37 tổ chức kêu gọi Mỹ cấm nhập khẩu sản phẩm của lao động nô lệ TQ
- Minh Nhật
- •
Gần đây, 37 tổ chức nhân quyền đã cùng gửi thư ngỏ kêu gọi Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm do lao động nô lệ sản xuất tại Trung Quốc.
Theo trang web tiếng Trung Nghị báo (Yibao) của Mỹ, liên minh các tổ chức nhân quyền đã thúc giục ông Mark Morgan, Giám đốc Cơ quan Hải quan và biên giới Mỹ ban hành Lệnh từ chối Thông quan (WRO), cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm từ bông, dệt may và quần áo liên quan đến lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
Ngày 1/10, CBP cho biết, hàng hóa nhập khẩu từ năm quốc gia bị tình nghi sử dụng lao động cưỡng bức đã bị các cơ quan hải quan thu giữ, trong đó có hàng may mặc từ Trung Quốc, kim cương từ Zimbabwe, găng tay cao su từ Malaysia, vàng khai thác từ Cộng hòa Dân chủ Congo, và xương đen, xương động vật bị đốt thành than từ Brazil.
Chiến dịch chống lao động nô lệ của CBP dựa trên một đạo luật có hiệu lực từ năm 2016. Theo đó các sản phẩm được làm ra bởi lao động là các tù nhân, người được bảo lãnh và trẻ vị thành niên sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Ngay sau khi đạo luật này có hiệu lực, các mặt hàng như tỏi bóc vỏ, đồ chơi trẻ em được sản xuất tại Trung Quốc đã bị tịch thu và cấm nhập khẩu vào Mỹ.
TQ trở thành quốc gia sản xuất bông lớn nhất thế giới nhờ lao động nô lệ
Nghị báo đưa tin, bức thư của các tổ chức nhân quyền kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ nỗ lực thêm một bước nữa trong việc ban hành lệnh từ chối thông quan đối với tất cả các sản phẩm bông, dệt may và quần áo từ Trung Quốc.
Bức thư đề cập đến các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang xây dựng các trại lao động cưỡng bức tại Tân Cương và nhiều khu vực khác nhằm sản xuất sản phẩm vải bông, hàng dệt may, quần áo. Những sản phẩm này hiện vẫn đang được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Trại tập trung sản xuất bông của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ do ĐCSTQ xây dựng chủ yếu đặt tại Tân Cương, sản xuất 84% sản lượng bông của Trung Quốc.
Bức thư cũng trực tiếp trích dẫn dữ liệu do chính quyền Trung Quốc công bố, lời khai của các công ty và nhân chứng tại Trung Quốc, tiết lộ cách thức ĐCSTQ trở thành nhà sản xuất bông lớn nhất thế giới thông qua việc xây dựng hệ thống lao động cưỡng bức và sử dụng lao động nô lệ.
Tân Cương hiện là khu vực có tỷ lệ tù nhân trên đầu người cao nhất Trung Quốc. Ngoài trại lao động Duy Ngô Nhĩ, còn có hơn 80 nhà tù khác ở Tân Cương. Đặt trong tương quan, mặc dù dân số của tỉnh Sơn Đông nhiều hơn bốn lần so với Tân Cương, nhưng chỉ có 25 nhà tù.
Nhiều công ty nước ngoài tham gia vào các dự án lao động nô lệ
ĐCSTQ cũng đã khởi động một dự án nhằm xúc tiến hợp nhất theo chiều dọc các ngành sản xuất hàng may mặc, di chuyển các nhà máy dệt may đến gần khu sản xuất bông ở Tân Cương, và nguồn lao động chính cho sản xuất chính là tù nhân.
Kể từ năm 2014, khoảng 2.200 công ty sản xuất bông, dệt may, quần áo đã tham gia vào dự án này. Các “Xí nghiệp nhà tù” như Công ty bông Lợi Hoa Tân Cương cho biết, cứ mỗi năm họ lại tăng thêm 8.000 công nhân là người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, các công ty như Công ty thời Trang Hoa Phú, Công ty dệt Lộ Thái cùng các thương hiệu thời trang quốc tế như Target, Burberry, Calvin Klein, Hugo Boss, Armani, Gucci, Olymp cùng Uniqlo cũng tham gia vào dự án này.
Tính đến năm 2018, căn cứ theo số liệu hồ sơ từ chính quyền Trung Quốc, đã có khoảng 450.000 người, bao gồm công nhân của những gia đình nghèo người Duy Ngô Nhĩ, tội phạm, thân nhân tội phạm bị câu lưu, tù nhân bị giam giữ trong các trại lao động gia nhập lực lượng lao động nô lệ.
Người tập Pháp Luân Công vạch trần ngành công nghiệp nô lệ của ĐCSTQ
Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, tù nhân bị giam giữ thường xuyên phải chịu ép buộc lao động khổ sai. Những người tập Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp cũng phải sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau như quần áo, quà tặng, bóng đèn, đồ chơi v.v. trong các môi trường độc hại và khắc nghiệt. Các sản phẩm này sau đó sẽ được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và một số thị trường khác.
Ông Tôn Nghị, một người tập Pháp Luân Công đã từng gửi thư cầu cứu trong trại lao động, và sau khi đào thoát ra nước ngoài đã phơi bày những video và hình ảnh mà ông quay chụp được về vấn nạn lạm dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc. Những hình ảnh đó khiến người xem không khỏi chấn động.
>> Bức thư cầu cứu vượt đại dương
Một báo cáo điều tra về lao động nô lệ của mạng Minghui.org tiết lộ, nhiều trại lao động và nhà tù không trả bất kỳ khoản lương nào cho lao động nô lệ. Trại lao động Mã Tam Gia, người bị giam giữ chỉ được nhận thù lao 10 nhân dân tệ mỗi tháng. Điều đó có nghĩa là chi phí nhân công cho mỗi sản phẩm được làm ra từ các trại lao động là gần như bằng 0.
Vấn đề lao động nô lệ trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, đã có không ít người kêu gọi phía Mỹ cần gắn thương mại đi đôi với nhân quyền. Nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa có hành động cụ thể nào.
Bà Olivia Enos, một nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Viện Di sản, nói với Epoch Times rằng trên thực tế, Mỹ có thể sử dụng một số cơ chế hiện có để giải quyết vấn đề lao động nô lệ ở Trung Quốc.
“Trước tiên, Hoa Kỳ có thể xem xét khởi động Đạo luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky”, bà Enos nói. “Cơ quan Hải quan, đội tuần tra biên phòng và Bộ Thương mại có thể hỗ trợ Bộ Tài chính điều tra xem có hàng hóa sản xuất từ trại lao động cưỡng bức nào vào Hoa Kỳ hay không. Ngoài ra, họ có thể sử dụng cơ chế thứ hai – Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Hoa Kỳ thông qua trừng phạt – để ngăn chặn sự xâm nhập của những hàng hóa này.”
Bà Enos nhấn mạnh, đạo luật này rất quan trọng vì có thể cấm nhập khẩu hàng hóa từ các công ty sử dụng lao động nô lệ và thậm chí là cấm cả quốc gia. Bà nói rằng Mỹ cũng có thể sử dụng các kênh ngoại giao để ngăn chặn các quốc gia khác hợp tác với những nước sử dụng lao động nô lệ.
Minh Nhật
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Tân Cương lao động cưỡng bức thương mại Mỹ - Trung