Bắc Kinh khẳng định “không làm gì sai” sau khi Malaysia cáo buộc máy bay TQ “xâm nhập”
- Tiến Minh
- •
Hôm 2/6, Trung Quốc đã bác bỏ những lời cáo buộc của Malaysia về các hoạt động của lực lượng không quân nước này, cho rằng các máy bay chiến đấu của họ đã tiến hành huấn luyện thường quy theo luật pháp quốc tế.
“Đây là hoạt động huấn luyện thường quy do không quân Trung Quốc thực hiện ở vùng biển phía nam quần đảo Nam Sa [tên Trung Quốc đặt cho quần đảo Trường Sa] và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết.
Ông Uông nói: “Trong thời gian huấn luyện, lực lượng không quân Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và không xâm nhập vào không phận của các quốc gia khác.” Ông Uông còn cho biết thêm rằng Trung Quốc đã trao đổi với Malaysia về vấn đề này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur cũng đưa ra lời bác bỏ tương tự. Một phát ngôn viên nói với hãng tin AFP rằng “Máy bay quân sự Trung Quốc có quyền tự do bay qua vùng trời liên quan”.
Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Malaysia nói sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích về việc máy bay quân sự Trung Quốc “xâm phạm” vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Một ngày trước đó, các lực lượng vũ trang Malaysia cho biết họ đã phát hiện các hoạt động “đáng ngờ” gần Bãi cạn Luconia do Malaysia quản lý trên khu vực Biển Đông đang tranh chấp.
Các máy bay Trung Quốc sau đó di chuyển khoảng 60 hải lý ngoài khơi Sarawak và không thực hiện lệnh liên lạc với các kiểm soát viên không lưu giám sát vùng thông tin bay Kota Kinabalu (FIR) của Malaysia.
Các máy bay đánh chặn cất cánh từ căn cứ không quân Labuan đã xác định được 16 máy bay trong đội hình – bao gồm máy bay vận tải Ilyushin IL-76 và Xian Y-20 – theo một tuyên bố của Không quân Hoàng gia Malaysia.
Tuy nhiên, một nguồn tin trực tiếp trong quân đội Trung Quốc cho biết, Trung Quốc mới chỉ điều hai máy bay vận tải đến Biển Đông và nhiệm vụ của họ là cung cấp nhu yếu phẩm cho các binh sĩ đóng trên lãnh thổ do Trung Quốc nắm giữ, SCMP đưa tin.
Nguồn tin cho biết: “Trung Quốc đóng quân tại một số hòn đảo ở Biển Đông và họ cần nguồn cung cấp định kỳ. Máy bay vận tải Trung Quốc chở hàng tới đó một hoặc hai tuần một lần.”
“Sau khi nhiệm vụ cung cấp hàng hóa kết thúc, hai máy bay đã tiến hành ‘huấn luyện và diễn tập bay thích ứng’ để họ làm quen với thời tiết và các tình huống ở Biển Đông.”
Trung Quốc đã xây đắp 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông, thiết lập hiện diện quân sự tại đây và xây dựng các đường băng trên ba trong số đó, bao gồm Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập, cách Bãi cạn Luconia do Malaysia quản lý khoảng 450 km.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hơn 80% Biển Đông thông qua “đường chín đoạn”, kéo dài tới 2.000 km từ đất liền, bao gồm các vùng biển gần Indonesia và Malaysia.
Năm ngoái, Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á khác đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối đường chín đoạn này.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết nước này sẽ yêu cầu đại sứ Trung Quốc tại Malaysia giải thích về việc “vi phạm chủ quyền và không phận của Malaysia”.
Tiến Minh (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp biển Đông Dòng sự kiện quan hệ Trung Quốc - Malaysia