Tối 26/9 (sáng 27/9 giờ Việt Nam), hàng trăm triệu người trên khắp thế giới háo hức theo dõi buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump. Thông qua cuộc tranh luận này, những khác biệt trong đường lối tranh cử của hai người đã hiện lên một cách rõ ràng và sinh động.

trump-clinton

Không rõ là vô tình hay hữu ý mà trang phục của hai ứng viên hoàn toàn tương phản nhau. Bà Clinton trong bộ trang phục đỏ toàn bộ, xuất hiện bên phải cánh gà, còn ông Trump mặc trang phục comple đen, đeo cà-vạt màu xanh chứ không phải màu đỏ như thường lệ. Buổi tranh luận diễn ra với nhiều ngạc nhiên, hai người có khi phát biểu lạc đề, công kích cá nhân, liên tục ngắt lời nhau và ngắt lời người dẫn chương trình. Tuy nhiên đây là buổi tranh luận truyền hình trực tiếp được nhiều người xem nhất trong lịch sử tranh cử tổng thống tại Mỹ, với khoảng 84 triệu người xem. Con số này chưa tính đến lượng người xem qua mạng internet.

Dưới đây là một số điểm đáng lưu ý sau đêm tranh luận thứ nhất.

1. Trump đại diện cho thay đổi, Clinton – ổn định

Donald Trump liên tục tự tuyên bố bản thân là một ứng viên đại diện cho sự thay đổi mà hàng triệu người Mỹ đang mong mỏi. Ông mô tả đối thủ Clinton bằng một hình mẫu mà ông biết khán giả của mình chán ngấy: “Một chính trị gia tiêu biểu, nói rất hay mà chả làm được gì”. Ít nhất 3 lần trong buổi tranh luận, ông đã nhấn mạnh rằng bà Clinton có 30 năm trong chính trường mà thành tựu duy nhất không gì ngoài việc phá hỏng nước Mỹ.

Bà Clinton đóng vai người sẽ duy trì ổn định cho nước Mỹ. Bà ca ngợi Tổng thống Obama là người đã giúp hồi phục đất nước sau cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930. Bà kêu gọi tiếp tục “xây dựng đất nước dựa trên nền tảng của những thành tựu trong 8 năm qua”.

2. Khác biệt trong chính sách thuế

Trong khi bà Clinton đề xuất tăng thuế của doanh nghiệp và người giàu để chi trả cho tu sửa cơ sở vật chất, hỗ trợ hệ thống giáo dục và các chương trình công cộng khác thì ông Trump hoàn toàn ngược lại. Ông muốn giảm mạnh thuế để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản suất, thuê thêm nhân công và đem việc làm trở lại nước Mỹ.

Các công ty sẽ tới Mỹ, họ sẽ xây dựng, sẽ mở rộng. Các công ty mới sẽ mở ra”.

Ông Trump chỉ trích rằng kế hoạch của bà Clinton là một trong những chính sách tăng thuế lớn nhất trong lịch sử và sẽ “đẩy hết doanh nghiệp ra nước ngoài”. Còn bà Clinton thì phản bác lại việc đối thủ giảm thuế sẽ khiến nợ công tràn ngập.

Đề xuất về thuế cũng cho thấy cái nhìn khác biệt rõ ràng của cả 2 ứng viên về nền kinh tế Mỹ. Cử tri sẽ phải lựa chọn giữa một cựu Ngoại trưởng với quan điểm giống với Tổng thống Obama rằng “nước Mỹ vốn đang vĩ đại rồi”, nền kinh tế đã trở lại từ bên miệng vực thẳm. Hoặc một thương gia cho rằng “công việc đang lần lượt bị kéo khỏi đất nước và nền kinh tế đang trong tình trạng rất tồi tệ”.

3. Thông điệp chính trị

Ông Trump dồn trọng tâm vào những khó khăn kinh tế mà những cử tri thuộc tầng lớp lao động – thành phần ủng hộ ông nhiều nhất, đang gặp phải. Tại bang Ohio và Pennsylvania, ông nói, “bạn sẽ thấy tình trạng kiệt quệ khi sản xuất bị cắt giảm tới 30, 40 có khi 50%”. Ông liên tục tấn công những thoả thuận thương mại quốc tế – NAFTA và TPP mà bà Clinton từng ủng hộ – là thủ phạm khiến người lao động nước Mỹ bị ảnh hưởng.

