Trà đen – Thức uống bình dân được ví như ‘thần dược’ cho sức khỏe
- Minh Minh
- •
Trà đen là một loại thức uống phổ biến, giá cả phải chăng và rất tốt cho sức khỏe. Chăm chỉ uống trà sẽ giúp bạn cải thiện tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính, tăng cường chức năng não và hơn thế nữa.
Trà là thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới chỉ sau nước. Danh sách các quốc gia có người dân uống trà nhiều nhất (trên đầu người) có thể làm bạn ngạc nhiên: Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, tiếp theo là Ireland, Vương quốc Anh và Iran.
Vào năm 2019 tại Hoa Kỳ, khoảng 84% lượng trà được tiêu thụ là trà đen và đây cũng là loại trà được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Uống riêng trà đen là một cách thưởng thức phổ biến, nhưng hiện nay các thương hiệu đồ uống đã phát minh thêm rất nhiều công thức trà đen kết hợp với các nguyên liệu khác, mang lại trải nghiệm hương vị hoàn toàn mới.
Trà đen (cả nóng và lạnh) rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Dưới đây là một số lợi ích bạn không thể bỏ qua.
1. Thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột
Tại Đại học California, Los Angeles, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trà đen có thể thay đổi các chất chuyển hóa trong ruột ở chuột: Tỷ lệ vi khuẩn liên quan đến béo phì giảm còn tỷ lệ vi khuẩn liên quan đến khối lượng cơ thể nạc tăng lên.
Cũng giống như trà xanh, polyphenol (một chất chống oxy hóa mạnh) có trong trà đen có khả năng kích thích sự phát triển của vi khuẩn trong ruột và sự hình thành các axit béo chuỗi ngắn (có tác dụng thay đổi quá trình chuyển hóa năng lượng trong gan).
Trà đen cũng là một loại prebiotic – chất xơ hòa tan làm nguồn thức ăn cho các lợi khuẩn, giúp chúng phát triển khỏe mạnh trong ruột. Từ đó, khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.
2. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa sẽ giúp bạn loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể, từ đó làm giảm khả năng tế bào và mô bị tổn thương, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Các nguồn chất chống oxy hóa chính có trong trà đen gồm polyphenol, bao gồm catechin, theaflavin và thearubigin.
3. Có thể làm giảm cholesterol xấu
Hàm lượng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) ở mức cao có thể là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ và đau tim. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy theaflavin và thearubigin có thể làm giảm lượng đường trong máu, cholesterol LDL, chất béo trung tính và làm tăng cholesterol HDL (tốt). Một nghiên cứu khác cho thấy uống trà đen (5 cốc mỗi ngày) có thể làm giảm 11,1% cholesterol xấu và 6,5% cholesterol toàn phần.
4. Giúp điều chỉnh lượng đường trong máu
Nếu lượng đường trong máu tăng cao, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, suy thận, béo phì, bệnh tim mạch và trầm cảm. Theo một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trà đen có khả năng làm tăng hoạt động của insulin hơn 15 lần. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng epigallocatechin gallate cùng với các hợp chất khác trong trà đã giúp cải thiện mức độ insulin. Trà đen cũng có thể giúp cơ thể chuyển hóa đường tốt hơn.
5. Cải thiện chức năng não và tâm trạng
Trà đen có chứa caffeine và L-theanine, một loại axit amin có khả năng làm tăng hoạt động của sóng alpha trong não, giúp cải thiện sự tập trung, tỉnh táo và cảm giác bình tĩnh.
6. Giảm huyết áp
Huyết áp cao là một căn bệnh thầm lặng có thể dẫn đến đột quỵ và bệnh tim. Theo một nghiên cứu có kiểm soát, những người uống 3 tách trà đen mỗi ngày trong hơn 6 tháng cho thấy kết quả huyết áp tâm thu và tâm trương giảm đáng kể khi so sánh với nhóm dùng giả dược.
Từ khóa trà đen