57 người mất tích hoặc bị bắt sau các cuộc biểu tình tại Cuba hôm 11/7
- Như Ngọc
- •
Tổ chức ủng hộ dân chủ Cuba mang tên Cuba Decide hôm thứ Hai (12/7, giờ địa phương) đã xác nhận 57 người đã biến mất hoặc bị bắt từ khi các cuộc biểu tình bùng phát khắp quốc đảo Caribe vào chiều tối Chủ Nhật (11/7). Nhiều người trong số này là các nhân vật nổi tiếng chỉ trích chế độ cộng sản Cuba.
Reporte actualizado con detenidos y/o desaparecidos, hasta las 10 am#SOSCuba pic.twitter.com/Fre0Do52qF
— CUBADECIDE (@CUBADECIDE) July 12, 2021
Chiều tối Chủ Nhật (11/7, giờ địa phương), hàng nghìn người dân Cuba trên khắp cả nước từ thành phố miền cực Tây Santiago tới thủ đô Havana ở miền Đông đã tràn xuống đường phố phản đối chế độ độc tài cộng sản. Giới chức hiện không công bố ước tính chính thức về số người tham gia biểu tình và việc thống kê này cũng gặp khó khăn do đây là các cuộc biểu tình tự phát, phân tán và không được tổ chức bởi bất kỳ một nhóm nào.
Đảng Cộng sản Cuba đã phản ứng với các cuộc biểu tình bằng việc gọi đó là một cuộc nội chiến và thúc giục người dân xuống đường tấn công bất kỳ ai tham gia biểu tình phản đối chính phủ.
Phát biểu trên truyền hình vào tối muộn 11/7, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nói rằng: “Đây là lý do tại sao chúng tôi đang kêu gọi tất cả những người cách mạng của đất nước chúng ta, tất cả những người cộng sản, từ bây giờ trở đi trong những ngày này hãy xuống các đường phố ở mọi nơi mà hôm nay đang xảy ra khiêu khích”.
Thường dân Cuba đã ghi lại được hình ảnh về nhiều trường hợp trên khắp cả nước các sĩ quan an ninh nhà nước bắn đạn thật vào đám đông và đánh người biểu tình bằng gậy bóng chày và các vũ khí khác. Các nhân chứng cũng ghi lại cảnh lực lượng an ninh sử dụng hơi cay và các công cụ trấn áp biểu tình khác để giải tán đám đông.
Cuba Decide là tổ chức dân sự ủng hộ thay thế chế độ độc tài cộng sản áp bức bằng hệ thống dân chủ dựa trên bầu cử tự do. Hôm thứ Hai (12/7), tổ chức này đã công bố danh sách 57 người mà họ có thể xác nhận hiện đang mất tích hoặc bị giam trong đồn cảnh sát tính cho đến 10 giờ sáng ngày 12/7 (giờ địa phương).
Nổi bật nhất trong danh sách nêu trên là nhân vật luôn là mục tiêu đàn áp của chế độ Castro: ông José Daniel Ferrer, lãnh đạo của tổ chức bất đồng chính kiến lớn nhất Cuba – Liên minh Yêu nước Cuba (UNPACU).
Mặc dù UNPACU hiện chưa nhận trách nhiệm việc tổ chức bất kỳ cuộc biều tình nào vào cuối tuần qua, nhưng tổ chức này nhiều năm qua đã đứng ra thực hiện các cuộc tập trung ôn hòa tại đảo quốc caribe và thường khi đó sẽ phải trả giá bằng việc lãnh đạo José Daniel Ferrer bị chính quyền bắt giam. Ông Ferrer gần đây nhất đã bị mất tích bí ẩn vào tháng 10/2019 sau khi tổ chức một cuộc biểu tình chống cộng sản. Ông đã xuất hiện trở lại vào tháng 4/2020 và rõ ràng có những dấu hiệu cho thấy đã bị tra tấn. Cảnh sát chưa bao giờ giải thích với ông Ferrer và gia đình của ông về lý do xác đáng khiến ông bị bắt giam.
Cũng có tên trong danh sách mất tích vào thời điểm sau cuộc biểu tình hôm 11/7 là Cha sứ Castor José Álvarez Devesa. Ông Álvarez Devesa là mục sư Công giáo nhiều năm qua đã ủng hộ chấm dứt chế độ độc tài tại Cuba. Ông là một trong ba mục sư ký vào lá thư nổi tiếng năm 2018 gửi Chủ tịch Cuba Raul Castro đòi bầu cử tự do tại Cuba và ông đã sử dụng vai trò giáo sĩ của mình để kêu gọi chuyển đổi ôn hòa khỏi chế độ cộng sản. Các tin tức hôm 12/7 cho thấy các sĩ an ninh nhà nước Cuba đã đánh đập thô bạo ông Álvarez tại thành phố quê nhà Camagüey của ông, khiến ông bị chảy máu đầu trước khi biến mất. Hiện chưa biết mục sư Álvarez đang bị giam giữ ở đâu.
Luis Manuel Otero Alcántara, lãnh đạo của nhóm nghệ sĩ Cuba bất đồng chính kiến San Isidro Movement cũng mất tích sau tối 11/7. Nhóm của ông Otero Alcántara chịu trách nhiệm tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất gần đây tại Cuba trước các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật: một ‘cơn bão’ quét qua Bộ Văn hóa tại thủ đô Havana vào tháng 11/2020. Cuộc biểu tình đó một phần là để phản ứng lại việc một thành viên khác của San Isidro Movement, rapper Denis Solís bị chính quyền bắt giữ và nhận án phạt 8 tháng tù giam do chống người thi hành công vụ.
Nhiều thành viên khác của San Isidro Movement cũng nằm trong danh sách bị mất tích và bị bắt do Cuba Decide công bố.
Tờ báo độc lập 14 y Medio do các nhà báo đang sống tại Cuba điều hành, hôm thứ 12/7 đã đưa tin rằng một số khu dân cư trên cả nước đang bị cảnh sát bố ráp gõ cửa từng nhà. Tờ báo này cho biết giới chức đã bắt đầu tới hỏi thăm nhà dân vào sáng sớm 12/7 để tìm kiếm những người đã tham gia vào các cuộc biểu tình chiều tối 11/7.
Một thanh niên giấu tên tại Artemisa, Havana đã nói với tờ 14 y Medio rằng: “Trong khu dân cư tôi sống, họ đã đưa đi hai thanh niên và tôi đang đợi họ đến nhà tôi bởi vì tôi đã có mặt trong các cuộc biểu tình”.
Tại thành phố Camaguey nơi mục sư Álvarez bị mất tích, cư dân loan tin rằng “lực lượng đặc nhiệm” đã được huy động đông đảo để ngăn chặn các cuộc biểu tình, trong đó binh lính an ninh nhà nước đã nổ súng vào người người biểu tình, nhưng hiện chưa rõ con số thương vong. Những nơi khác tại Cuba, cảnh sát lựa chọn tấn công các nhà báo; một vụ đụng độ đẫm máu đã khiến phóng viên ảnh của hãng tin AP Ramón Espinosa bị thương và chảy máu ở mặt. Các phóng viên ảnh quốc tế khác đã ghi lại được hình ảnh một toán người cầm máy ảnh bị cảnh sát Cuba mặc cảnh phục đánh đập.
Như Ngọc (Theo Breitbart News)
Xem thêm:
Từ khóa Cuba biểu tình tại Cuba Cuba Decide