Bà Clinton tập trung thông điệp vào thế mạnh của mình là cử tri phụ nữ và dân tộc thiểu số. Bà cáo buộc ông Trump là một người phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, người đã xúc phạm phụ nữ, người da màu và người Hồi giáo.

4. Trump mất bình tĩnh, Clinton ghi điểm

Nụ cười và cái bắt tay thân thiện nhanh chóng nhường chỗ cho những lời công kích thẳng thừng không kiêng dè gì của cả đôi bên. Mặc dù ông Trump tuyên bố là mình đã chiến thắng cuộc tranh luận bằng việc đưa ra kết quả thăm dò độc giả của một số báo tuy nhiên phần lớn truyền thông nhìn nhận bà Clinton là người làm tốt hơn.

Ông Trump phản bác rất nhiều câu trả lời của bà Clinton, liên tục nhắc nhở rằng bà không đủ sức khoẻ để phục vụ với vai trò tổng thống:

Tôi đã đi rất nhiều nơi. Còn bà thì quyết định ở nhà, và thế thì cũng ổn…”,

Có lẽ ông Trump có vấn đề với việc tôi chuẩn bị cho buổi tranh luận này, và bạn có biết tôi còn chuẩn bị cho điều gì nữa không? Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để làm Tổng thống Mỹ”.

Vấn đề ông Trump chưa nộp bản khai thuế thu nhập cá nhân cũng được bà Clinton lợi dụng để làm đối thủ phải tối mặt chống đỡ: “Tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không đủ nhiệt tâm về việc để cả nước biết những lý do thực sự là gì, bởi đó hẳn phải là điều rất quan trọng, thậm chí khủng khiếp, mà ông ấy muốn giấu”.

Khi ông Trump đặt câu hỏi về khả năng phán đoán, ra quyết định của bà Clinton, về “dáng vẻ” và về sức bền của bà Clinton, ám chỉ vụ bà bị ngất sau khi xuất hiện trước công chúng gần đây, bà trả lời một cách khôn ngoan:

Khi nào ông ta đi công du 112 nước, đàm phán một hiệp ước hoà bình, một hiệp ước ngừng bắn, một thoả thuận thả tù chính trị, một thoả thuận giúp mở ra những cơ hội mới cho các quốc gia trên thế giới hay điều trần 11 giờ đồng hồ liên tục trước Ủy ban quốc hội, thì hãy nói với tôi về sức bền”.

Bà công kích ông Trump với câu nói quan trọng: “Quý vị biết đấy, ông ấy cố tìm cách chuyển từ dáng vẻ sang sức bền. Nhưng đây là một người đàn ông đã gọi phụ nữ là heo, là kẻ vụng về, là chó, và là người nói rằng việc thai sản là điều bất tiện cho chủ lao động, người đã nói rằng phụ nữ không xứng đáng được chi trả tương đương trừ phi họ làm việc tốt như nam giới”.

5. Người dẫn chương trình Lester Holt

Người dẫn chương trình của đài NBC, người duy nhất có tiếng nói trong cuộc tranh luận này ngoài hai ứng cử viên trên, đã bị một số cáo buộc rằng ông đã thiên vị bà Clinton.

Những điểm yếu của bà Clinton, nhất là về việc bà dùng email cá nhân và khả năng có những xung đột quyền lợi với quỹ thiện nguyện của bà, đã chỉ được nhắc tới sơ sài. Trong khi đối với ông Trump, Lester Holt dành cho những câu hỏi hóc búa, khó nhằn hơn nhiều. Ông đã nêu ra vấn đề khai thuế của ông Trump trước tiên. Ông đã hỏi về cuộc tranh cãi quanh nơi sinh của ông Obama. Ông đã đẩy ông Trump vào Cuộc chiến Iraq và nêu ra bình luận của ông Trump về ‘dáng vẻ’ của bà Clinton, điều dẫn tới cuộc tranh luận kéo dài về tính khí và khả năng phán xét cần có của người giữ cương vị tổng thống.

Một số báo phân tích cho rằng chiến thắng của bà Clinton một số điểm là nhờ vào chiến lược và công tác chuẩn bị hiệu quả, lợi thế của một chính trị gia kỳ cựu và của một luật sư. Một số yếu tố khác là do ông Trump lạc bước, không giữ được bình tĩnh và đi vòng vèo, và cuối cùng là do cách điều khiển cuộc tranh luận hơi thiên lệch của ông Holt.

Trọng Đức