Tiếp xúc với ánh sáng quá nhiều vào ban đêm và quá ít vào ban ngày có thể phá vỡ nhịp sinh học, dẫn đến sức khỏe kém hơn và tăng nguy cơ tử vong.

ngu voi nhieu anh sang
Tiếp xúc với ánh sáng quá nhiều vào ban đêm và quá ít vào ban ngày có thể phá vỡ nhịp sinh học. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Một nghiên cứu được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences phát hiện ra rằng, thời lượng tiếp xúc với ánh sáng nhiều vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ tử vong lên tới 34%. Ngược lại, thời lượng tiếp xúc với ánh sáng nhiều vào ban ngày có thể làm giảm nguy cơ tử vong lên tới 34%. Thời điểm và thời lượng tiếp xúc với ánh sáng không phù hợp sẽ phá vỡ nhịp sinh học, dẫn đến các loại bệnh như tim mạch, tiểu đường, các tình trạng sức khỏe tâm thần và béo phì, do đó làm tăng nguy cơ tử vong.

Giáo sư Sean Cain, tác giả chính và là chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Flinders cho biết trong một tuyên bố rằng: “Những hiểu biết mới này về tác động tiêu cực tiềm ẩn của ánh sáng đã cho thấy các kiểu tiếp xúc với ánh sáng quan trọng như thế nào đối với sức khỏe”.

Do vậy, việc tối ưu hóa mức độ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là rất hữu ích.

Việc tiếp xúc với ánh sáng có ý nghĩa quan trọng

Nghiên cứu cũng tìm hiểu về cách tiếp xúc với ánh sáng ảnh hưởng đến khả năng tử vong do các yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa, bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến tim, máu và mạch máu, chẳng hạn như béo phì, huyết áp cao, tăng cholesterol không tốt và tăng đường huyết.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 13 triệu giờ dữ liệu – đại diện cho khoảng 89.000 người tham gia – từ các cảm biến ánh sáng được đeo trong 1 tuần. Họ đã so sánh dữ liệu về việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên với hồ sơ tử vong từ Dịch vụ Y tế Quốc gia xảy ra trong khoảng 8 năm. Họ cũng ước tính thời lượng ngủ và hiệu quả giấc ngủ từ dữ liệu In Motion (Dữ liệu trong chuyển động).

Kết quả cho thấy, ánh sáng có thể giúp gia tăng hoặc phá vỡ nhịp sinh học, tùy thuộc vào thời điểm tiếp xúc. Nhịp sinh học là những thay đổi của cơ thể trong 24 giờ, ảnh hưởng đến nhiều chức năng, chẳng hạn như thói quen ngủ, tiêu hóa, tiết hormone và nhiệt độ.

Những người tham gia tiếp xúc với ánh sáng ban ngày nhiều hơn có tỷ lệ tử vong thấp hơn từ 17% đến 34%, phụ thuộc vào mức độ. Tiếp xúc với ánh sáng ban ngày càng nhiều thì nguy cơ tử vong càng thấp. Những người tiếp xúc với ánh sáng ban đêm nhiều hơn có tỷ lệ tử vong cao hơn từ 21% đến 34%, tiếp xúc càng nhiều thì nguy cơ càng cao. 

Nguy cơ tử vong cao liên quan đến mọi nguyên nhân, đặc biệt là bệnh tim mạch chuyển hóa. Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu cho biết “Giảm thiểu ánh sáng ban đêm, tối đa hóa ánh sáng ban ngày và duy trì các mô hình sáng-tối đều đặn giúp củng cố nhịp sinh học có thể cải thiện sức khỏe tim mạch chuyển hóa và tuổi thọ”.

Nhịp sinh học bị gián đoạn

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, việc tiếp xúc với ánh sáng có ảnh hưởng đến sức khỏe chủ yếu là thông qua nhịp sinh học. Khi có điều gì đó xảy ra khiến nhịp sinh học mất đồng bộ, chẳng hạn như tiếp xúc với ánh sáng trước khi đi ngủ, nhịp sinh học sẽ bị gián đoạn, làm tăng nguy cơ suy giảm sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, các nghiên cứu trước đây liên kết sự gián đoạn nhịp sinh học với sự phát triển của bệnh béo phì, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa – một nhóm các bất thường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngược lại, việc tiếp xúc với ánh sáng mạnh hơn vào ban ngày có thể củng cố nhịp sinh học, dẫn đến nguy cơ tử vong thấp hơn, đồng thời ngăn ngừa những tác động có hại do gián đoạn nhịp sinh học.

Trước đây, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân được cho là liên quan với các vấn đề về giấc ngủ. Tuy nhiên, giấc ngủ ngắn chỉ đóng góp một phần vào nguy cơ tử vong cao hơn do tiếp xúc với ánh sáng ban đêm. Vì những tác động đến nhịp sinh học có thể dự đoán nguy cơ tử vong mà không liên quan đến chất lượng giấc ngủ.

