Bà Kamala Harris cam kết ân xá cho 11 – 22 triệu người nhập cư bất hợp pháp
- Nhật Minh
- •
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, bà Kamala Harris đã trình bày chi tiết kế hoạch nhằm quyết liệt mở lại các tuyến đường nhập cư khác nhau đến Hoa Kỳ của ứng cử viên Tổng thống Joe Biden, trong đó bao gồm lệnh ân xá cho tổng cộng 11 đến 22 triệu người nước ngoài đang sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ và cho phép người nhập cư đến từ các quốc gia ‘xuất khẩu’ khủng bố.
Trong một bài phát biểu ngắn và được thâu âm sẵn tại Hội nghị Hòa nhập Người nhập cư Quốc gia, bà Harris cho biết ông Biden và bà đang tập trung vào việc “sửa chữa” những cải cách của Tổng thống Trump nhằm bảo vệ công dân Hoa Kỳ khỏi các mối đe dọa an ninh và bảo vệ người lao động Mỹ khỏi sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài.
Một phần trong những kế hoạch đó là việc bà Harris cam kết chính quyền Biden sẽ gửi lệnh ân xá cho tất cả những người nước ngoài đang sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ lên Quốc hội trong vòng 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức; và quan trọng nhất kế hoạch chấm dứt lệnh cấm đi lại của Tổng thống Trump đối với công dân các nước đến từ Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia , Venezuela, CHDCND Triều Tiên, Nigeria, Myanmar, Eritrea, Sudan, Tanzania và Kyrgyzstan.
Những quốc gia nằm trong danh sách bị cấm đi lại ở trên là những nước không chia sẻ dữ liệu an ninh quốc gia với Hoa Kỳ hoặc đã bị các cơ quan liên bang phát hiện là nơi chứa chấp và tài trợ cho khủng bố. Ví dụ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã điểm tên Triều Tiên, Iran, Sudan và Syria là những “nhà nước bảo trợ khủng bố”.
“Trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, chúng tôi sẽ gửi một dự luật nhập cư lên Quốc hội, khôi phục lại chương trình DACA, bãi bỏ các chính sách nguy hại và phân biệt đối xử như lệnh cấm Hồi giáo,” bà Harris nói. “Và trong thời gian điều hành, chúng tôi sẽ bãi bỏ những chính sách cưỡng chế bừa bãi khiến các gia đình tan nát và khiến chúng ta kém an toàn hơn”.
Việc ông Biden chấm dứt lệnh cấm đi lại của Tổng thống Trump chỉ khởi động được khi có đa số người dân Mỹ ủng hộ. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò ý kiến vào tháng trước, cứ 6 cử tri thì có 5 người cho biết họ ủng hộ lệnh cấm đi lại để làm chậm sự lây lan của cuộc khủng hoảng virus corona đến từ Trung Quốc. Vào tháng 11/2018, cứ 9 người Mỹ thì có hơn 4 người cho biết họ ủng hộ lệnh cấm đi lại từ các quốc gia phần đông theo đạo Hồi.
Lệnh cấm đi lại của Tổng thống Trump đã được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phê chuẩn một cách hợp hiến với tỷ lệ 5-4. Khi Tổng thống Trump vấp phải sự phản đối của Hawaii và một số tiểu bang khác trong vấn đề này, tòa án đã tái xác nhận rằng Tổng thống có toàn quyền quyết định trong những trường hợp đặc thù theo điều 1182, quyền số 8, bộ luật Hoa Kỳ về việc hạn chế người nước ngoài, khi Tổng thống tin rằng ông làm như vậy là vì lợi ích của quốc gia.
Hàng năm, có khoảng 1,2 triệu người nhập cư hợp pháp được cấp thẻ xanh và 1,4 triệu người nước ngoài khác được cấp thị thực nhập cư Hoa Kỳ. Số lượng này chưa kể hàng trăm nghìn người vượt biên qua Mỹ một cách bất hợp pháp và những người vẫn lưu lại Mỹ dù đã hết hạn thị thực.
Sự đồng thuận của Washington, D.C với tình trạng nhập cư ồ ạt kéo dài hàng thập kỷ của quốc gia này đã làm tăng đáng kể tỷ lệ người lao động nước ngoài trên thị trường lao động Hoa Kỳ. Những người này vẫn đang làm việc với người Mỹ và buộc tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ phải cạnh tranh mới có được việc làm.
Nhật Minh (theo Breitbart News)
Xem thêm:
Từ khóa ân xá người nhập cư bất hợp pháp Dòng sự kiện Kamala Harris