôi đã đến bác sĩ để tiêm epinephrine cho cháu, sau đó đưa cháu đi kiểm tra, và về nhà sau khi mọi thứ đã ổn, nhưng ngày hôm sau thức dậy thì mắt cháu trở nên vàng.”

Ngay trong ngày, bệnh viện đã khẩn cấp gọi bé gái trở lại, vì khi khám thấy chỉ số gan của bé có thời điểm tăng vọt lên 7000, trong khi giá trị bình thường phải khoảng 30.

Bác sĩ Heli Bhatt cho biết, ông chưa từng gặp tình trạng này trong sự nghiệp của mình: “Chưa từng gặp, tôi nghĩ dĩ nhiên là tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp bị viêm gan cấp tính, hoặc suy gan cấp tính, nhưng rất nhiều trường hợp trong một thời gian ngắn thế này, trong sự nghiệp của tôi chưa từng thấy bùng phát như thế này.”

Sau trường hợp của bé Baelyn, một làn sóng viêm gan nặng mới ở Mỹ được chứng thực đang bùng phát. Chỉ trong vài tháng, có tới 98 trẻ em ở Mỹ phải nhập viện, 15 trẻ cần ghép gan và 5 trẻ tử vong. Do nguyên nhân gây bệnh không rõ, nên ngay cả các bác sĩ cũng nghi ngờ nó có thể liên quan đến virus corona mới.

Bác sĩ Heli Bhatt nói: “Một trong những câu hỏi của tôi là những đứa trẻ này có từng bị lây nhiễm virus corona mới không? Có thể trẻ bị nhiễm không triệu chứng, nhưng sau đó chúng có thể bị những tác dụng phụ gây viêm gan.”

Bé Baelyn thực sự đã bị nhiễm virus corona mới, nhưng CDC Mỹ cho đến nay không yêu cầu trẻ em bị viêm gan nặng phải được kiểm tra virus corona, chỉ yêu cầu xét nghiệm virus adeno có liên quan đến cảm lạnh thông thường.

Hiện tại, các nhà khoa học đang tập trung vào loại virus adeno được nghi ngờ là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan, nhưng virus adeno chỉ có thể gây ra bệnh viêm gan ở những người bị suy giảm khả năng miễn dịch. Virus adeno rất thường thấy ở trẻ em, nhưng nó chưa từng gây viêm gan cho trẻ khỏe mạnh và không có tiền sử bệnh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Anh cho rằng có thể liên quan đến việc trẻ nhỏ bị đóng cửa ở nhà lâu ngày khiến khả năng miễn dịch bị suy giảm.

Bà Philippa Easterbrook, người đứng đầu Chương trình Viêm gan Toàn cầu của WHO, cho biết vào ngày 10/5: “Đã có một số tiến triển quan trọng trong tuần qua liên quan đến việc điều tra thêm và hoàn thiện các giả định.”

Bà cho biết Vương quốc Anh đã điều phối thêm một loạt các nghiên cứu toàn diện để kiểm tra di truyền, phản ứng miễn dịch, virus và các nghiên cứu dịch tễ học ở những trẻ em bị ảnh hưởng.

“Hiện tại, giả thuyết chính của bệnh này vẫn cho rằng có liên quan đến virus adeno, còn về vai trò của COVID-19 (bệnh do virus corona) vẫn là một yếu tố quan trọng cần xem xét, cho dù là đồng nhiễm hay đã từng nhiễm trong quá khứ.”

Theo ông Vinod Balasubramaniam, giáo sư virus học phân tử tại Trường Y khoa và Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học Monash ở Malaysia, việc cách ly trong thời gian dài đã khiến trẻ nhỏ thiếu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, khiến chúng mất đi cơ hội xây dựng hệ thống miễn dịch. Sau khi gỡ bỏ lệnh cấm, chúng dễ bị vi khuẩn ngoại lai tấn công, hoặc dễ mắc các bệnh mẫn cảm do khả năng miễn dịch của chính chúng.

Nhận định về sự gia tăng gần đây của bệnh tay chân miệng (HFMD), bệnh Kawasaki và sự xuất hiện đột ngột của bệnh viêm gan, ông Vinod Balasubramaniam cho rằng điều này có thể liên quan đến việc hạn chế đi lại và cách ly. Ông chỉ ra rằng hệ thống miễn dịch của con người, giống như não, cần học hỏi và phát triển theo thời gian, và nó cần được tiếp xúc với các vi sinh vật bên ngoài để thu thập “dữ liệu” và lưu trữ trong bộ nhớ. Điều này giúp hệ thống miễn dịch nhận biết thứ nào có hại và thứ nào không.

“Nếu không có dữ liệu phù hợp, hệ thống miễn dịch có thể tấn công những thứ mà nó không nên làm, gây ra dị ứng, hen suyễn và các bệnh tự miễn dịch.”

Ông chỉ ra rằng việc cách ly trong 2 năm qua đã khiến trẻ nhỏ mất cơ hội được tiếp xúc với các thứ lạ này, ảnh hưởng đến quá trình học hỏi của hệ miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của con người không hoàn toàn trưởng thành cho đến khi 6 tuổi. Trẻ nhỏ là cơ hội tuyệt vời để hệ thống miễn dịch học hỏi, nhiều nghiên cứu khác nhau trong quá khứ đã chỉ ra rằng các vấn đề có thể phát sinh khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn từ thế giới bên ngoài. Ví dụ, trẻ sinh bằng phương pháp sinh mổ sẽ ít được tiếp xúc với hệ vi sinh vật của mẹ hơn những trẻ khác, và chúng cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh dị ứng và viêm nhiễm.