Mới đây, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (Congressional Research Service) đưa ra một báo cáo nhìn lại vấn đề các quan chức lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gồm cả ông Tập Cận Bình, đã thông qua người thân để che đậy tiền tham nhũng và khối tài sản khổng lồ.

USD
Một báo cáo của Quốc hội Mỹ nhìn lại vấn đề các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ che giấu khối tài sản khổng lồ thông qua dùng người thân để đứng tên. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Theo Washington Times, báo cáo này được biên soạn dựa trên thông tin đã được các kênh truyền thông đưa tin. Báo cáo cho biết tính đến năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tích lũy được ít nhất 376 triệu USD từ các khoản đầu tư doanh nghiệp, gián tiếp nắm giữ hơn 311 triệu USD cổ phiếu (18%) trong một công ty khai thác đất hiếm và nắm giữ 20,2 triệu USD cổ phiếu trong một công ty công nghệ.

Báo cáo cho rằng do ĐCSTQ không yêu cầu quan chức phải kê khai tài sản công khai, đồng thời kiểm soát chặt chẽ truyền thông nên thông tin về hành vi tham nhũng, che giấu tài sản của các lãnh đạo cấp cao và người thân của họ hiếm khi được đưa ra công luận, cho dù có thông tin nào liên quan cũng nhanh chóng bị gỡ bỏ.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines đang chuẩn bị đệ trình báo cáo chi tiết lên Quốc hội Mỹ về chủ đề này theo yêu cầu của luật năm 2022.

Báo cáo tình báo dự kiến sẽ tiết lộ chi tiết về tình trạng tham nhũng trong các lãnh đạo cấp cao bao gồm cả Tập Cận Bình, đó có thể xem là cú đánh vào thành quả chống tham nhũng kéo dài 12 năm của Tập Cận Bình. Được biết chiến dịch đó đã điều tra hàng triệu đảng viên, trong đó có 266 thành viên Ủy ban Trung ương đã bị thanh trừng, bao gồm những vụ nổi tiếng gần đây liên quan Bộ trưởng Quốc phòng là Lý Thượng Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao là Tần Cương.

Báo cáo tóm tắt 4 loại tham nhũng chính ở Trung Quốc: tiền lại quả (access money), tiền bôi trơn (speed money), biển thủ nghiêm trọng và biển thủ vặt, đồng thời chỉ ra rằng tiền lại quả là phổ biến nhất. Các chuyên gia cho rằng tiền lại quả thực chất là khoản hối lộ của các doanh nhân cho các quan chức quyền lực để có được những đặc quyền như được vay vốn lãi suất thấp, ưu đãi đất đai, quyền độc quyền, hợp đồng mua sắm và ưu đãi thuế.

Báo cáo cho biết, kiểu hối lộ này rất phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc vì dễ có được những ưu đãi quan trọng.

Báo cáo nêu rõ Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ truyền thông và cố gắng che đậy các nguồn tin của truyền thông nước ngoài về tham nhũng và tài sản giấu kín. Các tổ chức tin tức nước ngoài điều tra việc này đã phải đối mặt với các biện pháp đàn áp như trục xuất phóng viên, đóng cửa chi nhánh và từ chối cấp thị thực… Các cơ quan kiểm duyệt ĐCSTQ đã nhanh chóng chặn và xóa tất cả nội dung trực tuyến có liên quan, đồng thời cơ sở dữ liệu trực tuyến được sử dụng để xác định hành vi tham nhũng của quan chức cũng bị hạn chế. Có những trường hợp nhân viên tại cơ quan truyền thông nước ngoài đã bị buộc phải nghỉ việc sau khi dính vào phanh phui tham nhũng. Luật phản gián được ban hành năm ngoái đã định nghĩa lại việc thu thập một số tài liệu và dữ liệu “bí mật nhà nước” là hoạt động gián điệp.

Báo cáo đặc biệt đề cập đến hai cuộc điều tra năm 2012 của Bloomberg NewsNew York Times về khối tài sản giấu kín của ông Tập Cận Bình. Điều tra thực hiện bằng cách truy vết dòng lưu thông tài chính từ hồ sơ giám sát doanh nghiệp, ước tính rằng khoảng 707,2 triệu USD tài sản của ông Tập Cận Bình nằm rải rác dưới tên những người thân, bao gồm vợ ông Bành Lệ Viện và con gái Tập Minh Trạch. Phần lớn tài sản dưới tên những người gồm: chị đầu ông Tập là bà Tề Kiều Kiều, anh rể Đặng Gia Quý, và cháu gái Trương Yến Nam.

Một cuộc điều tra khác vào năm 2015 liên quan chủ tịch Vương Kiện Lâm của Tập đoàn Wanda Đại Liên. Được biết, tổng biên tập Bloomberg đã chặn việc đăng bài viết này về tham nhũng vì sợ “phá hủy mọi thứ chúng ta có ở Trung Quốc”. Phóng viên phanh phui vụ này là Michael Forsythe đã nghỉ việc và gia nhập New York Times. Năm 2015, ông đưa tin vụ bà Tề Kiều Kiều và ông Đặng Gia Quý vào năm 2009 đã mua cổ phiếu Wanda với số tiền 28,9 triệu USD, đến năm 2015 giá trị đã tăng lên 240 triệu USD.

Năm 2019, Wall Street Journal (WSJ) vạch trần vụ tham nhũng liên quan đến người em họ của ông Tập Cận Bình tên là Sài Minh (Chai Ming). Theo nguồn tin, người em họ này có quốc tịch Úc, bị cảnh sát Úc điều tra xác định phạm tội có tổ chức, rửa tiền từ Trung Quốc. Phóng viên liên quan đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc sau khi tin tức được công bố. Vào năm 2022, tờ Sydney Morning Herald tiết lộ rằng Sài Minh đã chuyển khoảng 695.000 USD cho một nhóm rửa tiền Trung Quốc ở Úc.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế cho thấy, ông Đặng Gia Qúy là giám đốc và cổ đông duy nhất của hai công ty tại Quần đảo Virgin thuộc Anh. Cơ sở dữ liệu cũng tiết lộ rằng một đại biểu của Quốc hội Trung Quốc tên là Phùng Khải Á (Feng Qiya) đã thành lập một công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2016 để đầu tư vào chứng khoán Mỹ.

Năm 2019, có thông tin cáo buộc lãnh đạo cấp cao của Deutsche Bank đã “tặng quà” cho lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, thuê người thân của họ để mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc. Những người liên quan bao gồm cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và sau đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Vương Kỳ Sơn. Deutsche Bank cũng tuyển dụng con cái của các ủy viên cơ quan quyền lực cao nhất ĐCSTQ là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, tiêu biểu như con của ông Lật Chiến Thư và con của ông Uông Dương.