Trái mướp: Giảm huyết áp, cải thiện mỡ máu và ngăn ngừa bệnh gout
- Tú Liên
- •
Trái mướp, một loại rau củ mùa hè, có thể giúp hạ huyết áp, giảm mỡ máu và giảm táo bón. Mướp cũng có thể làm giảm sưng tấy, ngăn ngừa bệnh gout, chống virus và ung thư. Mướp rất giàu vitamin C và các khoáng chất như magie, canxi, sắt và kẽm. Loại rau củ này cũng là một nguồn protein thực vật tốt.
Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia Trung y Zhang Weijun tại Đài Loan về lợi ích y học và công dụng của mướp trong chế độ ăn cũng như cách tự làm nước mướp để chăm sóc da.
Lợi ích sức khỏe của trái mướp
1. Hạ huyết áp
Ăn mướp thường xuyên giúp giảm huyết áp. Loại rau củ này chứa L-citrulline, có thể chuyển hóa thành L-arginine giúp làm giãn mạch máu, từ đó làm hạ huyết áp và kích thích tuần hoàn máu. Ngoài ra, mướp có thể loại bỏ lượng muối và urê (chất thải hóa học) dư thừa ra khỏi cơ thể, góp phần làm giảm huyết áp. Những người có nước tiểu nặng mùi do nồng độ urê cao có thể giảm triệu chứng khi ăn nhiều mướp.
2. Thuốc lợi tiểu tự nhiên
Mướp có đặc tính lợi tiểu giúp thận lọc và loại bỏ độc tố. Không giống như các loại thực phẩm lợi tiểu khác, mướp có hàm lượng kali thấp nên an toàn cho những người mắc bệnh thận. Mướp cũng có thể giúp giảm sưng phù do các vấn đề về thận.
Do có tác dụng lợi tiểu và khả năng thải axit uric nên có thể uống canh mướp đun sôi với Đạm trúc diệp (Herba Lophatheri) để giảm tần suất các cơn gout tấn công.
3. Cải thiện lipid máu cao
Anh Zhang cho biết, uống canh mướp có thể giúp cải thiện mỡ máu cao. Đối với người thể chất yếu, dễ mắc bệnh, mỡ máu cao thì món mướp ninh với nhân sâm có tác dụng rất tốt.
Cách làm:
- Cho một trái mướp và 20 gam nhân sâm vào nồi đất.
- Hấp chín mà không cần thêm nước.
- Lấy phần nước canh do hơi nước ngưng tụ và uống mỗi ngày.
Uống nước canh mướp với nhân sâm mỗi ngày một lần trong một tuần có thể cải thiện các triệu chứng của mỡ máu cao, làm giảm mức cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và chất béo trung tính (triglycerides).
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất trái mướp làm giảm cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và cholesterol lần lượt khoảng 38%, 80% và 86%.
4. Làm dịu thần kinh và cải thiện giấc ngủ
Trái mướp có chứa axit gamma-aminobutyric (GABA) giúp giảm căng thẳng, giảm lo âu và cải thiện chứng mất ngủ. Anh Zhang khuyên nên ăn mướp hấp nghêu. Đây là một món ăn có tác dụng làm giảm sự cáu gắt, tạo cảm giác bình tĩnh và thư giãn, từ đó giúp cải thiện tâm trạng.
5. Cải thiện cơn ho do dị ứng
Anh Zhang cho biết, mặc dù chúng ta thường liên tưởng dị ứng với các phản ứng trên da như ngứa hoặc các triệu chứng ở mũi như hắt hơi, nhưng chúng cũng có thể biểu hiện theo những cách khác. Ví dụ, ho vào ban đêm có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng, tương tự như bệnh hen suyễn.
Mướp có chứa một hợp chất chống dị ứng gọi là axit bryonolic. Hầm mướp với chà là đỏ có thể giúp trị ho do dị ứng.
6. Giảm táo bón
Mướp có chứa chất xơ, giúp kích thích nhu động ruột và giảm bớt các triệu chứng táo bón.
Tác dụng làm mát và giải độc của trái mướp
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hợp chất trong trái mướp có hoạt tính điều hòa miễn dịch. Phần thịt, lá và hạt của trái muớp đã được sử dụng để điều trị bệnh tiêu chảy, nhiễm virus và các bệnh viêm nhiễm. Điều này chứng tỏ giá trị y học đáng kể của mướp. Anh Zhang nêu ra bốn công dụng cụ thể của trái mướp:
- Khi bắt đầu bị cảm lạnh kèm theo đau họng, ngậm một miếng mướp nhỏ và từ từ nuốt nước mướp có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
- Đối với các tình trạng như mụn nhọt hoặc mụn mủ, ăn mướp có thể giúp loại bỏ nhiễm trùng. Chà một miếng mướp nhỏ và bôi lên vùng bị ảnh hưởng có thể tăng tốc độ chữa lành.
- Đối với bệnh viêm niệu đạo kèm theo đau rát, uống nước sắc từ mướp và gạo trắng có thể giúp cải thiện triệu chứng.
- Nếu bị bệnh trĩ chảy máu nhiều và khó cầm, hãy cắt mướp thành các lát nhỏ, nướng cho đến khi cháy thành than, sau đó nghiền thành bột và dùng để cầm máu.
Xơ mướp có công dụng đa năng
Các sợi của trái mướp già đặc biệt rất thô. Sau khi loại bỏ phần thịt và hạt, thì những sợi xơ còn lại sẽ khô đi thành xơ mướp.