Bằng chứng xác nhận

Các nghiên cứu trước về những người thức khuya và làm việc theo ca đã cung cấp một số bằng chứng xác nhận cho các phát hiện của nghiên cứu.

Những người thức khuya

Một nghiên cứu đoàn hệ được công bố trên Chronobiology International đã điều tra về mối quan hệ giữa nguy cơ tử vong và những người thích ngủ muộn, thường được gọi là “cú đêm”.

Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của UK Biobank trên 433.268 người lớn từ 38 đến 73 tuổi và theo dõi trung bình trong 6,5 năm. Kết quả cho thấy, những người thức khuya có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể bắt nguồn từ những tác động đến nhịp sinh học.

Những người làm ca

Một nghiên cứu đoàn hệ được công bố trên American Journal of Preventive Medicine đã đánh giá tác động của ca làm việc đối với nguy cơ tử vong trên 74.862 điều dưỡng.

So với những người chưa từng làm ca đêm, những người làm ca từ 5 năm trở lên có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và do mọi nguyên nhân tăng nhẹ. Những phụ nữ làm ca ít nhất 15 năm có nguy cơ tử vong do ung thư phổi tăng nhẹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã tuyên bố rằng, việc làm ca có thể phá vỡ nhịp sinh học.

Một số mẹo giúp tiếp xúc với ánh sáng

Ông Bjorn Ekeberg, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Recharge Health, người sáng tạo ra FlexBeam và là diễn giả quốc tế về bản chất của ánh sáng, đã đưa ra một số lời khuyên cho The Epoch Times trong một email.

  • Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 15 đến 30 phút vào đầu ngày để cải thiện sức khỏe tổng thể, vì nó giúp thiết lập nhịp sinh học.
  • Nếu không thể tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời thì một buổi trị liệu bằng ánh sáng đỏ kéo dài 10 phút vào ban ngày – tức là tiếp xúc với ánh sáng đỏ và cận hồng ngoại cũng có thể hữu ích. Nhưng tốt nhất là nên thực hiện vào đầu ngày vì ánh sáng mặt trời tự nhiên lúc này chứa nhiều các bước sóng này hơn. Liệu pháp ánh sáng đỏ không có bất kỳ bước sóng ánh sáng xanh nào làm gián đoạn giấc ngủ và có thể sử dụng an toàn.
  • Vào đêm khuya, nên hạn chế các nguồn ánh sáng nhân tạo, đặc biệt trong khoảng 1 đến 2 giờ trước khi đi ngủ. Các nguồn sáng xanh, chẳng hạn như từ màn hình TV, máy tính và điện thoại di động, có thể kích thích mắt, não và ngăn cản quá trình sản xuất melatonin trước khi đi ngủ. Melatonin là một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ.
  • Tránh tiếp xúc với đèn LED trên cao vào buổi tối. Các bước sóng này bị méo và không tự nhiên, và cơ thể phản ứng mạnh hơn với ánh sáng từ trên cao hơn là từ dưới thấp.
  • Để dễ dàng đi vào giấc ngủ, nên giảm cường độ các nguồn sáng trực tiếp vào mắt – chẳng hạn như màn hình và đèn – tránh đèn pha trên trần nhà và chọn ánh sáng tông màu ấm.

Ánh sáng ngoài trời so với trong nhà

Ông Ekeberg cho biết: “Mọi thứ trên thế giới đều phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời. Con người cần năng lượng từ mặt trời nhiều như thực vật”.

Ông cho biết, ánh sáng mặt trời cung cấp nguồn năng lượng trực tiếp mà cơ thể có thể chuyển đổi từ việc tiếp xúc với da. Ánh sáng cũng trực tiếp cải thiện nhịp sinh học và giúp điều chỉnh chu kỳ thức-ngủ.

Theo ông Ekeberg, ánh sáng mặt trời chứa toàn bộ quang phổ năng lượng điện từ, từ tia cực tím đến quang phổ ánh sáng khả kiến – như xanh lam, xanh lục và đỏ – đến các bước sóng hồng ngoại. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chúng ta sẽ nhận được toàn bộ dải ánh sáng, bao gồm các bước sóng được chứng minh là đặc biệt có lợi – đó là đỏ và cận hồng ngoại.

“Ngược lại, ánh sáng trong nhà, đặc biệt là đèn LED, chỉ phát ra dải ánh sáng nhìn thấy được ​​và thường có bước sóng ánh sáng xanh cao có thể gây rối loạn nhịp sinh học khi trời tối”, ông Ekeberg cho biết.

Nguyên Khang biên dịch
Theo The Epoch Times

Xem thêm: