Các cơ quan tư pháp của Mỹ đã liên tiếp truy tố một số vụ án liên quan đến đặc vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Điều này cho thấy không nơi nào không có sự xâm nhập của ĐCSTQ vào Mỹ. Dưới đây là tóm tắt 8 trường hợp liên quan gần đây:

Tôn Văn

Ton Van
Sáng thứ Ba (3/9), bà Tôn Văn (Linda Sun, bên phải) – cựu Phó chánh văn phòng bang New York Kathy Hochul, kiêm nguyên Phó giám đốc Bộ Lao động bang, và chồng bà là ông Hồ Kiêu (Chris Hu, bên trái) đã bị FBI bắt giữ tại biệt thự ở Long Island. Bà Tôn Văn bị cáo buộc làm điệp viên bí mật cho Chính phủ Trung Quốc. Trong ảnh là 2 vợ chồng bà xuất hiện bên ngoài tòa án. (Ảnh: Hoàng Tiểu Đường/Epoch Times)

Ngày 3/9, cựu Phó chánh văn phòng Thống đốc bang New York và nguyên Phó giám đốc Bộ Lao động tiểu bang – bà Tôn Văn (Linda Sun, 41 tuổi) – cùng chồng là ông Chris Hu (Hồ Hiểu, 40 tuổi) bị FBI bắt giữ tại biệt thự của họ ở Long Island, New York.

Các công tố viên buộc tội bà Tôn Văn với 10 tội danh vi phạm “Đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài”, gian lận thị thực, gian lận nhập cư và âm mưu rửa tiền. Chồng của bà là ông Chris Hu bị buộc tội âm mưu rửa tiền, âm mưu lừa đảo ngân hàng và lạm dụng thân phận của vợ.

Theo bản cáo trạng dài 64 trang, những hành vi mà bà Tôn Văn bị buộc tội là đặc vụ của ĐCSTQ bao gồm:

1. Giả mạo chữ ký của thống đốc: Trong năm 2018 và 2019, bà Tôn Văn đã 2 lần giả mạo chữ ký của Thống đốc New York để mời các quan chức tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đến thăm New York, cho phép các quan chức ĐCSTQ này lấy thị thực Mỹ một cách bất hợp pháp và nhập cảnh vào Mỹ bất hợp pháp.

2. Giúp ĐCSTQ chèn ép Đài Loan: Kể từ năm 2016, bà Tôn Văn đã dùng chức vụ của mình để cố gắng hết sức ngăn cản quan chức Đài Loan tiếp xúc với Văn phòng Thống đốc New York.

“Tôi đã ngăn chặn thành công mọi mối quan hệ giữa bang New York và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc. Tôi đã từ chối mọi yêu cầu từ văn phòng của họ”, bà nói trong một lá thư gửi các quan chức Lãnh sự quán Trung Quốc.

Sau khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, Đài Loan đã tặng 200.000 chiếc khẩu trang cho New York và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc đã yêu cầu sắp xếp một cuộc gọi hội nghị với Phó Thống đốc Kathy Hochul. Bà Tôn Văn đã không hồi đáp về yêu cầu này. Mặc dù Văn phòng Văn hóa Đài Bắc nhiều lần theo dõi tình hình tiến triển của yêu cầu này, nhưng bà Tôn Văn lại thông báo trước tiên cho Lãnh sự quán ĐCSTQ.

3. Để cho quan chức Lãnh sự quán Trung Quốc nghe online cuộc họp nội bộ của chính quyền New York: Hôm 16/3/2020, bà Tôn Văn đã âm thầm cho quan chức Lãnh sự quán ĐCSTQ nghe cuộc gọi hội nghị của Chính quyền bang New York. Cuộc họp này không mở cửa cho công chúng, và các quan chức Lãnh sự quán Trung Quốc không có tên trong danh sách khách mời. Sau đó, quan chức Lãnh sự quán Trung Quốc nhận xét cuộc gọi này “rất hữu ích”.

4. Nhận được lợi ích khổng lồ từ ĐCSTQ nhưng không khai báo: Tôn Văn và chồng đã sử dụng số tiền kiếm được từ ĐCSTQ để mua một biệt thự trị giá 4,1 triệu USD ở Manhasset, một quận giàu có nổi tiếng ở Long Island, New York, một căn hộ trị giá 2,1 triệu USD ở Honolulu, Hawaii và nhiều loại ô tô sang trọng khác nhau, trong đó có một chiếc Ferrari 2024. Nhưng bà chưa bao giờ báo cáo việc này với chính quyền bang New York theo quy định của pháp luật.

Tôn Văn sinh ra ở Nam Kinh và đến Mỹ cùng bố mẹ khi mới 5 tuổi, có thể nói thông thạo tiếng Trung; năm 2009 được thuê làm chánh văn phòng của Nghị sĩ bang New York lúc bấy giờ là bà Grace Meng (hiện là thành viên Hạ viện); năm 2012 gia nhập Chính quyền bang New York của Thống đốc Cuomo với tư cách là Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á của Thống đốc New York, Giám đốc thương mại toàn cầu của bang, Giám đốc đối ngoại tại Empire State Development Corporation, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề đa dạng của bang, Phó Giám đốc Sở Tài chính bang New York kiêm Giám đốc các vấn đề đa dạng.

Sau khi bà Hochul lên làm thống đốc vào năm 2021, Tôn Văn được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng; 9/2022 được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Lao động bang New York và từ chức vào tháng 3/2023. Người phát ngôn của văn phòng bà Hochul cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền bang đã sa thải Tôn Văn sau khi “phát hiện ra bằng chứng về hành vi sai trái của bà ấy”.

Luật sư Mỹ Breon Peace cho biết trong một thông cáo báo chí: “Như cáo buộc chỉ ra, bị cáo (Tôn Văn) và chồng của bà ấy bề ngoài phục vụ người dân New York với tư cách là Phó chánh văn phòng của Văn phòng Thống đốc New York, nhưng trên thực tế họ đang làm việc cho Chính phủ Trung Quốc (Cộng sản) và mưu lợi cho ĐCSTQ.”

Vương Thư Quân

Hôm 6/8, ông Vương Thư Quân (Wang Shujun – 76 tuổi) đã bị bồi thẩm đoàn tại Tòa án Liên bang Quận phía Đông của New York kết tội với 4 tội danh, bao gồm làm đặc vụ cho chính phủ nước ngoài và cung cấp những tuyên bố sai sự thật cho cơ quan thực thi pháp luật. Tòa án hoãn tuyên án đến ngày 9/1 năm sau.

Wang Shujun
Ngày 29/7/2024, ông Vương Thư Quân (Wang Shujun) chống gậy và kéo một chiếc xe đẩy bên ngoài Tòa án Liên bang Quận phía Đông của New York. (Ảnh: Thái Dung/The Epoch Times)

Năm 2006, ông Vương Thư Quân tham gia thành lập “Quỹ tưởng niệm Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương” và giữ chức tổng thư ký, 5 năm sau, ông trở thành phó hội trưởng của hiệp hội này. Các thành viên của hiệp hội chủ yếu là những nhà bất đồng chính kiến ​​​​chống ĐCSTQ và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng. Vương đã sử dụng vị trí của mình để liên lạc với các nhà dân chủ Hồng Kông, những người ủng hộ độc lập cho Đài Loan, người Duy Ngô Nhĩ, các nhà dân chủ Tây Tạng và người tập Pháp Luân Công, đồng thời giám sát những người này. Sau khi được đối phương tin tưởng và có được thông tin, ông ta đã sử dụng phần mềm mã hóa, nhật ký email, hoặc thậm chí đích thân quay trở lại Trung Quốc để truyền đạt thông tin đó cho 4 quan chức an ninh quốc gia của ĐCSTQ đã ủy thác cho ông ta, bao gồmLã Khắc Thanh (Lu Keqing) và Kỷ Kiệt (Ji Jie) của Cơ quan An ninh quốc gia Thanh Đảo, Hạ Phong (He Feng) và Lý Minh (Li Ming) của Cơ quan An ninh quốc gia Quảng Đông.

Theo hồ sơ tòa án, ông Vương Thư Quân đã đến và đi từ Trung Quốc 19 lần từ năm 2011 đến năm 2019 và 3 lần một năm từ năm 2015 đến năm 2017. Từ năm 2013 đến 2017, ông và Kỷ Kiệt đã có 100 cuộc gọi điện thoại và các cuộc gọi thường kéo dài vài giờ. Mãi đến cuối năm 2015, ông mới mua một chiếc điện thoại thông minh và bắt đầu sử dụng WeChat. Các hướng dẫn từ Cục An ninh Quốc gia của ĐCSTQ mới được chuyển sang WeChat để liên lạc, sau đó bị FBI thu thập và dùng làm bằng chứng trước tòa.

Trong một tuyên bố sau phán quyết, công tố viên Breon Peace tại Quận Đông New York cho biết: “Tất cả những điều này (những lời buộc tội trong bản cáo trạng) giống như một cuốn tiểu thuyết gián điệp, nhưng bằng chứng lại rất thực tế, cho thấy bị cáo là một điệp viên bí mật của Chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ)”. “Vương Thư Quân giả làm một học giả nổi tiếng và người sáng lập tổ chức dân chủ, ông ấy đã phản bội những người tôn trọng và tin tưởng ông ấy. Ông ấy đã nói dối cơ quan thực thi pháp luật khi hành vi đáng hổ thẹn của ông ấy bị vạch trần, nhưng phán quyết ngày hôm nay đã vạch trần sự thật về tội ác của ông ấy, ông ấy sẽ phải đối mặt với hậu quả.”

Vương Thư Quân là người gốc Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp Khoa Lịch sử của Đại học Sơn Đông và sau đó vào Học viện Khoa học Xã hội Thanh Đảo; năm 1994 đến Đại học Columbia ở New York với tư cách là học giả thỉnh giảng; năm 1997 có được “Thẻ xanh Mỹ dành cho những tài năng đặc biệt”; năm 2003 trở thành công dân Mỹ.

Trần Quân, Lâm Phong

Hôm 24 và 25/7,  tại Tòa án Liên bang Quận Nam New York, Trần Quân (Chen Jun) và Lâm Phong (Lin Feng) lần lượt nhận tội làm gián điệp nước ngoài và hối lộ quan chức Mỹ. Họ sẽ bị kết án lần lượt vào ngày 30 và 31/10.

Dac vu TQ nhan toi 01
Vào ngày 24 và 25 tháng 7 năm 2024, Chen Jun (trái) và Lin Feng (phải) đã nhận tội tại Tòa án Liên bang Quận phía Nam New York về hành vi bất hợp pháp với tư cách là đặc vụ của Trung Quốc, thực hiện chiến dịch gây ảnh hưởng của Bắc Kinh trên đất Hoa Kỳ. (Ảnh: Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, Đài Á Châu Tự do)

Theo bản cáo trạng, từ tháng 1 đến tháng 5/2023, họ đã làm theo chỉ thị của các quan chức ĐCSTQ, thông qua hối lộ một quan chức Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) để thúc đẩy cơ quan thuế hủy bỏ tình trạng miễn thuế của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Họ đã gửi tổng cộng 5.000 USD tiền hối lộ cho quan chức này thành 2 đợt và hứa sẽ trả tổng cộng 50.000 USD tiền hối lộ và các lợi ích khác khi vụ việc kết thúc.

Trần Quân đã nói rõ trong một đoạn ghi âm điện thoại rằng mục đích của những khoản hối lộ do chính quyền ĐCSTQ chỉ đạo và tài trợ này, là để thực hiện mục tiêu “lật đổ Pháp Luân Công” tại Mỹ.

Điều họ không bao giờ ngờ tới là quan chức IRS lại là một đặc vụ FBI chìm.

Các tương tác của Trần Quân và lâm Phong với các quan chức IRS, bao gồm WeChat, các cuộc gọi điện thoại, email, cuộc trò chuyện trong bữa tối, quy trình hối lộ và thảo luận về cách trả số tiền 50.000 USD đã hứa, đều bị FBI giám sát.

Hôm 26/5/2023, sau khi thu thập tất cả các bằng chứng liên quan, FBI quyết định “thu lưới”. Vào lúc 6h sáng hôm đó, khi Trần Quân vẫn đang ngủ, các đặc vụ FBI đã gõ cửa nơi ở của ông ta ở Los Angeles và bắt giữ ngay tại chỗ. Đồng phạm của ông ta là Lâm Phong cũng bị bắt cùng ngày.

Trần Quân năm nay 71 tuổi, tốt nghiệp Trường Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Ngoại ngữ Thiên Tân năm 1969; phục vụ trong Sư đoàn Hàng không 46 từ năm 1969 đến năm 1975 và đóng quân tại Căn cứ thứ 20 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng (tức là Cơ sở Thí nghiệm Tên lửa Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc). Từ năm 1975, ông gia nhập một công ty ngoại thương và giữ chức vụ tổng đại diện thương mại của Chính quyền thành phố Thiên Tân ở Bờ Tây nước Mỹ; năm 1992, di cư sang Mỹ và trở thành công dân Mỹ; năm 2004, trở thành chủ tịch Hội đồng hương Thiên Tân ở Mỹ.

Từ năm 2004, Trần Quân trở thành cố vấn ở nước ngoài và thành viên ủy ban của “Hội liên hiệp Hoa kiều hồi hương toàn Trung Quốc” có trụ sở tại Bắc Kinh; từ năm 2008, giữ chức vụ giám đốc “Hiệp hội hữu nghị hải ngoại Trung Quốc” có trụ sở tại Bắc Kinh; từ 2008 đến 2017, giữ chức vụ giám đốc và giám đốc điều hành của Hiệp hội giao lưu hải ngoại Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh.

Trần Quân cũng là thành viên được mời đặc biệt của Ủy ban Hoa kiều Hồng Kông, Macao và Đài Loan thuộc Ủy ban chính hiệp thành phố Thiên Tân, phó chủ tịch Hiệp hội hữu nghị hải ngoại Thiên Tân và phó chủ tịch Hiệp hội giao lưu hải ngoại Thiên Tân.

Năm 2008, ông được mời tham gia lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh; năm 2015, tham gia “Duyệt binh ngày 3/9”; năm 2019, tham gia tiệc chiêu đãi kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ; năm 2021, tham gia lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.

Trong một cuộc điện thoại được ghi âm, Trần Quân tự hào nói: “Tập Cận Bình đã triệu tập tôi 3 lần trong 10 năm”.

Lâm Phong là cựu tuyển thủ đội đua xe đạp quốc gia Trung Quốc đã nhận được thẻ xanh của Mỹ. Ông là chủ tịch Liên minh Thanh niên Yêu nước và Bảo vệ Hồng Kông Nam California, một tổ chức mặt trận thống nhất của ĐCSTQ.

Lương Lợi Đường

Hôm 9/5/2023, Lương Lợi Đường (Litang Liang), đồng chủ tịch Hiệp hội Thúc đẩy Thống nhất Hòa bình Trung Quốc tại Boston, Hoa Kỳ, đã bị FBI bắt giữ.

id13992510 560de170848ade821634a79ade1116cc 600x400 1
Vào tháng 11/2017, ông Lương Lợi Đường đã tham gia hoạt động của Hiệp hội dòng họ Lương ở Boston. (Ảnh: Huang Jianyu/The Epoch Times)

Lương Lợi Đường bị buộc tội “âm mưu làm đại diện cho chính phủ nước ngoài” “đại diện cho chính phủ nước ngoài mà không thông báo cho Bộ Tư pháp Mỹ”.

Theo bản cáo trạng tại Tòa án Quận Liên bang Massachusetts, các sự thật mà Lương Lợi Đường bị cáo buộc hành động với tư cách là đại diện của ĐCSTQ bao gồm:

Vào tháng 8/2018, Lương Lợi Đường tiết lộ với đồng nghiệp họ Lương khác rằng Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York muốn biết “lập trường chính trị” của một luật sư địa phương và hỏi ông có biết luật sư này không. Ông cũng đề cập rằng một “đại sứ quán” sẽ đến thăm Boston để thảo luận về cái gọi là “danh sách đen”.

Khoảng 6 ngày sau, đồng nghiệp đó gửi cho Lương Lợi Đường một email có tiêu đề “Danh sách đen”.

Vào tháng 9 cùng năm, Lương Lợi Đường đã giúp tổ chức một sự kiện với sự tham dự của Lãnh sự A cùng B (một quan chức cấp cao của Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York). Lãnh sự A sau đó hỏi Lương Lợi Đường tên một nhân viên của một quan chức dân cử ở Boston đã tham dự sự kiện và Lương Lợi Đường nhanh chóng cung cấp thông tin. 

Vào ngày 6/12, Lãnh sự A đã hỏi Lương Lợi Đường về số lượng nhân viên của các tổ chức cộng đồng ủng hộ Đài Loan. Cuối ngày hôm đó, Lương nói chuyện với Lãnh sự A trong 15 phút. Đến ngày 10/2/2019, Lương lại nói chuyện với Lãnh sự A trong 12 phút và vài ngày sau ông ta cung cấp cho quan chức này danh sách thành viên các tổ chức cộng đồng thân Đài Loan.

Từ ngày 21 đến ngày 22/2/2019, Lương Lợi Đường cũng cung cấp cho Lãnh sự A những thông tin liên quan về 3 hội đồng hương người Hoa ở New England và New York, bao gồm số lượng thành viên và tên của một số lãnh đạo Hoa kiều.

Vào tháng 10/2018, Lãnh sự A đã giới thiệu Lương Lợi Đường với C, người đứng đầu một cơ quan trực thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. C gửi cho Lương thông tin về việc tham gia cuộc họp của “Liên đoàn Hoa kiều hải ngoại”, Lương đã đưa ra một bảng biểu được điền sẵn, và nói chuyện với quan chức của hội liên hiệp để cung cấp danh sách những người tham gia.

Ông Lương đã đến thăm Trung Quốc 2 lần trong những tuần tiếp theo: lần đầu tiên từ ngày 23 đến 27/10, và lần thứ hai từ ngày 4 đến 15/11.

Ngày 24/10, khi Lương đang ở Trung Quốc, D (một quan chức Liên đoàn Hoa kiều hải ngoại) đã yêu cầu Lương cung cấp thông tin về các tổ chức người Hoa thân Đài Loan ở Boston. Lương trả lời rằng ông ta đã chuyển yêu cầu cho người khác, người này sẽ liên hệ trực tiếp với D.

Vào đầu tháng 11, Hiệp hội Văn hóa Trung – Mỹ đã dẫn hơn 30 Hoa kiều đến thăm Trung Quốc, do Lương Lợi Đường – phó chủ tịch Liên minh Ẩm thực Trung Quốc tại Mỹ dẫn đầu. Phái đoàn đến thăm đã nhận được “sự đón tiếp nồng nhiệt” tại Bắc Kinh từ Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung ương ĐCSTQ, Ủy ban Hoa kiều của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Văn phòng Vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện, Liên đoàn Hoa kiều Bắc Kinh và các đơn vị khác.

Vào tháng 12/2018, Lương Lợi Đường đã liên hệ với Lãnh sự E tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York. Cuối tháng đó, Lãnh sự E và các lãnh sự khác, bao gồm B, đã đến thăm Boston và gặp Lương và những người khác. Ngày 20/12/2018, Lương thông báo với B rằng việc chuẩn bị cho “cuộc gặp hòa bình và thống nhất” mới đã sẵn sàng và “đội nòng cốt” đã được xác định.

Vào tháng 1/2019, Lương đồng sáng lập “Hiệp hội Thúc đẩy Thống nhất Hòa bình Trung Quốc tại Vùng đại Boston” và giữ chức phó chủ tịch.

Ngày 22/4, Lương đã gửi logo và hồ sơ đăng ký của “Hiệp hội Hòa bình và Thống nhất Vùng đại Boston” cho Lãnh sự A và Lãnh sự E của Lãnh sự quán Trung Quốc. Lương cũng nói với Lãnh sự E rằng có thể cung cấp thêm thông tin qua điện thoại.

Vào tháng 10/2020, Chính phủ Hoa Kỳ đã liệt kê “Hiệp hội quốc gia thúc đẩy thống nhất hòa bình Trung Quốc trên toàn nước Mỹ” là một “cơ quan đại diện nước ngoài” và tuyên bố rằng tổ chức này do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ kiểm soát.

Ngày 4/9/2019, Lãnh sự A đã mời Lương Lợi Đường tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ tại Bắc Kinh từ ngày 27/9 đến ngày 2/10. Lương rời Mỹ vào ngày 21/9 và trở lại Mỹ vào ngày 2/10.

Khoảng tháng 11/2019, Lương đã gửi bản tóm tắt công việc của “Hiệp hội Thúc đẩy Thống nhất Hòa bình Trung Quốc tại Vùng đại Boston” năm 2019 cho quan chức C của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Ngày 13 /12, ông ta gửi bản tóm tắt công việc của mình cho Lãnh sự E.

Lương Lợi Đường là một công dân Mỹ, đã sống ở Mỹ hơn 30 năm, làm việc trong một khách sạn ở Boston và là thành viên tích cực của Hiệp hội Khách sạn Địa phương số 26. Ông ta cũng hoạt động tích cực trong cộng đồng Hoa kiều hải ngoại ở Boston và từng là thư ký của Hiệp hội Văn hóa Mỹ – Trung và phó chủ tịch của Hiệp hội Món ăn Trung Quốc tại Mỹ. Lương cũng giữ những chức vụ quan trọng trong các tổ chức Hoa kiều ở nước ngoài như Hiệp hội người Hoa New England và Hiệp hội gia tộc họ Lương, v.v. 

An Toàn Trung

Hôm 28/5, cựu Hội trưởng Hội đồng hương Sơn Đông ở New York là An Toàn Trung  (An Quanzhong) và con gái ông là An Quang Dương (An Guang Yang) đã nhận tội tại Tòa án Liên bang Quận phía Đông của New York. An Toàn Trung thừa nhận hoạt động trái phép với tư cách là đại diện nước ngoài, còn An Quang Dương thừa nhận tham gia gian lận thị thực.

An Quanzhong
Ông An Toàn Trung, chủ khách sạn The Parc Hotel ở Flushing và là chủ tịch Tập đoàn Anqiao bị cáo buộc tham gia quấy rối và ép buộc cư dân Mỹ JD phải trở về Trung Quốc. (Ảnh tổng hợp)

Sau khi hai cha con An Toàn Trung bị bắt vào tháng 10/2022, đại bồi thẩm đoàn liên bang ở Quận phía Đông của New York đã cáo buộc họ cộng tác với 5 quan chức ĐCSTQ để ép một cư dân Mỹ trở về Trung Quốc. Họ cũng bị cáo buộc liên quan đến một vụ rửa tiền.

An Toàn Trung có thẻ xanh Mỹ. Ông ta đầu tư kinh doanh ở Trung Quốc, sở hữu một khách sạn có tên “Parc Hotel” ở Flushing, New York, ông ta cũng sở hữu một căn hộ sang trọng ở Elmhurst, New York.

