Chế biến thủ lợn, người đàn ông 52 tuổi nhiễm khuẩn liên cầu lợn
- Nguyễn Sơn
- •
Chế biến thủ lợn làm món ăn, qua ngày hôm sau, người đàn ông tại Thanh Hóa sốt cao, nổi ban xuất huyết trên da, dần rơi vào tình trạng rối loạn ý thức.
- Ăn tiết canh, nguy cơ tử vong rất lớn do nhiễm khuẩn liên cầu lợn
- Nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương vào ngày 18/7 cho hay Khoa Cấp cứu của bệnh viện này vừa tiếp nhận bệnh nhân V.T (SN 1972, nam giới, ngụ tỉnh Thanh Hóa) với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết có sốc do liên cầu lợn, viêm phổi/theo dõi xơ gan.
Qua khai thác tiền sử, được biết 12 ngày trước, ông T. có chế biến thủ lợn làm món ăn. Một ngày sau, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, nổi các ban xuất huyết trên da.
Ông T. được đưa vào cơ sở y tế gần nhà và được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức, tụt huyết áp. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản thở máy, lọc máu đối với ca bệnh. Mặc dù được hồi sức tích cực trong một tuần nhưng tình trạng không cải thiện, tiến triển suy đa tạng và rối loạn đông máu nặng. Kết quả cấy máu ra Streptococcus suis (vi khuẩn liên cầu lợn).
Bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao, nhiều mảng xuất huyết trên da, xuất huyết tiêu hóa, vô niệu. Tại đây, bệnh nhân T. tiếp tục được duy trì thở máy, lọc máu liên tục, truyền các chế phẩm máu và kháng sinh thích hợp.
Ths.BS Phan Văn Mạnh – Khoa Cấp cứu cho biết bệnh liên cầu lợn thông thường sẽ gây ra 2 bệnh cảnh chính là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não. Bệnh nhân T. đã được chọc dịch não tủy và loại trừ viêm màng não. Tuy nhiên ở bệnh nhân này tình trạng nhiễm khuẩn huyết tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều hậu quả nặng nề như rối loạn đông máu, suy đa tạng kéo dài.
Bác sĩ Mạnh lưu ý bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể gặp ở người khỏe mạnh, có thể gặp nhiều hơn ở bệnh nhân lạm dụng rượu. Ngoài ra, những người có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh lý nền, tuổi cao, thì bệnh càng diễn biến nặng.
Bác sĩ Mạnh khuyến cáo trong quá trình tiếp xúc với lợn, mọi người nên đặc biệt chú ý đeo găng tay và khẩu trang. Vì bản chất vi khuẩn liên cầu lợn quần cư ở trên đường hô hấp của lợn nên không có gì có thể loại khỏi vi khuẩn đó mà chỉ có cách là phòng – tránh để hạn chế lây nhiễm vào người.
“Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên ăn chín uống sôi rất quan trọng. Tuyệt đối không ăn lợn chết, lợn bệnh; không ăn các chế phẩm từ lợn chưa được nấu chín, nhất là tiết canh lợn”, bác sĩ Mạnh nhấn mạnh.
Đầu tháng 6 vừa qua, một người đàn ông 58 tuổi ở Phú Thọ được đưa đi cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn nhiều, nổi ban xuất huyết lấm tấm. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân được xác định có dấu hiệu viêm màng não. Bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy cho người bệnh làm xét nghiệm cấy máu và cấy dịch não tủy.
Kết quả, nam bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn (Steptococcus Suis). 10 ngày trước đó, bệnh nhân có ăn lòng lợn.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, người mắc bệnh liên cầu lợn đầu tiên được phát hiện vào năm 1960. Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Ổ chứa khuẩn không chỉ trong lợn nhà, còn có thể ở cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim; các véc tơ có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.
Hiện lợn vẫn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua kim tiêm nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể vẫn có mặt ở hạch hạnh nhân của lợn sau khi đã được điều trị bằng kháng sinh penicillin. Lợn nái có thể mang vi khuẩn trong tử cung và âm đạo. Lợn có thể bị nhiễm vi khuẩn ở bất kỳ tuổi nào. Khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con cao hơn ở lợn trưởng thành. Các đàn lợn non trong trạng thái chịu stress và tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ có khả năng phát bệnh cao.
Thời gian ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao: người làm việc ở trại chăn nuôi lợn, người giết mổ gia súc, cán bộ thú y, người ăn tiết canh lợn hoặc ăn thịt lợn ốm chết.
Từ khóa liên cầu lợn nhiễm khuẩn liên cầu lợn Xơ gan đông máu