Trong khi muối thường chỉ được coi là một thành phần chính trong bếp thì vai trò của muối trong điều trị ung thư lại đang được chú ý.

r shutterstock 1485727088
(Ảnh: golubka57/ Shutterstock)

2 nghiên cứu mới, được công bố vào ngày 28/8 trên Nature Immunology (Tập san Giao tiếp Tự nhiên), phát hiện ra rằng tăng lượng muối có thể làm tăng đáng kể khả năng tiêu diệt ung thư của các tế bào miễn dịch.

1 trong 2 nghiên cứu cho thấy rằng kích thước khối u của những con chuột được ăn khẩu phần nhiều muối có giảm đi.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng, muối – ngoài việc cải thiện sức sống, quá trình trao đổi chất và chức năng tiêu diệt còn làm giảm sự phát triển của khối u ở mô hình chuột,” Tiến sĩ Christina Zielinski, tác giả chính của một trong những nghiên cứu, đã nói với The Epoch Times trong một email.

“Muối hóa ra lại là một yếu tố đơn giản đến ngạc nhiên [nhưng] lại bị bỏ qua” trong việc thúc đẩy hiệu quả của các tế bào tiêu diệt ung thư, bà Zielinski, cũng là chủ tịch của Khoa Miễn dịch học Nhiễm trùng tại Đại học Friedrich Schiller ở Jena, Đức, cho biết thêm.

Trong khi nghiên cứu cho thấy phương pháp tiếp cận dựa trên muối có thể trở thành một công cụ có giá trị để nâng cao hiệu quả điều trị ung thư thì các nhà nghiên cứu cho biết trong một thông cáo báo chí rằng họ không khuyến khích mọi người ăn nhiều muối hơn để kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại ung thư.

Muối tăng cường sức mạnh của tế bào T sát thủ

Các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Sản phẩm Tự nhiên và Sinh học Nhiễm trùng Leibniz–Viện Hans Knoll đã phát hiện ra rằng natri, một thành phần của muối ăn, có thể thúc đẩy đáng kể hoạt động của tế bào T. Tế bào T là một loại tế bào miễn dịch chống lại ung thư.

Tế bào T sát thủ, cụ thể là tế bào T CD8 +, rất cần thiết để xác định và tiêu diệt tế bào ung thư. Tế bào T sát thủ nhận biết tế bào ung thư bằng protein ung thư và giải phóng các chất độc hại để tiêu diệt tế bào ung thư trực tiếp.

Nghiên cứu do bà Zielinski dẫn đầu cho thấy, khối u ung thư vú có mô khỏe mạnh và tế bào T hoạt động đặc biệt mạnh mẽ chống lại khối u khi môi trường xung quanh có nồng độ natri cao hơn, giúp cho các bệnh nhân được sống sót trong thời gian lâu hơn.

Các tế bào T được xử lý bằng muối và sau đó được thêm vào khối u trong nuôi cấy tế bào và ở chuột. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, muối giúp tế bào T hấp thụ đường và axit amin tốt hơn, dẫn đến khả năng loại bỏ tế bào khối u tốt hơn.

“Chúng tôi đã chứng minh rằng, natri làm tăng phản ứng miễn dịch của tế bào T CD8+”, Chang-Feng Chu, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.

Các thí nghiệm tiếp theo cho thấy “các khối u tuyến tụy co lại ở chuột sau khi được tiêm tế bào T đã được xử lý trước bằng muối,” Tiến sĩ Chu cho biết. Muối cải thiện quá trình trao đổi chất và mức năng lượng của tế bào T bằng cách kích hoạt một máy bơm đặc biệt trên tế bào T.

“Máy bơm này giúp tăng cường sự xâm nhập canxi vào tế bào, tạo ra các tín hiệu thúc đẩy hoạt hóa tế bào T CD8+,” bà Zielinski nói thêm.