Thẩm phán dự kiến ​​tuyên án hai người này vào ngày 14/1/2025.

Đường Nguyên Tuyển

Hôm 21/8, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Đường Nguyên Tuyển (Tang Yuanjun) đã bị bắt tại văn phòng của ông ở Flushing, New York, với cáo buộc che giấu vai trò là đại diện nước ngoài, âm mưu và đưa ra những tuyên bố sai sự thật.

Tang Yuanjun
Vào ngày 5/6/2018, tại New York, Đường Nguyên Tuyển, người triệu tập Mặt trận Dân chủ Trung Quốc, đã phát biểu tại cuộc họp kỷ niệm 29 năm Sự kiện thảm sát Thiên An Môn Bắc Kinh. (vụ thảm sát ngày 4/6/1989). (Ảnh tư liệu của Epoch Times)

Công tố viên liên bang của Quận phía Nam New York tuyên bố rằng từ năm 2018 đến năm 2023, Đường Nguyên Tuyển, một người tích cực tham gia cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, tiếp tục truyền thông tin nhạy cảm về các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và những người bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài, cũng như các ứng cử viên quốc hội Mỹ, tới các quan chức Bộ An ninh quốc gia của ĐCSTQ.

Đường Nguyên Tuyển bắt đầu làm việc cho Bộ An ninh quốc gia của ĐCSTQ vào năm 2018 để đổi lấy việc được phép trở về Trung Quốc thăm gia đình. Mệnh lệnh mà ông ta nhận được bao gồm chụp ảnh và quay video những người được cơ quan tình báo quan tâm và chuyển thông tin về nơi ở của họ cho những người liên lạc của ông ta. Gia đình Đường Nguyên Tuyển ở Trung Quốc Đại Lục được Bộ An ninh quốc gia trả tiền.

Theo báo cáo, ông ta cũng bị cáo buộc đã mời một nhân viên an ninh quốc gia của ĐCSTQ tham gia một nhóm trò chuyện mà ông ta thành lập dành cho những người bất đồng chính kiến, bao gồm một số người đang xin tị nạn ở Mỹ và chuyển thông tin về việc xin tị nạn cho một người liên lạc.

Theo tài liệu của tòa án, Đường Nguyên Tuyển bị cầm tù ở Trung Quốc vì phản đối chế độ độc tài độc đảng của ĐCSTQ trong vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Vào ngày 14/10/2002, ông trốn sang Đài Loan trên một chiếc thuyền đánh cá để xin tị nạn chính trị. Sau đó, ông được tị nạn tại Mỹ và được nhập quốc tịch Mỹ, định cư tại Thành phố New York. Ông tích cực tham gia các hoạt động bất đồng chính kiến ​​​​của người Trung Quốc ở New York và đồng thời làm lãnh đạo của tổ chức phi lợi nhuận “Mặt trận vì một Trung Quốc Dân chủ”.

Lý Bình

Hôm 23/8, kỹ sư Trung Quốc Lý Bình (Ping Li) đã thừa nhận hợp mưu với Cơ quan An ninh Quốc gia của ĐCSTQ và làm đại diện nước ngoài một cách bất hợp pháp.

Lý Bình đã trở lại Trung Quốc nhiều lần để gặp các quan chức an ninh quốc gia ĐCSTQ kể từ năm 2012 và thu thập thông tin theo chỉ dẫn của các quan chức an ninh quốc gia ĐCSTQ, nội dung liên quan đến tình hình các học viên Pháp Luân Công, các nhà bất đồng chính kiến ​​​​Trung Quốc và các nhà hoạt động dân chủ, thông tin kinh doanh của các công ty Mỹ, cơ chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO), v.v. Khi liên lạc với cơ quan an ninh ĐCSTQ, Lý Bình đã sử dụng một tài khoản email giả để che giấu hành tung của mình.

