Trung Quốc tái bùng phát COVID-19 với triệu chứng họng đau như cắt
- Theo NTD News
- •
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng COVID-19 mới, với nhiều bệnh nhân báo cáo triệu chứng đau họng nghiêm trọng, bỏng rát.
Vào hôm 19/5, ông Chung Nam Sơn, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về phổi và dịch tễ học, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước rằng triệu chứng “họng dao lam” nổi bật hơn trong đợt dịch này, kèm theo ho nhiều hơn.
“Họng dao lam” là cách nói phổ biến ở Trung Quốc để mô tả cảm giác đau rát cổ họng dữ dội, giống như đang nuốt phải mảnh thủy tinh vỡ hoặc lưỡi dao lam.
Bác sĩ Lý Đồng Tăng, Giám đốc Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hữu Ái Bắc Kinh, nói với truyền thông Trung Quốc rằng làn sóng COVID-19 mới bắt đầu từ tháng Ba và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng Năm.
Theo ông Chung, biến thể chính trong đợt dịch này là Omicron XDV – có khả năng lây lan cao nhưng độc lực thấp hơn. Các triệu chứng sớm bao gồm sốt, đau đầu, mệt mỏi, cổ họng nóng rát và ho dữ dội.
Ông cho rằng dịch bệnh hiện vẫn đang ở giai đoạn “leo dốc” và có thể kéo dài từ 6 đến 8 tuần, dự kiến sẽ giảm vào cuối tháng Sáu.
Trên mạng xã hội Weibo – nền tảng truyền thông tại Trung Quốc được chính quyền giám sát chặt chẽ – nhiều cư dân mạng đã chia sẻ trải nghiệm đau đớn với biến thể mới.
Một người viết: “Giờ nghỉ trưa mấy hôm trước, đồng nghiệp tôi ho dữ dội đến mức tôi tưởng cô ấy bị nghẹn. Cô ấy nói đó là di chứng của đợt COVID này. Khi tôi hỏi triệu chứng chính, cô ấy bảo là ‘họng dao lam’”.
Một bình luận khác chia sẻ: “Tôi bị ‘họng dao lam’, kiệt sức hoàn toàn”.
Một người khác viết: “Họng dao lam do hậu COVID thật khủng khiếp – cổ họng sưng, đau, gần như không nói được. Có mẹo nào giúp giảm nhanh không?”
Một phụ nữ ở Bắc Kinh, đã nhiễm COVID-19 gần 10 ngày, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times: “Tôi bị sốt, đau họng, đờm vàng có vệt máu, chảy máu mũi, ho, hắt hơi, sổ mũi, chóng mặt và không còn sức lực. Thật kinh khủng, tôi chỉ hắt hơi một cái là máu mũi chảy ra, khiến tôi sợ chết khiếp. Đợt COVID lần này quá nặng”.
Thiếu dữ liệu về dịch bệnh
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc che giấu dữ liệu dịch bệnh, đặc biệt là số người tử vong.
Dù cụm từ “ca nhiễm COVID-19 tăng cao” đang thịnh hành trên Weibo, truyền thông Trung Quốc lại giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch, và nhiều chuyên gia cho biết dữ liệu do nhà chức trách cung cấp bị thiếu hụt hoặc không rõ ràng.
Tiến sĩ Jonathan Liu, giáo sư tại Trường Trung y Canada và Giám đốc Phòng khám Trung y Khang Mỹ, đồng thời là người hoài nghi dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), cho biết dữ liệu chính thức trong tháng 3 báo cáo chỉ có bảy người tử vong vì COVID-19 trong tháng đó.
“Với tỷ lệ dịch bệnh bình thường, con số này là không hợp lý. Canada – nơi dân cư thưa thớt và điều kiện vệ sinh tốt – báo cáo 1.915 ca tử vong vì COVID từ tháng Tám năm ngoái đến tháng Năm năm nay, tức hơn 200 ca mỗi tháng. Làm sao Trung Quốc, với dân số đông đúc, chỉ có 7 ca tử vong mỗi tháng?”, ông Liu nói với The Epoch Times.
Theo CCDC, tỷ lệ khám ngoại trú và cấp cứu tăng từ 7,5% lên 16,2%, còn tỷ lệ bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng nhập viện tăng từ 3,3% lên 6,3%.
Ông Lâm Tiểu Hứa, trợ lý giáo sư tại Khoa Khoa học Y sinh, Trường Cao đẳng Feitian (New York) và là cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết CCDC đã không công bố những dữ liệu quan trọng nhất.
Ông nói với The Epoch Times rằng dữ liệu mà CCDC đưa ra chỉ phản ánh tỷ lệ dương tính đang tăng, nhưng lại bỏ qua 4 yếu tố then chốt:
- Số ca nhiễm được xác nhận
- Tỷ lệ nhập viện
- Tỷ lệ ca bệnh nặng
- Tỷ lệ tử vong
Đây là những yếu tố thiết yếu để hiểu rõ mức độ nghiêm trọng thực sự của đợt dịch.
Ông cho rằng chính quyền Trung Quốc từ trước đến nay đã giấu giếm quá nhiều thông tin.
COVID-19 gia tăng ở châu Á
Số ca COVID-19 cũng đang tăng ở Singapore, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan và Hồng Kông.
Ngày 8/5, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông báo cáo rằng trong bốn tuần qua, các chỉ số giám sát COVID chính đã đạt mức cao nhất trong một năm, với 31 ca tử vong ở người lớn.
Ngày 13/5, cơ quan y tế Singapore cho biết, từ 27/4 đến 3/5, số ca nhiễm đã tăng khoảng 28%, vượt mốc 14.000 ca, và số ca nhập viện mỗi ngày cũng tăng 30%.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan cho biết số ca nhiễm tăng đáng kể từ đầu tháng 5 và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng Sáu.
Ông Chung cho biết, xét về mặt sinh học, virus COVID-19 có thể sẽ giảm độc lực để tồn tại lâu dài, nhưng hiện tại còn quá sớm để kết luận liệu nó có trở thành loại virus “giống cúm” hay không.
Tuy nhiên, ông khẳng định một điều chắc chắn: Virus COVID-19 sẽ không biến mất.
Từ khóa COVID-19 Chung Nam Sơn Dịch bệnh ở Trung Quốc