Khẩu phần ăn nhiều muối làm giảm khối u ở chuột

Một nghiên cứu riêng từ Bệnh viện Nghiên cứu Humanitas IRCCS, Ý, do ông Enrico Lugli đứng đầu đã phát hiện ra rằng, việc thêm muối vào trong quá trình nuôi cấy tế bào có thể đánh thức tế bào T, giúp tăng tuổi thọ và tác dụng chống khối u của chúng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những con chuột được cho ăn khẩu phần nhiều muối cũng giảm sự phát triển của khối u do hoạt động của tế bào T được cải thiện.

Ông Lugli cho biết trong một tuyên bố rằng việc thêm muối giúp ngăn ngừa các tế bào bị kiệt sức quá nhanh, đồng thời cũng cải thiện quá trình trao đổi chất và năng lượng của tế bào T, giúp chống lại ung thư hiệu quả hơn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc thêm muối vào tế bào T có tác dụng tương tự như việc cho tiếp xúc tế bào với thuốc miễn dịch giúp tăng cường hoạt động của chúng.

Đồng tác giả nghiên cứu, bác sĩ ung thư và là nhà nghiên cứu Agnese Losurdo cho biết trong tuyên bố rằng, nồng độ natri trong máu cao hơn có liên quan đến phản ứng tốt hơn với liệu pháp miễn dịch ung thư.

Tuy nhiên, các tác giả cũng cho biết, liệu pháp ăn nhiều muối “không dễ áp dụng cho con người vì những hậu quả mà nó có thể gây ra cho hệ thống tim mạch.”

Họ đề xuất rằng thay vào đó, tế bào T có thể tiếp xúc với nồng độ muối cao trong một thời gian ngắn trước khi được cấy ghép vào bệnh nhân như một hình thức điều trị ung thư.

“Kết quả của nghiên cứu chứng minh rằng, natri clorua ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của tế bào lympho T CD8, những tế bào quan trọng trong phản ứng chống khối u,” ông Lugli cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù những phát hiện này rất hứa hẹn, nhưng cũng cần được xác nhận trong các điều kiện lâm sàng.

Thận trọng là chìa khóa

shutterstock 2091900406
(Ảnh: frantic00/ Shutterstock)

Những phát hiện này là một bổ sung thêm bằng chứng ngày càng tăng cho thấy muối thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư. Một nghiên cứu năm 2019 của Bỉ cho thấy, khẩu phần ăn nhiều muối ở chuột làm chậm sự phát triển của khối u so với những con chuột không ăn nhiều muối.

Tuy nhiên, thận trọng vẫn là điều cần thiết. Bất chấp những kết quả đầy hứa hẹn nói trên, ông Lugli vẫn tuyên bố rằng việc tăng lượng muối trong khẩu phần ăn uống sẽ không có tác dụng tương tự và còn có thể gây hại.

Một nghiên cứu gần đây vào đầu năm nay phát hiện ra rằng những người thường xuyên cho thêm muối vào thức ăn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 41% so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ thêm muối. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng lượng muối nạp vào quá nhiều có thể dẫn đến bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính, loãng xương và ung thư dạ dày.

Ông Lugli nói thêm, những lợi ích quan sát được trong các nghiên cứu là về việc điều chỉnh nồng độ muối bên ngoài cơ thể để thúc đẩy hoạt động của tế bào miễn dịch. Bà Zielinski đồng ý với ý kiến đó và nói thêm rằng trọng tâm là phơi nhiễm các tế bào miễn dịch với nồng độ muối cao hơn trong môi trường được kiểm soát trước khi tiêm vào bệnh nhân.

Cả 2 nhóm nghiên cứu hiện đang tìm hiểu cách những phát hiện này có thể được chuyển thành các bối cảnh lâm sàng để thúc đẩy liệu pháp miễn dịch.

Khánh Ngọc biên dịch, theo Cara Michelle Miller/ The Epoch Times

Xem thêm: