Benedict Rogers: Đừng bao giờ lãng quên thảm sát Thiên An Môn
- Minh Nhật
- •
Ngày 4/6 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989, ông Benedict Rogers, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, đã đăng tải một bài viết trên tờ Apple Daily, kêu gọi thế giới tự do không lãng quên thảm sát Thiên An Môn, không lãng quên rằng chế độ cộng sản Trung Quốc là một “nhà nước tội phạm”.
Benedict Rogers là một người gắn bó với Trung Quốc từ năm 18 tuổi, dạy học ở Bắc Kinh, làm đồ án tốt nghiệp về tín ngưỡng tại Trung Quốc, và trở thành nhà báo lâu năm ở Hồng Kông. Ông đã bị Bắc Kinh cấm thị thực vào năm 2017, và hai tháng sau đó quyết định cùng sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch nhằm theo dõi tình hình nhân quyền tại Hồng Kông.
Benedict Rogers kể rằng trong 5 năm đầu tiên Hồng Kông bị chuyển giao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 4/6 năm nào ông cũng có mặt tại công viên Victoria để tham gia lễ tưởng niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn, nguyện cầu cho ít nhất 10.000 sinh viên kêu gọi tự do dân chủ bị giết hại vào năm 1989. Việc Hồng Kông, một thành phố bên trong Trung Quốc Đại Lục, có thể tổ chức một sự kiện hàng năm như vậy khiến Benedict Rogers vô cùng xúc động.
Tuy nhiên năm 2021 này, ông Benedict Rogers chỉ ra, công viên Victoria đã bị đóng cửa, cá nhân tổ chức tưởng niệm có thể bị bỏ tù tới 5 năm, và thậm chí việc mặc đồ đen hay cầm một ngọn nến cũng có thể bị cảnh sát xem như một hành vi phạm tội. Không chỉ thế, các nhà tổ chức sự kiện năm ngoái đều đã bị bắt giam. Kể cả các Nhà thờ cử hành lễ cầu nguyện cũng phải mạo hiểm chính bản thân họ. Hồng Kông, miền đất mà hoạt động tưởng niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn diễn ra mạnh mẽ nhất, đã đang trải qua một cuộc đàn áp. Dù xe tăng không đè nát người dân Hồng Kông như với những người sinh viên năm xưa, nhưng một cuộc “thảm sát pháp luật” đã lấy đi nhân quyền tại vùng đất này.
“Không ai an toàn ở Trung Quốc” là một báo cáo do Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra vào năm 2006 và ngày nay, ông Benedict Rogers cho rằng tựa đề của báo cáo ấy thật vô cùng chính xác. Những người luật sư Trung Quốc mà ông từng gặp đã bị tù giam, bị mất tích hoặc bị tước quyền hành nghề. Các nhà báo, blogger, nhà hoạt động xã hội đã bị bịt miệng hoặc bị bắt giữ. Các nhà thờ đang phải đối mặt với cuộc bức hại khủng khiếp nhất kể từ sau Cách mạng văn hóa.
Ông Benedict Rogers nhớ tới lời của học giả Hoa Kỳ Perry Link rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là một “con trăn Anaconda Nam Mỹ bên trong ngọn chúc đài treo”. Ngọn đèn treo trần trông thật hào nhoáng, nhưng ẩn sau đó là loài rắn nặng nhất thế giới, có thể tấn công và nuốt chửng người ta bất cứ lúc nào.
Ông Benedict Rogers cũng nhắc nhở rằng trong khi người ta đang cố gắng tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, thì một Tòa án Nhân dân độc lập đã công bố mở các phiên làm chứng công khai đầu tiên trong khoảng thời gian 4/6 đến 7/6 tại London. Tòa sẽ xem xét các cáo buộc về việc chế độ cộng sản Trung Quốc đang diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và đưa ra phán quyết cụ thể. (Xem bài: Tòa án Nhân dân về cáo buộc diệt chủng tại Tân Cương mở phiên làm chứng công khai)
Không chỉ vậy, chủ tọa của Tòa, luật sư Geoffrey Nice uy tín, người từng phụ trách truy tố cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic vì phạm tội ác chiến tranh, cũng đã làm chủ tọa Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Ngài Geoffrey Nice đã tuyên bố vào năm 2020 rằng tội ác chống lại loài người này đã được thực hiện trên quy mô rộng lớn tại Trung Quốc, chủ yếu nhắm vào người tập Pháp Luân Công, nhưng cũng lan sang người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các Kitô Hữu. Ngài Geoffrey Nice cảnh báo rằng bất cứ chính phủ nào đang giao thiệp với Đảng Cộng sản Trung Quốc cần hiểu rằng họ đang làm việc với một “nhà nước tội phạm”.
Trong nhiều năm, Benedict Rogers đã cố gắng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách về tình hình nhân quyền tồi tệ ở Trung Quốc. Ông từng viết rằng: “Tôi cảm thấy gần như là một tiếng nói cô độc, là tiếng kêu khóc nếu không mất tích nơi sa mạc thì chắc chắn là bị lãng quên bên lề. Những kẻ đề xướng về cái gọi là ‘Kỷ nguyên Vàng’ của mối quan hệ Trung-Anh đã khiến tôi phát cáu. Tuy nhiên, bây giờ thế giới đang thức tỉnh và nhận ra thực tế rằng ĐCSTQ không chỉ là mối nguy hiểm đối với chính người dân Trung Quốc mà còn đối với tất cả chúng ta.”
Benedict Rogers chia sẻ, khi còn ở Bắc Kinh, ông thường đi dạo gần Tử Cấm Thành dưới ánh trăng để cảm nhận tiếng vọng ngàn năm từ các vương triều Trung Hoa. Rồi khi ông đi qua những người lính gác bên dưới ảnh Mao Trạch Đông tại quảng trường Thiên An Môn, dưới ánh đèn, ông như nghe thấy được tiếng hô của các sinh viên kêu gọi tự do trên trên quảng trường năm ấy. Họ nhắn nhủ ông rằng: “Hãy cất tiếng nói”. Đó là lý do tại sao Benedict Rogers sẽ không bao giờ quên sự kiện thảm sát Thiên An Môn. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế trân trọng sự tự do mình đang có và cất lên tiếng nói vì sự thật.
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thảm sát Thiên An Môn Dòng sự kiện Benedict Rogers