Gian diep DCSTQ
Ngày 24/7/2024, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo rằng họ đã cáo buộc ông Lý Bình một người đàn ông Trung Quốc đến từ Florida, hoạt động với tư cách là đặc vụ của ĐCSTQ. (Ảnh: Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Pinellas)

Ví dụ vào ngày 15/9/2014, các quan chức an ninh quốc gia của ĐCSTQ đã yêu cầu Lý Bình cung cấp thông tin tình báo về một người đến từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đồng thời cung cấp bối cảnh cá nhân của người này, bao gồm địa chỉ, số điện thoại ở California cũng như nhãn hiệu và mẫu xe của anh ta. Các quan chức an ninh quốc gia cho biết người đàn ông này đã tham gia vào các hoạt động Pháp Luân Công và đã biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở California.

Cùng ngày, ông Lý Bình đã báo cáo thông tin của người này cho Cục An ninh Quốc gia.

Hôm 14/6/2022, cơ quan An ninh Quốc gia ĐCSTQ đã yêu cầu Lý Bình truy tìm một tội phạm bị truy nã được cho là đã trốn sang Mỹ từ Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc. Anh ta cung cấp địa chỉ của người đàn ông này ở California. “Ông có thể giúp tôi kiểm tra xem gần đây anh ta đang làm gì không? Cả gia đình anh ta đều ở Mỹ.”

Lý Bình phản hồi bằng cách lấy thông tin chi tiết về bất động sản ở California từ một trang web công cộng, bao gồm ảnh ngôi nhà và tên chủ sở hữu.

Lý Bình (59 tuổi) nhập cư vào Mỹ hơn 30 năm trước và trở thành công dân Mỹ, định cư ở tiểu bang Florida và làm việc cho Verizon được 20 năm. Ông bị bắt vào ngày 20/7 năm nay.

8 trường hợp bị cáo buộc là đại diện của ĐCSTQ này đều có 4 đặc điểm chính:

Thứ nhất, họ đều có quan hệ mật thiết với các quan chức ĐCSTQ. Một số duy trì nhiều mối liên hệ khác nhau với các quan chức từ Lãnh sự quán Trung Quốc, một số từ hệ thống an ninh quốc gia của ĐCSTQ, một số từ hệ thống công an của ĐCSTQ và một số từ hệ thống Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.

Thứ hai, tất cả họ đều làm theo chỉ lệnh của các quan chức ĐCSTQ. Điều này bao gồm việc thúc đẩy lợi ích của ĐCSTQ tại Mỹ và phục vụ các vấn đề đối nội và đối ngoại của ĐCSTQ; hỗ trợ ĐCSTQ thực hiện cuộc đàn áp xuyên quốc gia; giúp ĐCSTQ thu thập thông tin tình báo về các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ hoặc những người bất đồng chính kiến; hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công ở Mỹ, v.v.

Thứ ba, họ đều đã nhận được nhiều lợi ích bằng các hình thức khác nhau từ ĐCSTQ, bao gồm lợi ích tài chính, chăm sóc cho gia đình, sự thuận tiện khi trở về quê hương, vinh dự chính trị, v.v.

Thứ tư, với tư cách là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân của Mỹ, họ được hưởng nhiều lợi ích khác nhau do Mỹ cung cấp, nhưng không trân trọng sự tự do và dân chủ của Mỹ. Họ bán mạng cho chế độ ĐCSTQ độc tài, thân ở Mỹ nhưng tâm lại đặt ở ĐCSTQ.

Lời kết

8 người trên bị buộc tội là người đại diện của ĐCSTQ, họ đều tự coi mình là người thông minh, có thể hoạt động thuận lợi cả ở Trung Quốc và Mỹ, nhưng không biết rằng lời nói và việc làm của họ đã bị FBI giám sát. Khi đến thời điểm thích hợp, FBI sẽ “thu lưới” ngay lập tức.

Có thể khẳng định vẫn còn nhiều đại diện của ĐCSTQ đang bị FBI giám sát. Những trường hợp trên là bài học sống động trước mắt, nếu không cảnh giác, rất có thể những người này sẽ nối bước 8 người trên.