Vì sao bác sĩ thường kêu gọi mọi người chăm sóc răng, khám răng cho kỹ?
Người xưa nói cái răng, cái tóc là góc con người. Y học hiện đại cũng thấy rằng khi bạn đau răng, viêm lợi… có thể không chỉ đơn thuần là vấn đề ở răng miệng, mà lại là dấu hiệu kêu cứu từ những cơ quan khác, tình trạng bệnh tật khác. Chúng có mối liên hệ với nhau chặt chẽ.
Sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng của sức khỏe toàn thân. Từ “răng miệng” không chỉ là miệng bao gồm răng, nướu và mô bảo trợ, mà còn bao gồm vòm cứng, hàm ếch mềm của miệng, lớp niêm mạc miệng và cổ họng, lưỡi, đôi môi, các tuyến nước bọt, các cơ nhai và quai hàm. Những tuyến nước bọt là điển hình của tuyến ngoại tiết, và một bản phân tích tuyến nước bọt có thể giúp tìm ra manh mối bệnh tật hoặc sức khỏe chung của cơ thể.
Tình trạng của răng miệng liên quan đến toàn bộ trục tiêu hóa, hô hấp… và ngược lại. Khám răng miệng có thể phát hiện ra những dấu hiệu thiếu dinh dưỡng và hàng loạt các bệnh tật của cơ thể như bệnh nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch, những thương tổn hay một số căn bệnh ung thư.
Dưới đây là một vài ví dụ về mối liên hệ này:
1. Bệnh tim mạch và đột quỵ
Thiếu xương trong thành phần của hàm chứa hốc răng (một phương pháp đo lường trong bệnh nha chu) là một dấu hiệu báo trước về bệnh tim mãn tính. Vi khuẩn tìm thấy trong bệnh nha chu cũng có thể dẫn đến đông máu, gia tăng nguy cơ bị bệnh tim hoặc đột quỵ. Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia Về Răng và Sọ Mặt (Mỹ), thì người mắc bệnh nha chu thường dễ bị bệnh tim mạch hơn.
2. Nhiễm trùng đường hô hấp
Vì các tác nhân truyền nhiễm gây ra các bệnh hô hấp được tìm thấy tập trung rất cao trong những người mắc bệnh nha chu, các bệnh hô hấp, chẳng hạn như bệnh viêm phổi, viêm phế quản mãn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể bị ảnh hưởng từ bệnh nha chu. Người lớn tuổi và các bệnh nhân có khả năng miễn dịch bị giảm sút rất dễ bị bệnh.
3. Bệnh tiểu đường
Ở những người mắc bệnh tiểu đường, các bệnh về nướu và tổ chức nâng đỡ răng xảy ra thường xuyên và trầm trong hơn những người không mắc bệnh. Các nghiên cứu cũng nhận thấy rằng những người có bệnh về nướu (lợi) khó khăn hơn trong kiểm soát đường máu. Đường huyết cao làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh răng miệng. Bệnh răng miệng lại khiến bạn khó giữ được mức đường huyết ổn định.
4. Loãng xương
Các dấu hiệu của bệnh loãng xương cũng có thể được phát hiện thông qua khám răng miệng và chụp X-quang nha khoa. Việc thường xuyên chụp x-quang nha khoa có thể giúp phát hiện ra chứng mất xương.
5. HIV/AIDS
Bệnh lý răng miệng cũng như tổn thương niêm mạc thường phổ biến hơn ở những người mắc HIV/AIDS.
6. Bệnh Alzheimer
Các nghiên cứu chỉ ra rằng mất răng trước tuổi 35 có thể là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh Alzheimer.
7. Thai kỳ, sinh thiếu tháng, nhẹ cân
Bệnh nha chu có liên quan đến sinh thiếu tháng và trẻ em thiếu ký. Các nhà nghiên cứu ước lượng rằng có đến 18% trong số 250.000 trẻ em sinh thiếu tháng và thiếu ký mỗi năm tại Mỹ có thể là do bệnh lây nhiễm qua đường miệng. Ngoài ra, mức độ hóc-môn cao ở các bà mẹ đang mang thai có thể làm cho nướu răng phản ứng lại theo một cách khác đối với vi khuẩn trong mảng bám răng, gia tăng khả năng dễ bị viêm và nhiễm bệnh trong thời kỳ có thai.
Quan điểm của Trung y về sức khỏe răng miệng
Trong Trung y, tình trạng răng miệng mỗi liên hệ sâu sắc đến sức khỏe toàn thân. Cơ thể là một thể tuần hoàn thống nhất, do đó sự gián đoạn khí huyết qua miệng có thể ảnh hưởng đến các vùng xa của cơ thể, và đồng thời sự gián đoạn khí huyết của các nơi khác có thể biểu hiện trong miệng.
Bộ răng của bạn có vai trò quan trọng, vì chúng được kết nối đến các cơ quan khác nhau trong khắp cơ thể thông qua hệ thống kinh mạch. Sức khỏe răng miệng đóng vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe toàn thân, không đơn giản như những gì chúng ta từng nghĩ. Theo thuyết kinh lạc, sức khỏe răng miệng kém có thể tương đương với tình trạng sức khỏe toàn thân yếu kém và tắc nghẽn dòng chảy năng lượng.
Chính vì vậy, các chuyên gia y tế luôn nhắc nhở mọi người cần chú ý đến sức khỏe răng miệng, thăm khám định kỳ nha sĩ để kịp thời có giải pháp cho các vấn đề quan sát thấy.
Kiên Thành tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa đột quỵ bệnh tim mạch sức khỏe răng miệng nha chu bệnh tiểu đường