Theo Trung Y, việc tiêu thụ các loại thực phẩm và thảo dược có hình dáng giống với các cơ quan hoặc mô cụ thể trong cơ thể sẽ có tác dụng bồi bổ cho các cơ quan và mô đó.
Cấu trúc của xơ mướp gần giống với phổi của con người. Trong Trung Y, xơ mướp được đánh giá cao nhờ khả năng trị ho; giúp làm dịu hệ hô hấp, giảm ho và tống đờm.
Hình dáng của xơ mướp cũng giống mạng lưới mạch máu và kinh mạch trong cơ thể. Theo Trung Y, kinh tuyến là những kênh vận chuyển năng lượng trong cơ thể con người. Chúng chịu trách nhiệm vận chuyển khí (nguồn năng lượng trong mọi sinh vật) và huyết đi khắp cơ thể. Trong Trung Y, tất cả dưỡng chất bổ sung cho cơ thể gọi chung là huyết. Sự lưu thông của khí và huyết duy trì sự cân bằng và ổn định của các mô và cơ quan khác nhau.
Tắc nghẽn kinh mạch có thể làm gián đoạn dòng khí huyết, dẫn đến đau đớn trên cơ thể. Anh Zhang cho biết, xơ mướp có thể kích thích lưu thông máu và thông kinh mạch, giúp điều trị đau cơ khớp cũng như đau lưng hiệu quả. Hãy đun sôi vài lát xơ mướp trong 500 ml nước, sau đó để nguội và uống trong ngày.
Đối với trường hợp chậm kinh nguyệt kèm theo chướng bụng và khó chịu ở vùng bụng dưới, đun sôi 15 gam xơ mướp trong rượu gạo và uống sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng và kích thích chảy máu kinh.
Nước mướp cho làn da tự nhiên
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mướp có chứa nhiều thành phần chống oxy hóa. Nước mướp có thể nuôi dưỡng làn da, tăng độ đàn hồi, giảm nếp nhăn, cung cấp độ ẩm và làm chậm quá trình lão hóa.
Anh Zhang chia sẻ một phương pháp làm nước mướp tại nhà. Đầu tiên, gọt vỏ và cắt mướp thành từng lát. Sau đó hấp trong 20 phút và lọc phần nước tiết ra từ lát mướp để thu được nước mướp.
Công dụng của nước mướp:
- Tẩy trang tự nhiên: Làm sạch hiệu quả các tạp chất sâu bên trong, phục hồi sức sống cho làn da.
- Bảo vệ da: Thoa trước khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mặt để giảm tác hại tiềm ẩn của hóa chất hoặc chất bảo quản.
- Làm trắng da: Nước mướp giàu axit amin và vitamin C tự nhiên. Để làm trắng và trẻ hóa da, hãy ngâm mặt nạ trong nước mướp và đắp trong 15 phút.
- Kem dưỡng ẩm: Chiết nước mướp vào chai xịt nhỏ và mang theo để dùng khi da khô hoặc dùng như một loại kem chống nắng dưỡng ẩm.
- Giảm cháy nắng: Thoa nước mướp thường xuyên có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành các vùng da bị cháy nắng.
Lợi ích bổ sung của mướp
Uống trà lá mướp khô đun sôi có thể chống lại các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa và thậm chí mang lại lợi ích chống ung thư. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả trái mướp và lá mướp đều có hoạt tính chống ung thư.
Đắp lá mướp nghiền nát lên da có thể điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm nấm. Theo anh Zhang, phương pháp này thường có hiệu quả trong vòng ba ngày.
Hạt mướp có thể giúp làm giảm tình trạng cường kinh. Ngoài ra, rễ mướp có thể được sử dụng để điều trị đau thần kinh tọa và giảm đau đầu thường xuyên.
Trẻ em thường bị chảy máu cam khi lớn lên. Gia đình anh Zhang sử dụng một bài thuốc đặc biệt là hầm mướp với đường nâu giúp làm giảm vấn đề này. Mặc dù người lớn cũng có thể có tác dụng khi dùng bài thuốc này, nhưng đặc biệt hiệu quả đối với trẻ em. Anh Zhang chia sẻ cách làm:
Chuẩn bị:
- Rửa sạch và gọt vỏ nửa trái mướp. Cắt thành từng miếng.
- Cho vào nồi hấp và thêm 20 gam đường nâu.
- Hấp trong 15 phút sau khi nước bắt đầu bốc hơi.
- Để nguội đến nhiệt độ thích hợp và sử dụng.
Dùng một lần mỗi ngày trong ba ngày liên tiếp để cải thiện các triệu chứng chảy máu mũi.
Cẩn trọng khi ăn mướp
Theo anh Zhang, mặc dù mướp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng những nhóm người sau đây nên hạn chế sử dụng.
- Những người bị lạnh tay chân, thường xuyên đau lưng, mệt mỏi nên tránh ăn quá nhiều mướp vì có thể gây tiêu chảy.
- Tiêu thụ quá nhiều mướp có thể dẫn đến rối loạn cương dương, nhưng điều này có thể được khắc phục bằng cách nấu với gừng.
- Phụ nữ mang thai và những người có tiền sử sảy thai nhiều lần nên tránh dùng mướp do hạt mướp có đặc tính gây sảy thai.
Điều quan trọng cần lưu ý là phương pháp điều trị có thể khác nhau tùy theo từng người. Vui lòng tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để có kế hoạch điều trị cụ thể.
Từ khóa mỡ máu huyết áp bệnh gout Trái mướp