Các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc điện đàm hôm thứ Năm (21/12), đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai bên sau 16 tháng ngừng liên lạc.

Gen Brown
Ngày 7/5/2020, Tướng Charles Q. Brown, Jr., người được đề cử làm Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, phát biểu tại Phiên điều trần Lực lượng Vũ trang Thượng viện. (Ảnh: Al Drago/AFP qua Getty Images)

Trong một cuộc họp video hôm thứ Năm (21/12), Tướng Không quân Charles Q. Brown, Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và Tướng Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), Bộ Tham mưu chung của quân đội Trung Quốc, đã thảo luận các vấn đề bao gồm an ninh toàn cầu và khu vực.

Ông Lưu Chấn Lập có khả năng sẽ thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) vừa bị sa thải. Ông Lưu không bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Các quan chức Lầu Năm Góc chỉ đưa ra một tuyên bố ngắn gọn sau cuộc họp, mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Tuyên bố viết, Tướng Brown đã thảo luận về tầm quan trọng của việc Mỹ và Trung Quốc hợp tác quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm, tránh tính toán sai lầm và duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và trực tiếp.

Tuyên bố cho biết thêm, Tướng Brown nhắc lại tầm quan trọng của việc quân đội Trung Quốc tham gia vào cuộc đối thoại thực chất để giảm khả năng hiểu lầm.

Hơn một tháng trước, Tổng thống Biden và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gặp nhau bên ngoài San Francisco. Hai bên nhất trí nối lại liên lạc quân sự và gửi tín hiệu ra thế giới bên ngoài nhằm xoa dịu quan hệ Mỹ-Trung.

Nhưng Bắc Kinh vẫn cảnh giác với cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng tới và thúc giục Hoa Kỳ giảm hỗ trợ cho hòn đảo này. Washington cũng cảnh báo Bắc Kinh ngừng quấy rối tàu Philippines ở Biển Đông.

Cuộc gọi quân sự hôm thứ Năm (21/12) là cuộc trao đổi thực chất đầu tiên giữa quân đội hai nước, kể từ khi Bắc Kinh đình chỉ đối thoại để trả đũa chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện khi đó, vào tháng 8/2022. Trong 16 tháng qua, nỗ lực nối lại đối thoại của Mỹ đã thất bại do sự phản đối của Trung Quốc.

Trung Quốc và Mỹ nhìn nhận sự can dự quân sự theo những cách khác nhau. Trong vài thập kỷ qua, Bắc Kinh thường cố tình cắt đứt đối thoại quân sự Trung-Mỹ trong thời điểm căng thẳng.

Trong khi, chính quyền Biden thường nhấn mạnh rằng các kênh liên lạc này rất quan trọng trong việc quản lý khủng hoảng, và yêu cầu Trung Quốc quản lý quan hệ song phương một cách có trách nhiệm.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc tuyên bố rằng từ mùa thu năm 2021 đến năm 2023, ĐCSTQ đã tiến hành hơn 180 “cuộc ngăn chặn trên không bắt buộc và nguy hiểm” chống lại máy bay quân sự của Mỹ ở Biển Đông.

Ông Dư Mậu Xuân, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết: “Ngay cả khi ông Tập Cận Bình đồng ý thiết lập đường dây nóng ở San Francisco, thì khả năng các tướng lĩnh của ông ấy đáp lại lời kêu gọi trong thời kỳ khủng hoảng có lẽ là bằng 0.”

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng ngay cả khi liên lạc quân sự được nối lại, có thể phải mất thời gian để hai bên thiết lập một cuộc đối thoại thực sự hiệu quả.

Tại một sự kiện của think tank vào tuần trước, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết, ông không lạc quan về tương lai của quan hệ Mỹ-Trung.

Ông Vương Hách, nhà bình luận thời sự tại New York, cho rằng ĐCSTQ đang hành động như một kẻ lừa đảo, và vũ khí hóa các cuộc trao đổi quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Họ có thể cắt hoặc mở bất cứ lúc nào, đây vừa là phương tiện, vừa là mục đích nhằm nhận được một số lợi ích từ Hoa Kỳ.

Ông cho rằng, những thủ đoạn lưu manh này của ĐCSTQ chỉ là thủ đoạn xảo quyệt, có thể đạt được những lợi thế nhất định ở một khía cạnh nào đó.

Tuy nhiên, xét ở góc độ chiến lược, ĐCSTQ chỉ đang tự đào hố chôn mình, chọc giận Mỹ, và đẩy các nước láng giềng như Nhật Bản, Philippines sang một bên (chiến thuật bất hảo của ĐCSTQ không chỉ nhằm vào Hoa Kỳ mà nhằm vào tất cả các nước). ĐCSTQ đã biến mình thành kẻ đơn độc, góp phần khách quan vào sự thành công của “chiến lược liên minh” của Hoa Kỳ.